dd/mm/yyyy

Mất rừng, mất kế sinh nhai

Nói về chuyện giữ rừng của người dân Mường Lay - Điện Biên, già làng Lò Văn Inh, cười sảng khoái: "Chưa ở đâu rừng tốt như ở Mường Lay, người dân chúng tôi luôn quan niệm, còn rừng là còn kế sinh nhai, mất rừng là mất tất cả".

Giữ kế sinh nhai

Từng là thủ phủ và mang địa danh Lai Châu (cũ) từ ngày Toàn quyền Đông Dương kí quyết định thành lập tỉnh năm 1909, nhưng cho đến thời điểm này, Mường Lay vẫn là một thị xã nhỏ nhất và nghèo nhất toàn quốc về mọi mặt. Dù đời sống người dân còn nghèo, nhưng bà con ở đây rất có ý thức trong quản lý bảo vệ rừng. Họ coi rừng là như máu thịt, vì thế trong tâm khảm của người dân phải giữ rừng vì rừng cho họ kế sinh nhai.

Mường Lay với diện tích tự nhiên hơn 11.000ha  thì có đến trên 7.000ha là rừng tự nhiên. Diện tích rừng của Mường Lay phần lớn là rừng phòng hộ xung yếu, vì thế người dân hiểu được tầm quan trọng trong việc bảo vệ rừng. Ngồi trầm ngâm, phóng tầm mắt về phía lòng hồ thủy điện Sơn La, ông Lò Văn Hặc, bản Nậm Cản, phường Na Lay nhớ lại về cơn đại hồng thủy năm 1990, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân: Không phải tôi thích nhắc lại chuyện cũ, nhưng cơn đại hồng thủy năm đấy đã giúp người dân chúng tôi tỉnh ngộ. Vì phá rừng, làm nương bừa bãi, mà chúng tôi và các thế hệ con cháu phải gánh chịu hậu quả.

 Theo ông Hặc thì Mường Lay là nơi tụ thủy của 3 dòng chảy: Sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Sẽ không bao giờ có cuộc "dời đô" lịch sử về Điện Biên Phủ nếu vùng đất này không hai lần bị cơn “đại hồng thủy” tàn phá đến xơ xác, cướp đi sinh mạng cả trăm con người.

Mất rừng, mất kế sinh nhai - Ảnh 1.

Để "giữ kế sinh nhai" người dân thị xã Mường Lay coi việc bảo vệ, giữ rừng là nhiệm vụ quan trọng.

Những tai họa ập xuống, khiến người dân vào cảnh màn trời, chiếu đất... đã thức tỉnh họ ý thức bảo vệ rừng. "Quá khứ qua rồi, không nhắc lại nữa, bây giờ tôi kể cho các cậu nghe chuyện giữ rừng của đồng bào Mường Lay. Các bản chúng tôi đều có hương ước, quy ước giữ rừng, ai vi phạm ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật còn bị bản phạt. Chúng tôi luôn tâm niệm và dạ bảo con cháu, nếu giữ rừng 5 năm thì xanh tốt, 10 năm những cây nhỏ sẽ thành cây lớn, 20 năm sau, rừng xanh sẽ thành cổ thụ. Giữ được rừng thì còn nước uống, còn con thú để săn, mất rừng là mất tất cả" ông Hặc tâm sự thêm.

Theo ông Vũ Xuân Linh, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, thì công tác bảo vệ rừng của thị xã chưa bao giờ tốt như hiện nay. "Người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, họ có ý thức bảo vệ rừng. Hơn 7.000ha rừng của Mường Lay được bảo vệ tốt. Những bản vùng cao như Hua Huổi Luông, chủ yếu đồng bào Mông sinh sống, hiện nay ý thức bảo vệ rừng rất tốt, không phá rừng làm nương rẫy, chuyển sang gieo cấy lúa nước...".

Được biết tại các thôn, bản đều thành lập tổ, đội phòng chống cháy rừng. Chỉ cần một đám khỏi bốc lên trong rừng là người dân đánh kẻng, gọi nhau cùng mang dụng cụ chữa cháy lên để khống chế đám cháy, không để cháy ra diện rộng.

Một chính sách, nhiều hiệu quả

Trở lại Hua Huổi Luông những ngày đầu tháng 3, đón chúng tôi trong ngôi nhà lợp ngói mới khang trang, Trưởng bản Giàng A Chía hồ hởi "khoe": Ngôi nhà này tôi mới sửa sang lại từ số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tích góp mấy năm qua. Có nhà mới nên năm nay gia đình tôi đón tết phấn khởi hơn. Không riêng gia đình tôi, mà gần 70 hộ dân trong bản đều được chi trả tiền DVMTR. Mức chi trả cũng tăng dần, từ 350.000 đồng/ha những năm đầu đến nay là gần 700.000 đồng/ha. Năm 2020, số tiền dân bản được tạm ứng trong 2 đợt chi trả là hơn 360 triệu đồng để trang trải cuộc sống và mua trang thiết bị đầu tư sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của nhiều hộ dân trong bản đã khấm khá hơn.

Ðể minh chứng cho lời nói của mình, Trưởng bản Giàng A Chía dẫn chúng tôi "mục sở thị" những hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR mang lại cho dân bản Hua Huổi Luông. Cách nhà trưởng bản Chía không xa, ngôi nhà khang trang của anh Giàng A Phía cũng đang dần hoàn thiện trên diện tích rộng hơn 100m. Ðược biết, một phần kinh phí xây dựng nhà cũng là từ số tiền chi trả DVMTR mà anh Phía đã dành dụm những năm qua.

