dd/mm/yyyy

Gian nan “gieo chữ” nơi biên viễn

Dù vẫn mệt mỏi bởi chuyến kiểm tra đầu năm học tại mấy xã vùng biên giới Việt - Lào, các lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) vẫn dành cho phóng viên Trang Trại Việt khoảng thời gian rất dài cho buổi làm việc ngay khi đoàn công tác trở về.

Câu chuyện của thầy Nguyễn Xuân Thuận - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng GD&ĐT - bắt đầu từ thời điểm cách đây 5 năm, lúc huyện Nậm Pồ mới được chia tách và thành lập (06/2013); với “hành trang” ban đầu là 38 trường học thuộc 3 cấp giáo dục (mầm non, tiểu học và THCS). Trong đó, không ít điểm trường, điểm lớp sơ sài, tạm bợ. Nhiều trường phòng học cũ nát, xiêu vẹo; chỉ 8/38 trường tạm đủ điều kiện tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh, 4/38 trường đạt chuẩn quốc gia tiểu học và trung học cơ sở (2 trường thuộc xã Chà Nưa và 2 trường thuộc xã Si Pa Phìn). Trong hoàn cảnh như thế, việc duy trì sỹ số học sinh đã là một thách thức.

Việc dạy và học ở các trường học trong huyện Nậm Pồ ngày càng được chăm lo tích cực hơn.
Việc dạy và học ở các trường học trong huyện Nậm Pồ ngày càng được chăm lo tích cực hơn.

Trên cơ sở những thống kê rà soát, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức Hội nghị giao ban giáo dục bàn về công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, huy động học sinh ra lớp, chuẩn bị cho năm học mới đầu tiên (2013-2014) trên địa bàn huyện. Ngay ở năm học đầu tiên, toàn huyện cần triển khai tu bổ và nâng cấp trên 116 phòng học, 106 phòng nội trú học sinh; đồng thời làm mới gần 70 phòng học, 190 phòng nội trú, bếp ăn cho học sinh.

Trong khi huyện thì nghèo, đường đất xa xôi cách trở, kinh phí đầu tư nói chung và cho giáo dục nói riêng rất hạn hẹp, tập thể lãnh đạo Phòng đều là những cán bộ trẻ được điều về từ những huyện khác nhau. Nhất là trong nhận thức của nhiều bậc phụ huynh, giáo dục chưa được coi trọng đúng tầm mức, vấn đề học hành của con em chưa được xem như một nhu cầu bức thiết, như một điều kiện để các cháu vào đời.

Rồi năm học đầu qua nhanh trên vùng đất khó, như thầy Nguyễn Xuân Thuận nhận xét một cách khiêm tốn là ngành GD&ĐT Nậm Pồ đã “vượt qua chính mình” bằng nhiều nguồn lực. Từ công tác xã hội hóa giáo dục, ngành đã huy động được trên 4 tỷ đồng đầu tư cho việc tu sửa, xây dựng trường lớp học. Tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh các trường đóng góp hơn 10.000 ngày công lao động... cát để xây dựng trường. Đương nhiên diện mạo của nhiều trường, lớp trong huyện được đổi thay, nhưng cái được lớn hơn là qua đây dần định hình một hướng đi, một cách làm mà chúng ta hay nói là những chủ trương phát triển, tạo đà cho chất lượng giáo dục - đào tạo ngày một ổn định và cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ nhận xét: “Có được kết quả này chính là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy giáo, cô giáo, viên chức và người lao động trong toàn ngành GD&ĐT huyện. Kết quả là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và yêu cầu giáo dục phổ thông. Đội ngũ cán bộ quản lý cũng như giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, từng bước nâng cao về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ...

Sau 5 năm tạo dựng, ngành GD&ĐT Nậm Pồ đang từng ngày đổi thay, từng ngày tự khẳng định mình. Kết quả đó có được nhờ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức; mà trước hết là của chính quyền huyện và sở GD-ĐT.

Thêm vào đó là trí tuệ, công sức và tình yêu của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong toàn huyện; là tấm lòng, sự chung tay góp sức của các bậc phụ huynh, các nhà hảo tâm và nỗ lực của chính các em học sinh. Vẫn biết con đường đi lên còn nhiều thử thách, nhưng tin rằng “vạn sự khởi đầu nan” đã qua và phía trước là những mùa quả ngọt đang chờ các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh...

Bài, ảnh: Văn Chiến