dd/mm/yyyy

Giá thịt lợn hơi giảm mạnh, hộ chăn nuôi cần tính phương án sản xuất phù hợp

Từ cuối tháng 6 đến nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước giảm mạnh, có nơi chỉ còn 53.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng phi mã khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lo lắng. Thời gian tới, các hộ chăn nuôi cần tính toán phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, tránh rơi vào cảnh thua lỗ.
Giá thịt lợn hơi giảm mạnh, hộ chăn nuôi cần tính phương án sản xuất phù hợp - Ảnh 1.

Giá thịt lợn hơi đang giảm mạnh từng ngày.

Giá xuống mức thấp nhất trong năm qua

Ngày 14/7, giá thịt lợn hơi ở các trang trại giảm mạnh, tại miền Bắc, giá dao động trong khoảng 56.000-60.000 đồng/kg, tại miền Trung - Tây Nguyên, thương lái thu mua với giá 55.000 - 61.000 đồng/kg, còn tại miền Nam là 53.000 - 62.000 đồng/kg. Điều này đã khiến nhiều hộ chăn nuôi lo lắng.

Bà Phạm Thị Cưa ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, gia đình vừa bán 5 con lợn với giá 60.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 6-2021. Đây là mức giá thấp nhất trong hơn 1 năm nay. Với giá bán này, người chăn nuôi chỉ “lấy công làm lãi”. Nếu giá vẫn tiếp tục giảm xuống 50.000 - 55.000 đồng/kg, người chăn nuôi sẽ lỗ vốn vì hiện nay giá con giống vẫn rất cao (gần 2 triệu đồng/con) và giá thức ăn chăn nuôi đang tăng mạnh.

Mặt khác, giá bán thịt lợn tại các lò giết mổ cũng giảm, theo ông Đào Quang Vinh, chủ cơ sở giết mổ lợn ở huyện Thường Tín (Hà Nội), thời điểm hiện tại, lợn móc hàm được bán với giá 80.000 đồng/kg, giảm gần 30.000 đồng/kg so với đầu năm 2021. Thêm nữa, lượng tiêu thụ ra thị trường cũng giảm khiến nhiều doanh nghiệp cung ứng thực phẩm gặp khó khăn.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm do thị trường tiêu thụ chậm. Dịch Covid-19 bùng phát, du lịch bị ngừng trệ, các nhà hàng, bếp ăn tập thể ngừng hoạt động…, điều này tác động trực tiếp đến việc tiêu thụ thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Mặt khác, thời gian qua, dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát nên đàn lợn phát triển ổn định. Chỉ tính riêng đàn lợn của Hà Nội đã lên tới hơn 1,42 triệu con, tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá thịt lợn giảm là kết quả từ việc hồi phục đàn lợn (đến nay, đàn lợn cả nước đạt hơn 27 triệu con, tăng 11,6%, sản lượng thịt đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước) và nhu cầu tiêu dùng giảm do tác động của dịch Covid-19. Với tình hình này, giá thịt lợn hơi có thể giảm về mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn hơi giảm mạnh, hộ chăn nuôi cần tính phương án sản xuất phù hợp - Ảnh 2.

Các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sẽ chịu tác động khi giá giảm.

Chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng

Theo các chuyên gia, khi dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... được kiểm soát; các hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trở lại, thị trường tiêu thụ tăng sẽ đẩy giá thịt lợn tăng lên.

Mặt khác, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tống Xuân Chinh cho biết, giá thịt lợn hơi xuống thấp nhất trong hơn một năm qua, nhưng giá con giống vẫn rất cao và dự báo giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng 5-6% trong thời gian tới… sẽ gây khó khăn cho chăn nuôi nông hộ. Nếu con giống phải đi mua, thức ăn không chủ động được và giá thịt lợn tiếp tục giảm, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ rơi vào cảnh thua lỗ.

Tuy nhiên, các trang trại, doanh nghiệp khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, giết mổ thì vẫn hoạt động ổn định. Do vậy, các địa phương cần ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn để bảo đảm tổng đàn lợn năm 2021 đạt hơn 27,1 triệu con

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai, Hà Nội) nhận định, với giá thịt hơi xuất chuồng hiện nay, các trang trại chăn nuôi lớn vẫn có lãi, nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ có thể “lấy công làm lãi”, hoặc hòa vốn. Nếu giá rơi xuống dưới 55.000 đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi sẽ thua lỗ.

Do đó, thời gian tới, các hộ chăn nuôi cần tính toán phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Mặt khác, các cơ quan chức năng tham mưu Chính phủ có chính sách miễn thuế, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn để hạ giá thành bán ra thị trường.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng dự báo, trong bối cảnh phát triển hiện tại, chăn nuôi lợn nông hộ sẽ thu hẹp, do vậy cần chủ động chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác như: Gia súc ăn cỏ, lợn đặc sản... 

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về giống, vắc xin... để người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất, bảo đảm tổng đàn lợn duy trì ổn định và cuối năm 2021 đạt hơn 1,8 triệu con, qua đó chủ động nguồn cung cho thị trường Hà Nội.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có thể cạnh tranh về giá thành sản xuất nên các địa phương cần khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác phù hợp với nhu cầu thị trường. 

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (bã sắn, cám gạo...). Các cơ quan quản lý cần tăng cường đánh giá, dự báo thị trường thịt lợn để điều chỉnh sản xuất một cách linh hoạt.

Ngọc Quỳnh