Mất rừng, mất kế sinh nhai - Ảnh 3.

Người dân Mường Lay rất ý thức trong bảo vệ rừng, những khu vực dễ xảy ra cháy rừng được bà con thường xuyên tuần tra, phát đường băng cản lửa.

Chưa hết, dân bản đang rất phấn khởi với công trình "sân vận động mini" của bản mới được hoàn thành đưa vào sử dụng với kinh phí đầu tư 80 triệu đồng. Số tiền đầu tư do các hộ dân trong bản tự nguyện đóng góp mỗi hộ hơn 1 triệu đồng từ tiền chi trả DVMTR để mua gần 700m2 đất, thuê máy xúc san ủi mặt bằng làm khu tổ chức các hoạt động vui chơi chung. Gọi là "sân vận động mini" bởi đây không chỉ là nơi người dân trong bản tổ chức các hoạt động vui chơi vào dịp lễ, tết, mà hàng ngày đây còn là nơi để thanh niên, trẻ em trong bản tổ chức các hoạt động thể dục thể thao.

Năm 2020, tròn 7 năm dân bản Hua Huổi Luông được nhận tiền bảo vệ rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Ðiện Biên. Bản có gần 70 hộ dân, 100% là dân tộc Mông sinh sống và đều được nhận tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ðến nay diện tích rừng giao cho người dân trong bản quản lý đều phát triển tốt; rừng không bị xâm hại, không xảy ra tình trạng phá rừng làm nương.

 Nhớ lại khoảng thời gian gần 10 năm về trước, ông Giàng Dũng Hầu, người cao tuổi của bản Hua Huổi Luông chia sẻ: Cuộc sống bà con khổ quá do ít đất sản xuất, cả bản chỉ có 4,4ha cấy lúa 1 vụ, còn lại phụ thuộc vào làm nương. Vì thế cứ bắt đầu vào mùa khô cũng là mùa làm nương thì ai cũng muốn tìm cho mình vạt nương, khoảnh đồi để trồng ngô, gieo lúa. Vì không có kỹ thuật dọn, phát, làm đường băng cản lửa nên không ít lần đám cháy từ nương lan vào rừng, gây cháy rừng. Chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm địa bàn dù đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện bảo vệ và phát triển rừng nhưng vì miếng cơm, manh áo nên chuyển biến chẳng đáng kể. Mọi chuyện chỉ thay đổi cách đây hơn 7 năm, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, toàn bộ diện tích rừng trước khi giao cho cộng đồng quản lý được rà soát, xác định trữ lượng, trạng thái. Giữ rừng tốt không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ ẩm cho đất, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Chung tay giữ rừng

Khi người dân nhận thức được rừng là "lá phổi xanh", họ đã một lòng một dạ chung tay giữ rừng. Với người dân bản Hua Huổi Luông, tập tục sinh hoạt đều gắn với rừng nên việc chăm sóc, bảo vệ rừng như chính cuộc sống, tài sản của họ.

Ðể bảo vệ, chăm sóc hơn 920ha rừng được giao khoán, bản Hua Huổi Luông đã thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng gồm 5 thành viên và Tổ Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng gồm 12 thành viên có nhiệm vụ định kỳ, đột xuất tuần tra, kiểm tra diện tích rừng đã được giao cho cộng đồng bản; tuyên truyền, vận động người thân, dân bản cùng chăm sóc, bảo vệ rừng; tổ chức ký cam kết, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ phát triển rừng của cộng đồng.

Mất rừng, mất kế sinh nhai - Ảnh 5.

Sau hơn 10 năm chung tay bảo vệ rừng, giờ đây những cánh rừng đã xanh trở lại.

Theo ông Giàng Chờ Thề, người có uy tín của bản Hua Huổi Luông và cũng là thành viên Tổ Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng của bản thì việc giữ rừng là thiêng liêng, không phải đứng từ xa thấy rừng xanh mà chủ quan, không đến kiểm tra. Bởi những chỗ sâu, chỗ hiểm người dân ít đến lại là địa bàn lâm tặc thường chọn để hoạt động, vậy nên phải canh giữ chặt. Nhờ tinh thần cảnh giác của người dân nên từ nhiều năm nay, trên những diện tích rừng bản được giao khoán không để xảy ra cháy rừng, phá rừng trái pháp luật.

Bên cạnh đó, dưới sự chủ trì của trưởng bản và người có uy tín, dân bản Hua Huổi Luông đã họp bàn, thống nhất chia rừng thành từng khu, sau đó giao cho mỗi nhóm hộ quản lý. Rừng thuộc sự quản lý của nhóm hộ nào thì các gia đình trong nhóm đó được tận dụng củi khô; được hái nấm, chăn thả gia súc nhưng phải bảo đảm gia súc không làm gãy cây, phá rừng. Hộ nào vi phạm quy định của bản thì tùy theo mức độ sẽ bị phạt; nhẹ bị phạt bằng tiền, nặng thì bản không chia rừng để trông coi nữa.

Mất rừng, mất kế sinh nhai - Ảnh 6.

Những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi vẫn xanh tốt.

Tháng ba cũng là mùa làm nương, những ngày này người dân bản Hua Huổi Luông lại vào rừng làm những công việc quen thuộc. Họ đi phát cây bụi, chăm sóc cây lớn và tuần tra bảo vệ rừng. Với tinh thần, trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ rừng nên nhiều năm nay, cộng đồng bản Hua Huổi Luông luôn là một trong những chủ rừng tiêu biểu của xã Lay Nưa, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của xã từ 58,36% (năm 2016) tăng lên 62,82% (năm 2020).

Thanh Phong