dd/mm/yyyy

Mường Nhé: Không để người dân băng rừng, lội suối đi mua thực phẩm

Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), huyện biên giới khó khăn nhất cả nước, giao thông cách trở. Đặc biệt vào mùa mưa, nhiều tuyến đường thường xuyên sạt, sụt khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Để đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ"...
Mường Nhé: Không để người dân băng rừng, lội suối đi mua thực phẩm   - Ảnh 1.

Cắt cua tại vị trí điểm đen trên quốc lộ 4h thuộc địa phận huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). (Ảnh: Vinh Duy)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Đàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho biết: "Huyện có địa hình chia cắt, nhiều sông suối, địa chất phức tạp. Do đó, nguy cơ xảy ra sạt lở rất lớn, nhất là vào mùa mưa lũ. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, chúng tôi đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống thiên tai. Các tuyến đường có nguy cơ sạt, sụt cao đơn vị đã bố trí máy móc, rọ thép, vật tư, vật liệu. Khi xảy ra sự cố sẽ huy động máy móc, công nhân khắc phục trong thời gian sớm nhất. Không để người dân phải băng rừng, lội suối ra trung tâm huyện".

Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đến các đơn vị, địa phương xử lý các tình huống đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực, máy móc, trang thiết bị vật tư tại chỗ để có biện pháp ứng cứu kịp thời các sự cố trên các tuyến giao thông trong mùa mưa lũ, nhất là các tuyến đường trọng yếu và các khu vực có hiện tượng sạt lở, lũ quét thường xảy ra.

Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ, giải toả nhanh ác tách giao thông và đảm bảo an toàn cho người cũng như phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường.

Mường Nhé: Không để người dân băng rừng, lội suối đi mua thực phẩm   - Ảnh 3.

Một số đoạn đường xung yếu trên quốc lộ 4h hay xảy ra sạt lở đã được gia cố, nâng cấp. (Ảnh: Vinh Duy).

Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN của huyện, các phòng ban chức năng của huyện và UBND các xã trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ông Cường cho biết thêm: Đối với các tuyến đường huyện đang khai thác và các cầu treo dân sinh. Trước mùa mưa chúng tôi đã cho các đơn vị rà soát, báo cáo để có phương án tu sửa kịp thời. Các tuyến đường xung yếu, sau khi kiểm tra, có dấu hiệu sạt, sụt chúng tôi đã cho sửa chữa, khắc phục trước mùa mưa. Toàn bộ các cầu dân sinh được kiểm tra, tu sửa trước mùa mưa, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Khi có sự cố kịp thời phối hợp với các phòng ban chức năng, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các đơn vị tham gia bảo đảm giao thông xác định khối lượng, phương án cụ thể báo cáo UBND huyện chỉ đạo triển khai bảo đảm giao thông bước 1, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt xử lý.

Mường Nhé: Không để người dân băng rừng, lội suối đi mua thực phẩm   - Ảnh 4.

Các tuyến đường liên xã được đổ bê tông, thuận lợi cho người dân đi lại trong mùa mưa. (Ảnh: Vinh Duy).

Đối với các tuyến đường huyện, xã đang trong giai đoạn thi công, đang trong giai đoạn bảo hành: Sử dụng vật tư, vật liệu, lực lượng và phương tiện của các doanh nghiệp đang thi công; giao các đơn vị chủ đầu tư kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các phương án chuẩn bị và bố trí thường trực đảm bảo giao thông trên các tuyến.

Khi có sự cố xảy ra, theo phạm vi thi công công trình được giao, nhà thầu thi công thông báo cho chủ đầu tư, cơ quan bảo hiểm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trường, xác định thiệt hại do thiên tai gây ra và lập phương án khắc phục. Trường hợp hư hại lớn chủ đầu tư có báo cáo mức độ thiệt hại, ước tính kinh phí trình lên Phòng Kinh tế Hạ tầng có phương án xử lý,

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Hồng Quang, Giám đốc Công ty Vĩnh Phúc cho biết: "Đơn vị được UBND huyện Mường Nhé giao đảm bảo giao thông trên địa bàn, chúng tôi đã huy động toàn bộ máy móc phục vụ đảm bảo giao thông. Các tuyến đường xung yếu Công ty đã bố trí máy móc, vật tư, vật liệu sẵn sàng thông đường nếu có sự cố xảy ra".

Mường Nhé: Không để người dân băng rừng, lội suối đi mua thực phẩm   - Ảnh 5.

Công ty Vĩnh Phúc luôn túc trực máy móc, sẵn sang thông tuyến mỗi khi xảy ra sạt sụt tại các tuyến đường trên địa bàn huyện Mường Nhé. (Ảnh: Vinh Duy).

Đối với tuyến Quốc lộ 4H, không phải do huyện quản lý, nhưng đây là tuyến đường huyết mạch lối trung tâm huyện Mường Nhé với thành phố Điện Biên Phủ. UBND huyện đã phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải để xây dựng phương án đảm bảo giao thông. Các vị trí thường xuyên xảy ra tắc đường do mưa lũ đã được đơn vị trực thuộc sở huy động máy móc tu sửa trước mùa mưa.

Với các kế hoạch, phương án cụ thể của Phòng Kinh - tế Hạ tầng, cùng sự vào cuộc tích cực từ các đơn vị, hy vọng rằng trong mùa mưa bão năm nay, giao thông các tuyến đường trên địa bàn huyện Mường Nhé sẽ được đảm bảo thông suốt, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và của do mưa lũ gây ra.

Vinh Duy