dd/mm/yyyy

Một chuyện nhỏ ở Hội An

Hội An bây giờ nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng không phải người Việt Nam nào cũng dễ đặt chân đến Hội An. Cũng như rất nhiều người còn chưa một lần đến Hà Nội, nói chi Sài Gòn.

Hội An đã cố gắng rất nhiều năm để giữ cho mình nét thuần Việt ngay từ địa giới hành chính. Đó là một cánh đồng có con đường bê tông xuyên qua. Lúc nào con đường cũng có du khách ngoại quốc guồng xe đạp hoặc thong dong xe máy ngao du trên đó. Một cánh đồng lúa nước mùa nào cũng hút hồn, bạn đã hình dung được rồi chứ, màu xanh mạ, rồi màu lúa ngả vàng, rồi vàng rộm lên và thu hoạch, để lại nhiều rơm rạ cùng những chú trâu tha thẩn và những cánh cò. Một người bạn thạo tin nói nhỏ rằng, đã từng có một nữ đại gia khét tiếng muốn “mua” ông Nguyễn Sự để cánh đồng này thành dự án. Ông Sự không “bán mình” mà còn đuổi thẳng cánh, bà ta biến luôn tới tận bây giờ.

Rồi những xóm làng như xương sườn của cánh đồng. Mái ngói, bờ tre, cây thổ cư và những vạt rau. Trồng rau hữu cơ để cung cấp cho phố cổ và để du khách đi thực hành trồng rau (và cả cưỡi trâu nữa). Bảo sao du khách lại thích Hội An. Người ta ngán nhà bê tông, lâu đài và những công trình, những kiệt tác nhân tạo, người ta đi thư giãn và bỗng bắt gặp ở đây làng quê trăm năm mộng bình yên. Một nét văn hóa điển hình của nông thôn Đông Nam Á: lúa nước, xóm thôn, chậm rãi, hài hòa, thân thiện.

Phố cổ Hội An cổ hơn các bạn hình dung, tin tôi đi. Cũng như những người làm du lịch giỏi của những nước giỏi, người ta còn cố làm đậm sự cổ của mình để thu hút du khách. Màu vàng của ve tường từng là thuộc địa Pháp, những lữ quán có dấu ấn người Hoa, những ngôi nhà cổ của những thương gia hàng trăm năm, những giàn hoa giấy nhiều màu, cơ man cửa hiệu tái hiện vẻ sầm uất một thời, đèn lồng treo cao và những quán những gánh...nhộn nhịp mà hết sức ngắn nắp, ân cần. Người mình và người lạ với đủ thứ màu da đi chạm tay vào nhau nhưng ai cũng thấy lòng như trẩy hội.

Những cỗ xích lô không quá nhiều, điểm xuyết giữa những dòng người đi bộ để biết sinh hoạt của Hội An ngày trước. Những gánh hàng ăn vặt vỉa hè mới thực là cuộc sống về đêm của Hội An. Các bà và các chị cam kết phải ăn vận truyền thống và lịch sự, hàng ăn phải có bản quyền (nghề gia truyền) và chắc chắn phải an toàn vệ sinh thực phẩm. Rất nhiều tiêu chuẩn “phải” mới được kiếm sống ở Hội An. Cũng như các cửa tiệm spa phải đồng giá ban ngày và ban đêm, thợ phải có bằng bấm huyệt và tẩm quất, thợ cam kết không dễ dãi (nói chi chịu “đi dù” với khách). Phải nói tay nghề thợ ở đây là nhất nước!

Chúng tôi bách bộ như mọi người, lòng thầm cảm ơn những ai đã nghĩ ra chuyện giữ gìn Hội An cho muôn đời con cháu (sở tại và cho cả quốc gia đến ngắm và tự hào). Nhìn mặt du khách nước ngoài biết họ mãn nguyện. Không sợ móc túi, không thấy cãi nhau, không có chặt chém du khách, và cũng không có chèo kéo. Mọi thứ diễn ra đêm nào cũng giống như đêm nào, khoan thai, cộng sinh và êm đềm.

Chúng tôi dừng lại ở một góc phố có vẻ nhà chức trách đang làm việc với “đương sự” nào đó. Một bà cụ bán tàu hũ sau cái gánh của mình, chiếc nồi trắng, mùi thơm của lá dứa và đường, bà cụ bới tóc gọn và quần đen áo bà ba trắng. Trong bóng điện sáng vừa phải, bà cụ thật thanh lịch, sạch sẽ. Bên cạnh bà là một phụ nữ cỡ năm mươi, ngồi quạt bắp nướng. Phía trước bà bắp nướng là nhân viên bảo vệ không đeo băng đỏ ở tay mà chỉ có thẻ đeo trước ngực. Lời qua tiếng lại hơi khác thường, đủ cho tôi tò mò chứ không ầm ĩ gì cả. Thấy tôi đứng lại, người đàn ông bảo vệ trấn an: “Không có gì đâu chị, không có gì đâu”. Vậy là chúng tôi bước đi, người bảo vệ kín đáo muốn chúng tôi đừng vây quanh để gây ra tò mò.

Lát sau tôi vòng lại. Người bảo vệ đã đi và người đàn bà nướng bắp cũng không còn ngồi ở đó. Tôi hỏi chuyện bà cụ bán tàu hũ. Thì ra người quạt bắp không có giấy đăng ký, bà ta nhảy dù vào bán và đã bị bảo vệ nhắc nhở. Chỉ nhắc nhở, không có cảnh tịch thu lấy được dụng cụ, không có quát tháo và người vi phạm cũng không trả treo, chống trả.

Một cách xử lý đúng luật nhưng rất tình người và trên hết, không làm chấn động du khách. Chúng tôi ra về với chi tiết thú vị ấy và ai cũng nghĩ, nhất định sẽ trở lại, sẽ phải trở lại Hội An. Quả tình không phải thắng cảnh nào của đất nước cũng giữ người ta hẹn với nơi đó là sẽ trở lại, điều Hội An đã cố gắng làm từ việc lớn đến việc bé tẹo bằng tình yêu quê hương - mảnh đất nuôi sống cha ông mình và hiện vẫn nuôi sống chính mình.

Dạ Ngân