dd/mm/yyyy

Lão nông “đúc” dưa hấu thành... thỏi vàng

Sản phẩm dưa hấu tạo hình “độc nhất, vô nhị” của lão nông Trần Thanh Liêm (ở khu 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cứ mỗi dịp tết lại “cháy hàng” dù có giá cao gấp hàng chục lần so với dưa hấu thường.

Tò mò làm hàng “độc”

Nhiều năm trước đây, do diện tích đất ít, việc trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Nên từ năm 2000, ông Liêm đã chuyển sang trồng dưa hấu thâm canh.

“Cơ duyên” tình cờ khi xem trên truyền hình, có thông tin ở Nhật Bản làm được trái dưa hấu hình vuông, ông Liêm nảy sinh ý tưởng sản xuất dưa tạo hình. Qua nhiều tháng nghiên cứu, ban đầu ông cũng chế tạo được mẫu khuôn hình vuông, rồi cho trái dưa hấu non vào, để khi phát triển trái dưa sẽ định hình theo khuôn. Thế nhưng, việc tạo hình không hề đơn giản, ông phải liên tục nếm trải thất bại.

Ông Liêm bên sản phẩm dưa hấu hình thỏi vàng.
“Đối với phân và nước, nếu dư thì trái dưa sẽ hư, gây vỡ khuôn. Còn thiếu thì sẽ không thành hình như ý muốn ban đầu. Còn ánh nắng phải chiếu đều và vừa đủ, bởi dư thì nám vỏ, thiếu thì dưa bị xanh, không có màu vàng nguyên khối”. Lão nông Trần Thanh Liêm.

Ông Liêm nói: “Tôi sản xuất dưa hấu tạo hình là do tò mò và mong muốn kinh tế gia đình được khá hơn. Ý tưởng không phải là khuôn mẫu có sẵn, tôi đã phải tìm đọc nhiều tài liệu để học hỏi. Những ngày đầu thử nghiệm, sản phẩm bị hư, thất bại, tôi cũng buồn nhưng vẫn cố gắng. Cứ như vậy, mỗi một vụ dưa, tôi lấy ra vài chục trái để thử nghiệm rồi tự đúc kết kinh nghiệm dần. Thời gian này, gia đình luôn bên cạnh động viên, ai ủi tôi hãy cố gắng lên. Đến năm thứ hai, đã có sản phẩm thành công”.

Sản phẩm độc đáo của ông Liêm dần được nhiều người biết đến, tìm mua. Từ vụ dưa Tết Nguyên đán năm 2005, ông Liêm đã đưa sản phẩm của mình vào hệ thống Siêu thị Co.opMart và Metro ở TP.Cần Thơ. Những năm tiếp theo, ông tiếp tục cải tiến kỹ thuật bằng cách tạo khuôn dưa hấu vuông sao cho có thêm hình “Tiên đồng”, “Ngọc nữ”; hoặc các câu chúc Tết nằm trên bề mặt trái dưa trông rất hấp dẫn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào năm 2007, ông Liêm bắt tay vào nghiên cứu làm khuôn tạo hình dưa thỏi vàng. Cũng như lần tạo hình dưa vuông, dù nhiều lần thất bại, ông không nản lòng, vẫn tiếp tục cải tiến chiếc khuôn và đã gặt hái được thành công sau đó. “Muốn có được sản phẩm đẹp thì phải làm từ từ, chậm thôi mới đạt và để lâu được. Làm sản phẩm này không đơn giản và đầu tư rất nhiều tiền. Loại dưa hấu hình thỏi vàng này, tôi cũng mất cả năm làm thử nghiệm, đổi mẫu mã nhiều lần”, ông Liêm cho biết.

Để sản xuất dưa hấu hình thỏi vàng, ông Liêm chọn giống dưa Kim Hồng có vỏ màu vàng giống với màu vàng thật và có ruột màu đỏ, vị ngọt vừa phải (sau 60 ngày trồng, dưa có thể cho trái nặng từ 2-2,4 kg). Chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc là cực kỳ quan trọng. Do khó làm nên cho tới nay, dưa hấu thỏi vàng của ông Liêm vẫn là sản phẩm có một không hai ở Việt Nam. Dưa hấu hình thỏi vàng có thể giữ màu sắc, hình dáng gần cả tháng.

Nhận thấy nhu cầu thị trường rất lớn, ngoài việc tăng sản lượng dưa hình vuông trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, ông Liêm nỗ lực sáng tạo thêm những hình dáng mới lạ cho trái dưa để thu hút khách hàng. Và sản phẩm dưa hấu hình thỏi vàng được xem là sản phẩm thành công nhất mà không ai ở miền Tây có thể làm được.

