dd/mm/yyyy

Niềm vui của người Châu Ro: Đường đẹp như tranh, nhiều nhà giàu lên

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được triển khai ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Điều đó cũng góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, đặc biệt là bà con dân tộc Châu Ro nơi đây.

Đường ấp đẹp như tranh

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc không chỉ là những con đường bêtông mà còn có những con đường được nhựa hóa khang trang, hai bên đường trồng rất nhiều loài hoa đang đua nhau khoe sắc.

Các công trình hạ tầng ở Xuân Phú được xây dựng khang trang. TT
Các công trình hạ tầng ở Xuân Phú được xây dựng khang trang. TT

Già làng Hùng Văn Xứng - người dân tộc Châu Ro vui vẻ cho biết: Con đường này được nhựa hóa nhờ sự đóng góp của bà con nhân dân trong ấp và sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Nhờ sự chung tay nhiệt tình của người dân, đến nay toàn bộ đường sá trong ấp đều được nhựa hóa hoặc bêtông hóa, bộ mặt làng ấp khang trang hơn, bà con rất phấn khởi.

Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã cùng với già làng đã xuống từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con chung tay xây dựng NTM thông qua việc hiến đất, đóng góp ngày công và kinh phí để bêtông hóa các con đường nội ấp, giúp bà con đi lại thuận tiện.

Đời sống bà con ngày một nâng cao

Ấp Bình Hòa có trên 30% dân số là đồng bào Châu Ro. Nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây bà con chỉ trồng 1 vụ lúa trong năm, nhưng từ khi triển khai xây dựng NTM, bà con được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây, con, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên giờ đây bà con đã biết thâm canh 2 - 3 vụ lúa/năm, năng suất lao động tăng lên, vì vậy thu nhập ngày càng được cải thiện.

Già làng Xứng cho biết, những năm gần đây số hộ nghèo trong ấp giảm nhanh, giờ chỉ còn vài hộ cận nghèo.

Không chỉ kinh tế gia đình được cải thiện mà đời sống văn hóa của bà con dân tộc Châu Ro cũng được nâng cao. Theo già làng Xứng, trước đây kinh tế khó khăn, chưa có nhà văn hóa, các lễ hội của đồng bào chỉ làm ở quy mô nhỏ lẻ hoặc diễn ra trong gia đình.

Nhưng từ năm 2004, khi được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nơi đây đã trở thành nhà lưu giữ những tư liệu, hình ảnh quý về ấp Bình Hòa, là nơi bà con tổ chức sinh hoạt, hội họp, diễn ra các ngày lễ lớn của dân tộc trong năm.

Điều đáng mừng là công tác giáo dục cho các thế hệ măng non ở Bình Hòa ngày càng được chú trọng. Thầy giáo Tằng Vảy Sồi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ cho biết: Trước đây, việc vận động trẻ em đến trường rất khó khăn, nhưng giờ đây nhận thức của bà con dân tộc được nâng lên, việc vận động trẻ em đến trường đúng độ tuổi cũng thuận lợi hơn. Hiện, tỷ lệ học sinh con em bà con dân tộc Châu Ro trong độ tuổi đến trường đã đạt 100%, không có học sinh bỏ học.

Mặc dù Xuân Phú là xã có nhiều đồng bào có đạo, nhiều dân tộc thiểu số, nhưng dường như không có sự khác biệt đáng kể nào về cảnh quan giữa các xóm, ấp. Trụ sở Đảng ủy xã, HĐND và UBND xã, trường học, trạm y tế... được bố trí dọc hai bên quốc lộ. Những con đường trải bêtông phẳng phiu, rộng rãi tỏa về các ấp với những ngôi nhà xây kiên cố, lưới điện, trang trại trồng rau sạch có hệ thống tưới phun sương... đã biến nơi đây thành một vùng quê trù phú.

Trang Thảo