dd/mm/yyyy

Nhãn ghép bội thu trong vườn tạp

Với mô hình cải tạo lai, ghép nhãn, anh Đào Ngọc Bằng, bản Hải Sơn 2, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã thu trên nửa tỉ đồng mỗi năm từ nhãn.

Anh Bằng đang chăm chút từng chùm nhãn trong vườn.

Thay máu vườn tạp

Dẫn chúng tôi thăm khu vườn nhãn, cây nào, cây nấy quả sai chi chít quả, anh Đào Ngọc Bằng phấn khởi, cho biết: Trước đây, vườn nhãn này mỗi năm cũng chỉ cho tôi nguồn thu nhập hạn chế, chẳng đáng là bao. Đã có lúc tôi tính chuyện thay thế cây nhãn bằng cây trồng khác.

Khi nghe bập bõm là có thể “thay máu” cho vườn nhãn để lấy hiệu quả sản xuất cao hơn, anh Bằng nghĩ là sẽ phải chặt bỏ cây cũ để trồng mới. Nhờ được tham gia lớp tập huấn “ghép nhãn, cải tạo vườn tạp” và đi thực tế tại một số tỉnh học hỏi kỹ thuật, anh Bằng đã tiến hành cải tạo vườn nhãn bằng cách ghép nhãn.

Nhờ chăm bón đúng kỹ thuật, vườn nhãn phát triển xanh tốt

Năm 2007, anh tiến hành cưa đốn, cắt cành nhãn trong vườn, để cây đâm chồi mới và chọn cành giống được cắt tỉa từ những cây nhãn đầu dòng thuộc giống nhãn lồng Hưng Yên để ghép. Nhờ chăm bón đúng kỹ thuật, vườn nhãn phát triển xanh tốt, năm 2009, vườn nhãn ghép của anh đã cho thu hoạch gần 300 triệu đồng.

Vui mừng vì cây nhãn ghép cải tạo đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước, anh Bằng tiếp tục ghép 400 gốc nhãn. Nói về kinh nghiệm ghép cải tạo nhãn anh Bằng, chia sẻ: Thời kỳ ghép cành tốt nhất là tháng 4 hàng năm. Từ gốc cây nhãn cũ sau khi cưa đốn, mỗi cây giữ lại 5 cành cấp 1 để ghép. Sau khi cành ghép bật mầm và phát triển thành thục thì bấm ngọn, khi cành ghép mọc nhiều chồi mới thì tỉa định chồi.

Mỗi năm bỏ túi nửa tỉ

Cũng theo anh Bằng, sở dĩ vườn nhãn nhà anh ra quả đều và sai như vậy là do được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài việc bón phân cân đối giữa phân vi sinh và phân NPK đối với các thời điểm ra hoa, ra quả... anh còn thường xuyên tưới đủ ẩm vào các thời kỳ nhãn sinh trưởng lộc, chuẩn bị ra hoa, nở hoa và quả phát triển. Anh cho biết, việc làm sạch cỏ xung quanh gốc nhãn cũng rất quan trọng, vừa hạn chế “cạnh tranh” dinh dưỡng, vừa tránh được sâu bệnh gây hại, giúp cho cây nhãn sinh trưởng phát triển tốt.

Bể chứa nước được anh Bằng xây trong vườn để tưới cho nhãn.

Ngoài gần 400 gốc nhãn của gia đình, anh Bằng còn thầu thêm đất để trồng mới hàng trăm cây nhãn ghép. Hiện nay cả khu vườn của anh có hơn 1.000 cây đang cho quả. Mỗi năm, trừ chi phí, anh thu lãi hơn 500 triệu đồng từ bán nhãn tươi. Nhờ trồng nhãn, cuộc sống gia đình anh Bằng đã bước sang trang mới. Cơ ngơi của anh bây giờ là một ngôi nhà 3 tầng mới xây, với đầy đủ tiện nghi.

Ngôi nhà khang trang của anh Bằng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Bằng còn hỗ trợ vốn cho gia đình khó khăn để cải tạo, ghép nhãn. Anh tự nguyện ghép hơn 6.000 gốc nhãn miễn phí cho cho nhiều hộ gia đình trong huyện; cung ứng hơn 4.700 mắt ghép cho bà con có nhu cầu ghép nhãn. Ngoài ra, anh còn đến từng hộ vận động bà con thực hiện ghép cải tạo lại vườn nhãn, nhiều hộ tin tưởng làm theo và cũng bắt đầu khá lên nhờ có thu nhập cao hơn từ nhãn.

Quốc Định