dd/mm/yyyy

Mường Than phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung

Mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất hàng hóa, thu nhập, đời sống của người dân xã Mường Than (huyện Than Uyên, tỉnh lai Châu) không ngừng cải thiện, nâng cao.

Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp

Nằm sát thị trấn Than Uyên (Than Uyên) xã Mường Than có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Lợi thế này đã và đang được chính quyền và người dân khai thác có hiệu quả. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của xã Mường Than có nhiều chuyển biến tích cực. Thay vì sản xuất tự cung, tự cấp như trước, người dân các bản trong xã ngày càng mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 22/02/2021 của Tỉnh ủy Lai Châu về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cấp ủy, chính quyền xã Mường Than đã cụ thể hóa bằng những chương trình, hành động cụ thể.

Mường Than phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 1.

Người dân xã Mường Than đã có sự chuyển biến trong nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Phạm Văn Bốn – Bí thư Đảng ủy xã Mường Than, cho biết: Để Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lai Châu sớm đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể của xã Mường Than đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội nghị của xã, chi bộ, thôn bản, phát trên loa, trên zalo, hội nghị đối thoại, hội thảo đầu bờ, hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật với các công ty liên kết.

"Qua công tác tuyên truyền, người dân trong xã đã nhận thức rõ nét hơn về sản xuất nông sản hàng hoá tại địa phương. Nhiều nội dung được cụ thể hóa thành những điển hình về phát triển kinh tế như: Phát triển vùng lúa hàng hoá tập trung, rau màu tập trung, chăn nuôi gia súc, gia cầm" – ông Bốn nhấn mạnh.

Mường Than hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Xã đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện rà soát, quy hoạch các vùng, các khu vực chăn nuôi và sản xuất tập trung. Qua khảo sát đã quy hoạch và vẽ bản đồ khu vực sản xuất lúa hàng hóa tập trung, với diện tích 190ha tại cánh đồng trung tâm của xã và cánh đồng bản Đông, bản Ngà; Quy hoạch vùng sản xuất rau màu tập trung tại bản Sen Đông và bản Xuân Phương; Quy hoạch vùng thu hút chăn nuôi tại đồi Pom Én.

Mường Than phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 2.

Trên địa bàn xã Mường Than đã hình thành một số vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trên cơ sở quy hoạch các vùng, các khu vực chăn nuôi, sản xuất tập trung, xã Mường Than đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân các bản thực hiện. Trên địa bàn xã cũng đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Toàn xã hiện có 5 cơ sở chăn nuôi trâu bò với quy mô từ 20 con/cơ sở trở lên, 7  cơ sở chăn nuôi lợn theo quy mô trên 60 con/cơ sở trở lên.

Bên cạnh đó, xã Mường Than còn vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất hoang hóa, đất canh tác cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi, cỏ voi, dâu tây, chanh leo, bí xanh. Theo đó, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 12ha đất chè và đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi trâu bò; chuyển đổi 8,7 ha đất trồng sắn sang trồng bười da xanh, 1,2ha đất ruộng 1 vụ sang trồng dâu tây... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trong xã.

Cùng với công tác tuyên truyền, xã Mường Than cũng đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Than Uyên mở các lớp tập huấn quy trình kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hợp tác xã và người dân trên địa bàn.

Mường Than phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung - Ảnh 3.

Thu nhập, đời sống của người dân xã Mường Than được nâng lên nhờ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nhờ đó, trình độ canh tác của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Các hộ dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Nhờ đó, một số loại cây trồng chủ lực, có lợi thế trên địa bàn xã không chỉ nâng cao về năng suất, sản lượng, mà chất lượng cũng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Mặt khác, xã Mường Than còn phối hợp với một số công ty liên kết tổ chức các buổi hội thảo chuyển giao quy trình ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hái bí đao xanh; sản xuất lúa, dâu tây theo quy chuẩn VietGap. Một số mô hình đã thực hiện quy trình đóng gói, tiêu thụ sản phẩm như gạo tẻ tròn, dâu tây đóng hộp, bí đao xanh.

Hiện toàn xã Mường Than có 6 mô hình liên kết sản xuất gồm: 1 mô hình liên kết trồng bí đao xanh 3,2 ha; 1 mô hình liên kết trồng bưởi da xanh 8,7ha; 1 mô hình liên kết trồng Chanh leo 3ha; 1 mô hình nuôi lợn, 1 mô hình trồng dâu tây 1,2ha; 1 mô hình sản xuất gạo tẻ tròn 19ha.

Đến hết năm 2022, xã Mường Than có 2 sản phẩm OCOP 3 sao, đó là giò gà và xúc xích gà của HTX Mường Than; 2 sản phẩm đạt quy chuẩn thực hành VietGap năm 2022, gồm: dâu tây của HTX dịch vụ nông nghiệp sạch Than Uyên, lúa Vass16 của Tổ hợp tác sản xuất lúa bản Ngà.

Với hướng đi đúng đắn, xã Mường Than trở thành một trong những điểm sáng của huyện Than Uyên nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung về sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Thu nhập, đời sống của người dân trên địa bàn xã cũng nhờ đó mà không ngừng cải thiện, nâng cao.

Thanh Ngân