dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay (22.7): Cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu đón cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc

Giá nông sản hôm nay đà giảm trên thị trường cà phê đã bị chặn lại khi giá tăng nhẹ từ 100 đến 200 đồng/kg. Hồ tiêu vẫn duy trì mức giá cũ tuy nhiên giao dịch đã sôi động khi nhiều thương lái đẩy mạnh gom hàng xuất đi Trung Quốc.

Thị trường hồ tiêu đã sôi động hơn khi có nhiều thươn lái thu mua để xuất khẩu sang TQ. Ảnh minh họa

Thương lái gom tiêu xuất khẩu

Giá hồ tiêu hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên không thay đổi khi mức giá vẫn giao động trong khoảng từ 76.000 đến 78.000 đồng.

Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn duy trì mức giá 80.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu cũng không đổi khi giao dịch ở mức 77.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu trong nước hôm nay ít biến động, mức giá cao nhất đạt 80.000 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen

Sau khi tăng 1.000 đồng/kg trong phiên trước, giá tiêu hôm nay chững lại. Tuy nhiên khảo sát tại những vùng có sản lượng tiêu lớn, giao dịch trên thị trường hồ tiêu khá nhộn nhịp.

Tại một số tỉnh, gần đây đã xuất hiện thương lái thu mua tiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng, xu hướng thương lái Trung Quốc quay sang thu mua hồ tiêu tại Việt Nam đã đẩy giá tiêu tăng nhẹ. Hiện giá tiêu đang quanh mức 80 triệu đồng/tấn, thậm chí có chỗ báo bán được 81 triệu đồng/tấn. 

Kỳ vọng thương lái TQ quay sang mua tiêu sẽ đẩy giá tiêu tăng. Ảnh minh họa

Thương lái Trung Quốc trước đây thường mua tiêu tại Ấn Độ đã quay sang thị trường Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá tiêu Ấn Độ giảm trong những phiên gần đây.

Trong ngày 20.7, giá hồ tiêu xô tại Kochi (Ấn Độ) đã giảm nhanh, từ 48.600 xuống còn 48.100 INR/tấn.

Thị trường hồ tiêu Indonesia cũng khá nhộn nhịp nhờ thị trường tin hồ tiêu nước này ít dư chất thuốc trừ sâu và chất bảo quản hơn.

Nhận định chung về thị trường, các nhà phân tích cho rằng giá hồ tiêu vẫn chưa tăng nhanh được do cung cao hơn cầu. Nhưng ở đâu có đơn mua hàng, ở đấy có giá cao hơn nơi khác như trường hợp so sánh Ấn Độ và Việt Nam hôm nay.

Cà phê tồn kho tăng mạnh

Sau phiên giảm mạnh, giá cà phê trong nước hôm nay đã ổn định trở lại và lấy được đà tăng nhẹ từ 100 đến 200 đồng/kg.

Theo đó, giá cà phê tại Lâm Đồng tiến sát ngưỡng 45.000 đồng/kg, sau khi tăng 200 đồng/kg.

Tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum, giá cà phê vẫn ổn định và có chiều hướng tăng nhẹ với mức giá trong khoảng 45.300 đến 45.600 đồng/kg.

Giá cà phê R1 tại TP. Hồ Chí Minh vẫn giao dịch ở mức giá 47.200 đồng/kg, không đổi so với phiên trước.

Giá cà phê trong nước hôm nay tăng nhẹ từ 100 đến 200 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen

Những thông tin thời tiết đã ổn định hơn cùng với lượng cà phê tồn kho tăng cao khiến thị trường cà phê thế giới cũng có những biến động trái chiều.

Mở cửa phiên giao dịch hôm 20.7, giá robusta không đổi trong khi arabica giảm ngay 0.70 cts/lb do áp lực chỉ số đồng USD tăng đầu phiên.

Giá sàn London có lúc xuống chỉ còn 2099 nhưng nhanh chóng quay đầu lên để chốt 2113, tăng 3$/tấn. Cấu trúc vắt giá đang ở mức +66$ (2129/2063).

Giá arabica có đỉnh 135.80 cts/lb trong một thời gian khá dài nhưng rồi quay xuống đóng cửa mức 135 cts/lb, giảm 0.9 cts/lb.

Dù tăng, nhưng diễn biến giá robusta khiến nhà đầu tư lo ngại vì đây là ngày thứ tư liên tiếp sàn này có giá đỉnh giảm mỗi ngày. Trong khi, sàn New York giá đã chững lại.

Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ giảm 20% do khó tìm thị trường cũng sẽ tác động tới giá cà phê tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Một thông tin đáng lưu ý là thông tin về xuất khẩu cà phê Ấn Độ sụt giảm.

Theo đó, một quan chức của Hiệp hội cà phê Ấn Độ cho biết, xuất khẩu cà phê Ấn Độ năm nay có thể giảm 15-20%. Theo Ramesh Rajah, nguyên nhân là đơn mua hàng giảm do hàng tồn khó của các nước nhập khẩu còn nhiều.

Sản lượng cà phê Ấn Độ niên vụ 2016/17 ước 316.700 tấn trong đó 220.500 tấn robusta và 96.200 tấn arabica. Theo Ramesh Rajah thì tình hình xuất khẩu cà phê của nước này tương đối khó khăn do khó tìm người mua.

Những thông tin này sẽ tác động đến diễn biến thị trường cà phê khi nguồn cung bán ra nhiều nhưng các nhà rang xay đã mua khi giá thấp và tồn kho lớn sẽ dẫn tới tiêu thụ chậm chạp.

Bình Nguyên