dd/mm/yyyy

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La

Xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Yên (Sơn La) đã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Clip: Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La

Chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Huyện Bắc Yên (Sơn La) hiện có trên 70.400 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 95%. Những năm qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc luôn được huyện đặc biệt quan tâm, tập trung triển khai, như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo; chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chính sách đối với người có uy tín... Hằng năm, huyện Bắc Yên giao chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn các chương trình, dự án và dự toán ngân sách cho các đơn vị thực hiện đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch. Cùng với việc tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đồng bào vùng khó khăn thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo, huyện Bắc Yên còn đôn đốc các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và thanh quyết toán vốn cho các chương trình hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "Sau khi có quyết định phân bổ của HĐND - UBND huyện, Phòng dân tộc cũng đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn phân bổ nguồn kinh phí đến các cơ quan chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ để triển khai các chương trình dự án về kinh tế, VH-XH đến các xã, thị trấn, các hộ gia đình phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của từng địa phương. Qua thời gian thực hiện bước đầu bà con nhân dân rất phấn khởi với các chế độ chính sách, quy định về thực hiện chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối với các hộ dân thì các cơ quan chuyên môn của huyện tham mưu triển khai những nội dung về cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, xã, bản giúp nhân dân từng bước phát triển về kinh tế, xóa đói giảm nghèo".

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

Chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La) giúp nhân dân từng bước phát triển về kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Nguyễn Vinh

 Chính sách dân tộc đã phát huy hiệu quả

Việc thực hiện các chính sách KT - XH ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã có những hiệu quả rất rõ rệt, như: Kết cấu hạ tầng được cải thiện theo hướng đồng bộ; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được bảo đảm; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đến nay có 87,5% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 64,4% bản có đường giao thông từ trung tâm xã đến bản được cứng hóa; 16/16 xã, thị trấn có trạm y tế; 86,31% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 50% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47,5%; 99,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 81,5% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch; 99,5% hộ gia đình được xem truyền hình và 100% hộ được nghe đài tiếng nói Việt Nam; 40% số người sử dụng Internet; 100% bản có nhà văn hoá; toàn huyện có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 94,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm.

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Chính sách dân tộc về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ dân được hỗ trợ cây, con giống để xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Nguyễn Vinh

Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, điều kiện về hạ tầng giao thông còn rất nhiều khó khăn, chính vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ nông sản của nhân dân bị tiểu thương ép giá. Chính vì vậy, bên cạnh các chương trình, chính sách của Trung ương, huyện Bắc Yên còn lồng ghép linh hoạt ngân sách huyện để đảm bảo các nguồn vốn đầu tư trọng tâm, tránh dàn trải, giúp các vùng khó khăn sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Điển hình đã triển khai đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm như: Dự án Cải tạo, nâng cấp đường nối Quốc lộ 37 (huyện Bắc Yên) với Quốc lộ 279D (huyện Mường La), tỉnh Sơn La; Dự án Đường tỉnh 112 (đoạn Làng Chếu – Xím Vàng)...

Ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Tạ Khoa, Huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "Dự án đường nhựa từ quốc lộ 37 đến trung tâm xã hoàn thành đưa vào sử dụng có tác động rất lớn đối với công tác phát triển kinh tế - XH của xã Tạ Khoa. Thứ nhất là việc đi lại của người dân được thuận lợi (đi lại được 4 mùa). Thứ 2 là việc lưu thông, mua bán hàng nông sản được thuận tiện và không bị tư thương ép giá. Thứ 3 là các cháu học sinh đi học đến trung tâm xã cũng thuận tiện. Thứ 4 nữa là thay đổi đời sống của bà con nhân dân để phát triển trồng cây ăn quả và các loại cây rau màu khác bán ra thị trường thuận lợi".

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 6.

Chính sách dân tộc về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp huyện Bắc Yên (Sơn La) đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Bên cạnh đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, huyện Bắc Yên (Sơn La) chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, đã có gần 1.800 lượt hộ được vay vốn với tổng dư nợ hơn 382 tỷ đồng, trên 628 hộ nghèo, 160 hộ cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đó là những động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Háng đồng là xã vùng III, đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên (Sơn La). Từ 1 xã đặc biệt khó khăn, trong những năm qua KT - XH trên địa bàn xã có nhiều sự đổi thay, khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đồng bộ, nhân dân được hưởng thụ nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước  theo Nghị quyết 88, như: chương trình hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, các chế độ an sinh xã hội... Hiện nay, trên địa bàn xã Háng Đồng có khoảng hơn 400 con trâu, bò, 40 hộ khó khăn được hỗ trợ xóa nhà tạm. Hệ thống thông tin liên lạc cơ bản được kéo đến trung tâm xã.

Ông Đinh ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "Đối với xã Háng Đồng được phân bổ và nhân dân được thụ hưởng các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, nhà nước như về cây trồng, vật nuôi, các chế độ an sinh xã hội, có nhiều gia đình có khó khăn trong mùa đói giáp hạt cũng đã được quan tâm hỗ trợ gạo. Nhờ đó nhân dân trên địa bàn xã Háng Đồng cũng có nhiều thay đổi về cách nghĩ, cách nhìn, đời sống của người dân từng bước được cải thiện; hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, cứng hóa khoảng 80%, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%, 100% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh".

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 7.

Gia đình chị Giàng Thị Gống, ở bản Háng Đồng, xã Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La) là một trong những hộ trên địa bàn xã Háng đồng được hỗ trợ cây giống, con giống và được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cuộc sống của gia đình chị nay đã có nhiều đổi thay. Từ một hộ nghèo, nay gia đình chị đã mở được cửa hàng tạp hóa, sửa chữa xe máy, bên cạnh đó, việc trồng cây Thảo quả, Sa nhân, chăn nuôi thêm trâu, bò đã đem lại thu nhập cho gia đình chị hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Giàng Thị Gống phấn khởi, chia sẻ: "Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân chúng tôi phát triển kinh tế. Ngoài ra còn xây dựng trường lớp, hỗ trợ tiền ăn trưa, sách vở để con chúng tôi được học tập đầy đủ. Bây giờ cuộc sống của người dân chúng tôi đã đổi thay rất nhiều".

Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, bà Mùi Thị Hiền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đầu tư của các chương trình mục tiêu như là nghị quyết 88 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là phát huy các nguồn lực tại địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trên địa bàn huyện cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc; phấn đấu đến năm 2030 huyện Bắc Yên sẽ trở thành huyện nằm trong tốp phát triển khá của các huyện trong tỉnh".

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 8.

Hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện Bắc Yên (Sơn La) đã tạo nên diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Vinh

Để nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bắc Yên (Sơn La) tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa; mở rộng loại hình dịch vụ, du lịch, thương mại; chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh. Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Yên thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc