dd/mm/yyyy

Than Uyên đổi thay nhờ chương trình nông thôn mới

Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Đó là những kết quả nổi bật sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Than Uyên.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Huyện Than Uyên (Lai Châu) có 12 xã, thị trấn, với 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Than Uyên triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp. Số tiêu chí bình quân của huyện mới chỉ đạt gần 4 tiêu chí/xã. Cơ sở hạ tầng của huyện chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Đặc biệt là không ít cán bộ, người dân vẫn chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình.

Trước thực trạng khó khăn đó, huyện Than Uyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động người dân làm NTM.

Than Uyên đổi thay nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 1.

Huyện Than Uyên chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã được Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức thành viên thực hiện nghiêm túc, thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình và tích cực tham gia của người dân. Các ban, ngành, đoàn thể huyện thường xuyên phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền gắn với ra quân dọn dẹp vệ sinh làng bản.

"Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân về các chủ trương, chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới không ngừng được nâng lên. Đa số các hộ dân đã chủ động, tích cực phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa" – ông Vương Văn Thăng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên, cho biết.

Nông thôn Than Uyên đổi mới

Về các xã khó khăn của huyện Than Uyên như: Tà Mung, Khoen On, Mường Kim... chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của các vùng quê nơi đây. Những con đường mòn đất đỏ ngày nào giờ đã được bê tông hóa , thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của người dân. Những khu đất trồng, đồi trọc trước đây bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, giờ phủ kín màu xanh tươi tốt của cây ngô, cây chè.

Than Uyên đổi thay nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 2.

Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, nên thu nhập, đời sống của người dân huyện Than Uyên ngày càng được nâng cao.

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lò Quyết Thắng – Chủ tịch xã Mường Kim hồ hởi khoe: "Trung tuần tháng 6 vừa qua, xã Mường Kim đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là thành quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã. 

Khi mới triển khai chương trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân mới chỉ đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm. Hết năm 2019, thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên hơn 33 triệu đồng/người/năm. Cán bộ, đảng viên và người dân trong xã ai cũng vui mừng, phấn khởi bởi về đích NTM đúng hẹn. Xã Mường Kim đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM".

Than Uyên đổi thay nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 3.

Nhiều trường, lớp học ở huyện Than Uyên được đầu tư xây dựng khang trang.

Theo ông Thăng, trong lộ trình xây dựng NTM, huyện Than Uyên đã chọn phát triển giao thông là khâu đột phá. Đồng thời huyện tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, để làm đòn bẩy thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí khác. Và huyện Than Uyên đã thành công. Phong trào hiến đất, góp sức làm đường giao thông thu hút được sự tham gia tích cực của người dân các xã, bản. 

Hơn 10 năm qua, người dân huyện Than Uyên đã đóng góp gần 100.000 ngày công lao động và hiến hơn 110.000m2 đất, để làm đường giao thông, nhà văn hóa, sân vận động. Hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được hoàn thiện. Nhiều tuyến đường xã, trục bản, liên bản được trải nhựa, đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của người dân. Qua đó thúc đẩy kinh tế trên địa bàn huyện phát triển.

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Than Uyên đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, huyện cũng tăng cường chỉ đạo các xã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất.

Than Uyên đổi thay nhờ chương trình nông thôn mới - Ảnh 4.

Đến nay, huyện Than Uyên đã có ̃7/11 xã cán đích NTM.

Bên cạnh đó, huyện Than Uyên còn triển khai có hiệu quả các đề án, dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất lúa, chè tập trung ở các xã: Phúc Than, Mường Than, Hua Nà, Mường Kim. Các mô hình trong chăn nuôi tập trung cũng được các xã triển khai đồng bộ. Nhiều loại giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao được người dân đưa vào sản xuất đại trà, mang lại thu nhập ổn định.

Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người trong huyện được nâng lên rõ rệt. Thu nhập tăng, người dân trên địa bàn có điều kiện xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, tích cực đóng góp xây dựng NTM.

Đến thời điểm này, huyên Than Uyên đã có 7 xã về đích NTM. Số tiêu chí bình quân của huyện đạt trên 14 tiêu chí/xã. Diện mạo nông thôn miền núi của huyện ngày càng khang trang. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện không ngừng cải thiện, nâng cao. 

Thanh Ngân