dd/mm/yyyy

Mưu sinh trên đá

Ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ có những bản làng của đồng bào Thái, Khơ Mú, Mông… nằm trải dài theo dòng suối Nặm Păm. Người nông dân nơi này mưu sinh bằng nghề trồng lúa nước. Nhưng đây là sự mưu sinh vô cùng cực nhọc…

Đá chồng lên đá

Đến xã Nặm Păm, đi dọc cánh đồng có tổng diện tích tới cả trăm ha, nối chồng lên nhau kiểu bậc thang, trải dài theo dải đất hẹp dưới chân đèo Sam Síp mà thấy nao lòng. Cái sự nao lòng ở nơi đây có thể đến với bất cứ ai yêu một cảnh quan làng quê nông nghiệp đẹp. Nhưng nếu đi sâu vào những ruộng lúa thì ta lại dễ nao lòng bởi sự khắc nghiệt trong nghề trồng lúa nước ở nơi đây.

Mưu sinh trên đá - Ảnh 1.

Mặt ruộng, bờ ruộng ở Nặm Păm đều được hình thành trên đá sỏi và từ đá sỏi.

Vốn dĩ là vùng cao, hai bên là những dãy núi dựng đứng với độ dốc lớn. Trải qua cả ngàn năm mưa lũ bào mòn nên lớp thổ nhưỡng ở Nặm Păm rất mỏng, gây nhiều khó khăn cho nông dân trong canh tác. "Suối Păm này là nguồn nước chính của cả xã chúng tôi. Do địa hình dốc cao và bị chia cắt dữ dội, khó đầu tư mương phai tưới tiêu chủ động nên toàn bộ diện tích lúa nước của xã đều nằm dọc theo con suối này. Gặp năm mưa thuận gió hoà, kiếm miếng ăn đã vất vả. Chẳng may gặp năm mưa nhiều, lũ lớn thì quả là đại hoạ" - anh Lèo Văn Thắm, cán bộ địa chính xã Nặm Păm, bảo vậy.

Mưu sinh trên đá - Ảnh 2.

Người dân Nặm Păm đã gắn bó với đá, sỏi ngay từ tuổi ấu thơ.

Đá ở nơi đây hiện diện khắp mọi nơi, từ ven bờ suối tới những chân ruộng, bờ kè, đường đi, mương nước… và ngay cả dưới mặt ruộng. Đá ở Nặm Păm có đủ kích cỡ, từ những tảng to như gian nhà tới hòn sỏi cuội bé như bi xe đạp. Đá chồng lên nhau với đủ sắc màu: Trắng, hồng, vàng, xanh, xám… 

Bà con lấy luôn chính những viên đá ấy đắp lên thành bờ ruộng, bờ ao hay vạt rau xanh nhỏ ven suối; miết thêm tý bùn để thành bước tường xây chắn nước cho ruộng của mình. "Người Nặm Păm sinh ra và lớn lên trên đá, yêu nhau trên đá, kết hôn trên đá và mưu sinh cũng trên đá. Anh thử thò tay xuống dưới mặt ruộng kia, sẽ thấy sau lớp bùn mỏng là cả triệu viên đá xếp chồng lên nhau. Mỗi mùa cấy, chúng tôi phải dùng dùi sắt để nong lỗ, đưa cây mạ xuống. Còn việc làm nhà ở đây thì như các anh thấy, đá kê chân cột, đá xếp thành tường, thành rào, thành bậc lên xuống… " - anh Thắm cho biết thêm.  

Mưu sinh trên đá - Ảnh 3.

Đá ở Nặm Păm hiện diện từ ven bờ suối tới những chân ruộng, bờ kè, đường đi, mương nước… và ngay cả dưới mặt ruộng.

Gặp lão nông Quàng Văn Hặc ở bản Hốc đang đi thăm lúa. Nhìn bàn chân trần đen nhẻm, xù xì, đầy những nết nứt nẻ của ông bước mạnh bạo, chắc chắn trên bờ ruộng được hình thành bởi hàng ngàn viên đá mấp mô mà thấy nể phục. Ông Hặc, bảo: "Năm nay, lúa được mùa. Nếu không có lũ thì chắc chắn với mấy thửa ruộng này, 4 nhân khẩu nhà tôi sẽ dư gạo ăn, có thêm gạo sạch gửi ra thành phố làm quà cho con, cháu. Còn nếu lũ về thì lại đi bới đá thôi. Vùng thấp mưa lũ chỉ mất lúa. Chúng tôi mà mưa lũ thì không chỉ trắng tay một vụ mà mất tới 2-3 vụ để cải tạo lại nền, mới có ruộng mà cắm lúa. Cả trăm ngàn m3 đá mà chúng tôi làm bờ ruộng, làm kè ở cánh đồng này đều được nhặt từ mặt ruộng mà ra đấy. Cực nhọc lắm, các nhà báo ạ !"

