dd/mm/yyyy

Huyện Tân Lạc (Hoà Bình): Thêm 2 xã cán đích nông thôn mới

Thời gian qua, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Lạc (Hoà Bình) đã đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức đưa 2 xã Gia Mô, Quyết Chiến về đích nông thôn mới.

2 xã vượt qua khó khăn cán đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Tân Lạc đã huy động sức dân và tập trung mọi nguồn lực xây dựng các tiêu chí nông thôn mới đồng bộ và hiệu quả. Kết quả, huyện đã đưa 2 xã: Gia Mô, Quyết Chiến cán đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Theo tìm hiểu của PV, để cán đích nông thôn mới xã Gia Mô đã huy động tổng nguồn vốn trên 110 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, hỗ trợ sản xuất và các phần việc khác. Người dân đã tự nguyện hiến trên 23.350 m2 đất các loại, góp hàng nghìn ngày công lao động, đóng góp trên 12 tỷ đồng để xây dựng xây dựng nông thôn mới.

Huyện Tân Lạc (Hoà Bình): Đón nhận 2 xã cán đích nông thôn mới - Ảnh 1.

Đường giao thông nông thôn được mở rộng và bê tông hoá tại xã Quyết Chiến. Ảnh: Hà Hoàng.

Đến nay, diện mạo nông thôn mới đã thay da đổi thịt, xã đã có hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa khá khang trang. 100% đường trục xã, liên xã, hơn 72% đường trục thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa. Kênh mương được kiên cố hóa đạt 61%, giúp diện tích sản xuất chủ động được tưới tiêu đạt trên 80%. Xã có 2/2 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn không còn nhà tạm, dột nát; gần 90% hộ có nhà ở đạt chuẩn, 85% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Huyện Tân Lạc (Hoà Bình): Đón nhận 2 xã cán đích nông thôn mới - Ảnh 2.

Người dân xã Quyết Chiến đã chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây su su bán ngọn, nhờ vậy mà thu nhập của bà con ngày càng tăng cao. Ảnh: Hà Hoàng.

Còn đối với xã Quyết Chiến, khi bắt đầu triển khai XDNTM, xã mới đạt 4/19 tiêu chí. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại và gặt hái được nhiều thành công. Từ năm 2011 - 2021, tổng nguồn lực huy động và vốn lồng ghép thực hiện Chương trình XDNTM của xã đạt trên 58.800 triệu đồng. 

Trong đó, riêng nguồn vốn do người dân đóng góp bằng tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, tài sản trên đất, vật liệu khác quy đổi ra tiền được gần 16 tỷ đồng, chiếm hơn 26% tổng nguồn vốn. Từ các nguồn lực đầu tư đã giúp cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa được xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ phát triển KT-XH.

Huyện Tân Lạc (Hoà Bình): Đón nhận 2 xã cán đích nông thôn mới - Ảnh 3.

Từ khi có chương trình nông thôn mới, bà con các dân tộc có cuộc sống sung túc hơn. Người dân được sử dụng diện, nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ảnh: Hà Hoàng.

Đời sống của người dân và diện mạo nông thôn mới đổi thay

Hiện nay, 2 xã Gia Mô và Quyết Chiến đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, 2 xã đã phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, trong đó nổi bật là mô hình trồng rau an toàn với các sản phẩm su su lấy ngọn, củ cải trắng... Bình quân thu nhập bình quân đầu người của 2 xã đều đạt gần 37 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo xã Quyết Chiến giảm còn 11,4%. Còn ty lệ hộ nghèo xã Gia Mô giảm còn 10,1%. Nhờ chương trình XDNTM, mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn mới ngày càng đổi thay.

Huyện Tân Lạc (Hoà Bình): Đón nhận 2 xã cán đích nông thôn mới - Ảnh 4.

Từ khi cán đích nông thôn mới, đời sống vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt. Ảnh: Hà Hoàng.

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình cho biết, để tiếp tục phát huy các kết quả đã được, 2 Gia Mô và Quyết Chiến cần quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Hai xã cần tiếp tục triển khai chương trình OCOP gắn với các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển dịch vụ trong những năm tới.

Hà Hoàng