dd/mm/yyyy

Than Uyên làm gì để nâng chất sản phẩm OCOP?

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Than Uyên (Lai Châu) đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Nhiều nông sản hàng hóa của huyện đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đời sống, thu nhập của người dân trong huyện cũng nhờ đó mà không ngừng cải thiện, nâng cao.

Là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, Than Uyên có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó phải kể đến cánh đồng rộng thứ 3 vùng Tây Bắc, đó là cánh đồng Mường Than. 

Phát huy lợi thế đó, những năm qua, huyện Than Uyên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền,vận động người dân nhân rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, trong đó có giống lúa Séng cù. 

Sản phẩm lúa Séng cù từ lâu đã được xem là đặc sản riêng có ở vùng đất đầy nắng và gió này. Tuy nhiên, trước đây giống lúa này được người dân một số vùng trong huyện đưa vào trồng theo kiểu tự phát, manh mún. Vài năm trở lại đây, với ưu thế vượt trội về giá trị kinh tế, giống lúa này đã được người dân trong huyện nhân rộng.

Than Uyên làm gì để nâng chất sản phẩm OCOP? - Ảnh 1.

Gạo Séng cù Than Uyên được xếp hạng 4 sao sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu.

Sản phẩm gạo Séng cù Than Uyên được người tiêu dùng đánh giá cao vì có hương vị thơm ngon, đậm đà, nhiều dinh dưỡng. Cứ vào vụ thu hoạch lúa là thương lái ở nhiều nơi lại đổ về các xã: Hua Nà, Mường Cang... của huyện Than Uyên để mua thóc Séng cù. 

Huyện Than Uyên đã đưa gạo Séng cù vào danh sách các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh Lai Châu năm 2020. Gạo Séng cù đã được xếp hạng 4 sao sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu. Niềm vui cho người trồng lúa ở Than Uyên được nhân đôi khi  gạo Séng cù được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Gạo đặc sản Séng cù Than Uyên".

Ông Nguyễn Văn Yên – Giám đốc HTX Thanh Xuân, thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) vui vẻ cho biết: Hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết với nông dân từ sản xuất, xay sát đến tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù. Để loại gạo đặc sản này được nhiều người biết đến hơn, chúng tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh Lai Châu. Chúng tôi đã đầu tư hệ thống giàn sấy công nghiệp, nhà xưởng chế biến đóng gói đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trên bao bì ghi đẩy đủ thông tin, nguồn gốc rõ ràng, quảng bá đưa sản phẩm ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Tham gia chương trình OCOP, HTX có cơ hội khẳng định thương hiệu sản phẩm gạo Séng cù Than Uyên trên thị trường.

Than Uyên làm gì để nâng chất sản phẩm OCOP? - Ảnh 2.

Huyện Than Uyên có 7 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt từ 3 sao - 4 sao.

 Cùng với gạo Séng cù, sản phẩm cá sấy dân tộc Khơ Mú của HTX thanh niên Thẩm Phé (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) cũng được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu. Từ bao đời nay, đồng bào Khơ Mú có nhiều món ăn độc đáo được chế biến từ cá và là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng gia tiên. 

Cá được người dân tẩm ướp gia vị như ớt khô, hạt mắc khén, riềng, lá cây rau húng… sau đó được sấy trên bếp bằng củi cây thành ngạnh; nhờ đó cá có mùi thơm ngon, đặc trưng. Để giữ gìn, phát huy sản phẩm cá sấy, Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé (xã Mường Kim) đã kết hợp kiến thức truyền thống bản địa với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để đưa sản phẩm cá sấy trở thành hàng hóa. 

Than Uyên làm gì để nâng chất sản phẩm OCOP? - Ảnh 3.

Huyện Than Uyên hỗ trợ các tổ chức, HTX xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Đến nay, HTX đã trang bị máy sấy cá sử dụng năng lượng điện mặt trời, máy hút chân không và cải tiến sản phẩm cá sấy đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hợp tác xã đã tạo ra mô hình chăn nuôi cá lồng và tạo mô hình liên kết chuỗi chăn nuôi cá lồng cho các hộ dân trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Chát mang lại nguồn nguyên liệu chất lượng cao, an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thăng – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho hay: Huyện Than Uyên đã và đang tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng 7 sản phẩm OCOP, trong đó phấn đấu những sản phẩm 3 sao sẽ lên 4 sao và sản phẩm 4 sao nâng lên 5 sao, hướng đến các siêu thị lớn, có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Huyện sẽ giành các nguồn lực, hình thành bộ máy tham mưu giúp việc chuyên trách OCOP giúp đỡ các Hợp tác xã, chủ thể sản xuất theo năng lực, định hướng thị trường tiêu thụ. Ngoài hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm, xây dựng nhà xưởng, bao bì, nhãn mác, huyện Than Uyên quan tâm xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn và tại thành phố Lai Châu".

 

Thanh Ngân