Các sản phẩm tạo hình dưa hấu của ông Liêm. 

Chăm dưa như chăm con

Ông Liêm cho rằng, làm dưa tạo hình giống như nuôi con mới sinh, phải am hiểu về dưa và yêu nghệ thuật tạo hình thì mới có thể làm nổi. Thời gian qua, nhiều người tìm đến, muốn hợp tác làm nhưng ông chỉ lựa chọn được vài hộ dân ở 3 huyện: Phong Điền, Thốt Nốt, Thới Lai sản xuất dưa.

“Làm nghề này, phải chọn người thích hợp vì khó khăn đủ thứ. Để chọn một người, tôi phải tới gia đình xem cách canh tác dưa như thế nào, có am hiểu về dưa hay không thì mới dám đầu tư”, ông Liêm nói. Sau khi chọn người, ông đầu tư cho các hộ dân khuôn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu mua sản phẩm để giao lại cho khách hàng trên cả nước. Hiện nay, ông Liêm cùng các các hộ dân hợp tác làm khoảng 4.000m2 dưa hấu tạo hình.

Nhiều năm qua, giá dưa hấu hình thỏi vàng của ông Liêm giao động từ 3-3,5 triệu đồng/cặp tuỳ loại (loại 1: 1,2 kg; loại 2 từ 1,3 - 1,4kg và loại 3 từ 1,5kg trở lên), dưa hấu vuông từ 1,3-1,7 triệu đồng/cặp, dưa hình trái tim từ 7 - 8 triệu đồng/cặp.

“Trong mâm ngũ quả thì có thể để nhiều loại trái cây, nhưng để chưng hoặc để trên bàn tiếp khách là phải có dưa hấu. Bản thân tôi rất mừng vì tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa đem niềm vui, hạnh phúc cho mọi nhà trong ngày Tết”, ông Liêm bày tỏ.

Hiện nay, nhu cầu dưa tạo hình vào dịp Tết rất lớn. Hằng năm, từ tháng 10 và 11 âm lịch, khách hàng khắp cả nước gọi điện hoặc liên hệ đặt hàng trực tiếp. Để đáp ứng yêu cầu đa dạng sản phẩm của khách hàng, ngoài dưa vuông, dưa hình thỏi vàng, những năm gần đây ông còn cho ra sản phẩm “độc, lạ” như: dưa hấu hình trái tim có hình bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa, đảo Phú Quốc, dưa hấu hình xe hơi mercedes (mang ý nghĩa chở Tài, chở Lộc về nhà),… Riêng sản phẩm dưa hấu thỏi vàng của ông đã được đăng ký thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp với Cục Sở hữu Trí tuệ.

Ông nói vui: “Nhìn xa, nhiều người tưởng là hình trái dưa này làm bằng hàng mã, ai ngờ cầm thử mới giật mình là hàng thật và do chính dân miền Tây mình làm ra”.

Mặc dù đã có nhiều năm trồng dưa hấu tạo hình, nhưng ông Liêm cho rằng, tỷ lệ thành công phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Nếu thời gian gần thu hoạch mà gặp mưa kéo dài nhiều ngày thì tỷ lệ hao hụt rất cao, trái sẽ bị hư, nứt và rất khó để khắc phục như việc tạo hình các loại trái cây khác.
Cũng do thời tiết năm nay phức tạp, khó đón trước nên ông Liêm không tạo hình dưa hấu vuông, dưa hấu hình trái tim, hay hình xe hơi, mà chỉ tập trung tạo hình dưa hấu hình thỏi vàng. Dự tính Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ông Liêm cung cấp cho thị trường khoảng 800 - 900 cặp dưa.

Ông Liêm kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán.

Nói về hiệu quả kinh tế, ông Liêm tính toán, 1.000 m2 diện tích đất trồng dưa hấu thường thu lời không quá 10 triệu đồng khi trúng giá, trúng mùa. Còn làm dưa hấu tạo hình thì cũng 1.000m2 nhưng cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng với mức tỷ lệ thành công thấp và từ 750 triệu nếu tỷ lệ thành công cao (khoảng 50%).

Với sáng kiến trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, giúp tăng tính cạnh tranh sản phẩm nông sản của thành phố, ông Liêm là một trong những doanh nhân được UBND TP.Cần Thơ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước nhiều năm liền.
Học hỏi ông Liêm, thông qua hệ thống khuyến nông, thời gian qua, nhiều nông dân trong thành phố cũng đã tự tìm tòi, có được nhiều sáng kiến hay, sáng tạo ra máy đánh rãnh đường nước, máy hút bùn, máy gặt đập liên hợp, sạ hàng… góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Huỳnh Xây