dd/mm/yyyy

Nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả theo quy trình VietGAP

Sản xuất cây ăn quả có múi đang mang lại nguồn thu nhập đang kể cho người dân. Tuy nhiên để tạo ra sản phẩm trái cây vừa cho hiệu quả kinh tế cao lại vừa có sức cạnh tranh trên thị trường thì cần đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây có múi theo VietGAP cho cán bộ khuyến nông xã và cộng tác viên khuyến nông của tỉnh.

Mô hình canh tác cam đường canh giúp nhiều nông dân Bắc Giang vươn lên làm giàu.
Mô hình canh tác cam đường canh giúp nhiều nông dân Bắc Giang vươn lên làm giàu.

Bắc Giang là một trong những vùng trọng điểm sản xuất cây ăn quả của cả nước với tổng diện tích năm 2017 khoảng 47.000ha. Đến nay, diện tích cây cam đạt 3.750ha, trong đó cam đường canh 1.600ha, diện tích bưởi 2.850ha (bưởi Diễn 1.400ha) tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Tân Yên...

Sản xuất cây ăn quả có múi đang mang lại nguồn thu nhập đang kể cho người dân. Tuy nhiên để tạo ra sản phẩm trái cây vừa cho hiệu quả kinh tế cao lại vừa có sức cạnh tranh trên thị trường thì cần đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, để nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả theo quy trình VietGAP, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trước hết cần trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ khuyến nông. Tham dự tập huấn có 30 cán bộ khuyến nông xã và cộng tác viên khyến nông của các huyện Lục ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên, Yên Thế và thành phố Bắc Giang.

Trong thời gian 3 ngày diễn ra tập huấn (từ 9 - 11.8.2017), các học viên được giảng viên truyền đạt những kiến thức cơ bản về sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung vào hai loại cây ăn quả có múi hiện nay là bưởi Diễn và cam đường canh với các nội dung chủ yếu về yêu cầu về điều kiện sinh thái, kỹ thuật trồng, kỹ thuật chăm sóc cây trước và sau khi ra quả, phòng trừ sâu bệnh và quản lý dịch hại...

Lớp tập huấn được tổ chức theo phương châm lấy học viên làm trung tâm và học tập theo phương pháp kết hợp nhiều kỹ năng như động não, thảo luận nhóm, thuyết trình... Học viên là nhân tố chính, là những người trực tiếp tham gia vào nội dung bài giảng. Vì vậy đã giúp cho học viên có thể học sâu, nhớ lâu kiến thức ngay tại lớp và có được những kỹ năng để áp dụng vào giảng dạy, tuyên truyền thực tế tại địa phương.

Bên cạnh học lý thuyết, học viên còn được đi tham quan, học tập thực tế mô hình sản xuất cam đường canh và cam Vinh tại xã An Dương, huyện Tân Yên. Tại đây các học viên được chủ hộ chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất trong quá trình trồng và chăm sóc những giống cam này. Mô hình còn được đầu tư ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tưới nước tự động cho cây cam.

Qua đợt tập huấn, học viên được trang bị thêm những kiến thức về sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP để tuyên truyền, khuyến khích người dân tại địa phương biết, hiểu và áp dụng.

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng và sức khoẻ người tiêu dùng. Đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Đây là một quy trình dễ áp dụng, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cần được nhân rộng.
Bài và ảnh: Kim Lan