Giúp dân làm giàu trên đá

Đem câu chuyện mưu sinh trên đá, tâm sự với Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La - ông Nguyễn Văn Tâm, ông bảo: Nặm Păm là một trong những vựa lúa chính của huyện Mường La và còn là nơi có những lợi thế riêng để làm nên chất gạo nếp tan ngon nhất tỉnh. Nhiều năm phụ trách nông nghiệp nên tôi thấu hiểu cái khó khăn của nông dân Nặm Păm. Sự khó khăn ấy phải nói là gian nan, cùng cực mới đúng.

Mưu sinh trên đá - Ảnh 4.

Trải qua cả ngàn năm mưa lũ bào mòn nên lớp thổ nhưỡng ở Nặm Păm rất mỏng, gây nhiều khó khăn cho nông dân trong canh tác.

 Chính vì thế, tỉnh, huyện cũng đã tìm nhiều giải pháp giúp nông dân Nặm Păm vượt lên gian khó, lao động sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao mức sống từ nông nghiệp. "Không chỉ với nghề trồng lúa nước mà ở Nặm Păm, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều để nông dân yên tâm lao động sản xuất và cải thiện cuộc sống từ nghề nông. Trước hết, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được chúng tôi đưa vào đây rất kĩ, rất nhiều mô hình thiết thực để bà con có kĩ năng thâm canh, mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã giúp nông dân có vốn ưu đãi, có cây - con giống chất lượng tốt, nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; từng bước đầu tư hệ thống thuỷ lợi… Đến với Nặm Păm hôm nay, các anh sẽ thấy nhiều vườn cây ăn quả đã cho thu nhập cao trên những nền đất dốc. Đó cũng là một hướng sản xuất mới mà thu nhập gấp hàng chục lần so với phương pháp sản xuất cũ ở vùng quê mưu sinh trên đá như Nặm Păm" - ông Tâm trao đổi như vậy.

Mưu sinh trên đá - Ảnh 5.

Đá được người nông dân nhặt từ mặt ruộng dùng làm bờ ruộng, làm kè, lối đi.

Trở lại với bản Hua Nặm bên đầu nguồn con suối Nặm Păm, chúng tôi được già bản Lò Văn Cương cho biết thêm nhiều thông tin về sự mưu sinh trên đá của bà con nơi đây. Ông Cương kể: Ngày xưa, người Nặm Păm cũng không giỏi làm lúa nước vì cực nhọc mà hiệu quả không cao, hay bị lũ cướp trắng. Nhưng không làm ruộng lúa thì lúa nương năng suất thấp lắm, chỉ đạt 3-4 tạ/1ha. Vì thế, làm quần quật cả năm vẫn cứ đói nghèo. Cũng may, cán bộ Nhà nước đến với dân, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn chúng tôi cải tạo đất, làm ruộng bậc thang, đưa giống mới và kĩ thuật thâm canh lúa, cách chuyển đổi cây trồng trên nương, cách sản xuất hàng hoá từ nông nghiệp… "Đến cả cái ao cá này, đàn vịt đẻ trứng của tôi cũng là nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách làm đấy. Ngày trước ai nghĩ đến chuyện đào ao nuôi cá giữa vùng đá, trồng cây ăn quả lâu năm trên nương dốc kia. Vậy mà bây giờ nhiều hộ đã có vườn nhãn, xoài ghép, bưởi da xanh… Cuộc sống trên nền đá sỏi này bây giờ đã có nhiều thay đổi !"

Vâng ! Đúng là "cuộc sống trên nền đá sỏi này bây giờ đã có nhiều thay đổi !". Điều đó chúng tôi có thể thấy được qua những bản làng đang ngày một tươi sáng hơn, hay ngay trong ánh mắt rạng ngời khi nghĩ về quê hương mình của lão nông gần 70 năm gắn bó, mưu sinh trên nền đá sỏi như lão nông Lò Văn Cương đang đứng trước mặt tôi. 

Kiều Thiện