dd/mm/yyyy

Nông dân làm giàu nhờ cây ăn quả trồng trên đất dốc

Từ cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, những nông dân ở xã Hát Lót (huyện Mai Sơn, Sơn La) đã vươn lên trở thành những chủ nhân giàu có trên chính mảnh đất quê mình. Đó là kết quả của quá trình thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp của tỉnh Sơn La.

Làm giàu từ trồng cây ăn quả

Với bước đi hợp lý trong phát triển kinh tế, Hát Lót từ một xã khó khăn đã vươn mình trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, thu nhập bình quân hơn 31 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 3%. Giờ đây, Hát Lót đã khoác lên mình diện mạo mới, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, người dân no ấm. Phong trào trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp đã đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân trong xã. Nhiều diện tích trồng ngô, sắn, đậu tương kém hiệu quả được thay thế bằng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao như: Cam, bưởi, xoài, nhãn...

Bưởi da xanh bén rễ trên đất Sơn La.
Bưởi da xanh bén rễ trên đất Sơn La.

Vườn cây ăn quả của ông Đào Văn Hùng, ở bản Nà Cang được xem là một trong những mô hình điển hình trong phong trào phát triển cây cây quả trên đất đốc ở Hát Lót. Nhờ tích cực học hỏi, mạnh dạn chuyển cơ cấu cây trồng, giờ đây ông Hùng đã có gần 1ha cây ăn quả, ước tính mỗi năm thu trên 300 triệu đồng. Có được thành quả này, ngoài sự nỗ lực của bản thân ông Hùng, còn có sự giúp đỡ, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khuyến khích, hỗ trợ cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng chất lượng cao nên ông Hùng mới có thành quả như ngày hôm nay.

Năm 2018, sản phẩm nhãn tươi của Sơn La đã xuất khẩu được trên 5.000 tấn sang 9 nước trên thế giới.
Năm 2018, sản phẩm nhãn tươi của Sơn La đã xuất khẩu được trên 5.000 tấn sang 9 nước trên thế giới.

Bà Hoàng Thị Chiên, bản Nong Xôm, cho biết: Hưởng ứng phong trào trồng cây ăn quả tại địa phương, năm 2015, tôi trồng 100 cây cam, bưởi. Sau khi được tiếp thu kỹ thuật, chịu khó chăm sóc, thấy cây phát triển rất tốt, tôi liền trồng thêm 150 cây nữa. Đến nay, khu vườn đang cho thu hoạch mỗi năm cả chục tấn quả, ước tính sau trừ chi phí cũng lãi trên 200 triệu đồng. Đây là số tiền thu nhập mà trước đây gia đình tôi chưa từng nghĩ đến. Bởi trước đây trồng ngô, sắn, đậu tương; giỏi lắm cũng chỉ được 40 - 50 triệu đồng/năm.

Những vạt đồi cây trồng kém hiệu quả được thay thế bằng cây ăn quả giá trị kinh tế cao.
Những vạt đồi cây trồng kém hiệu quả được thay thế bằng cây ăn quả giá trị kinh tế cao.

Cũng giống như gia đình ông Hùng và bà Chiên, nhiều nông dân ở xã Hát Lót đang tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bà con đã kết hợp cải tạo vườn tạp; lai, ghép cây giống gốc với các loại giống chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Nhiều tiến bộ khoa học trong sản xuất được bà con vận dụng để nâng cao thu nhập.

Nhân rộng diện tích

Ông Lê Đình Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Hát Lót, cho biết: Hát Lót hiện có 31 bản, tiểu khu; hầu hết các hộ dân đều trồng cây ăn quả với diện tích trên 1.100 ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức tiêu thụ sản phẩm, xã còn vận động người dân sản xuất theo hình thức liên kết các nông hộ thành tổ, nhóm, HTX sản xuất tập trung. Hiện xã có 6 hợp tác xã trồng cây ăn quả, trong đó có 3 HTX đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình có thu nhập cao hơn hẳn, trung bình từ 300 - 400 triệu đồng/ha, thậm chí có gia đình thu cả tiền tỷ. Hiện nay, xã đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, đưa các loại giống mới chất lượng vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Từ phong trào trồng cây ăn quả trên đất dốc, người dân xã Hát Lót đã biến vùng đất cằn này thành vựa cây ăn quả trù phú cho thu nhập cao. Mới đây, sản phẩm xoài của một số HTX trên địa bàn đã được xuất khẩu sang thị trường Úc, Trung Quốc... Mở ra tín hiệu mừng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín với khách hàng, chính quyền địa phương cũng tích cực vận động người dân giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cho cây trồng trong sản xuất…

Quốc Định