dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay (05.7): Giá cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu xuất khẩu cũng gian nan

Giá nông sản hôm nay, giá hồ tiêu tiếp tục có phiên giao dịch đứng giá, diễn biến này được duy trì trong 5 phiên giao dịch gần đây khiến hồ tiêu vẫn loay hoay mức giá thấp. Cà phê đã không còn duy trì được sự ổn định khi giá đã giảm nhẹ.

Xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục gặp khó khăn khi các nước nhập khẩu siết chặt. Ảnh minh họa

Hồ tiêu giá thấp xuất khẩu cũng gian nan

Giá nông sản hôm nay, giá thu mua hồ tiêu nguyên liệu tại các các tỉnh phía Nam tiếp tục đứng yên, dao động hẹp trong khoảng 76.000 – 78.000 đồng/kg.

Theo đó, giá tiêu hôm nay tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai vẫn duy trì ở mức giá cũ, giao dịch từ 76.000 đến 78.000 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay, giá tiêu không đổi. Nguồn:tintaynguyen

Tại Ấn Độ, giá tiêu tiếp tục tăng vì nguồn cung thấp trong khi nhu cầu vẫn rất lớn. Giá tiêu giao ngay tăng thêm 100 rupee/tạ lên 49.000 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.000 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).

 Năm 2016, Ấn Độ đã nhập khẩu 11.180 tấn tiêu từ Việt Nam và là một trong 5 nước nhập khẩu chính từ nguồn này. Các nguồn tin kinh doanh xuất khẩu cho biết xuất khẩu giảm mạnh do giá hạt tiêu Ấn Độ hiện đang cao hơn giá hạt tiêu của các quốc gia khác.

Trên thị trường kỳ hạn, giá tiêu Rajkumari ở mức 515 rupee/kg, tiêu chất lượng cao có giá 505 – 510 rupee/kg và tiêu Wayanad có giá 500 rupee/kg.

Giá tiêu xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ cũng lần lượt tăng lên 8.100 USD/tấn và 8.350 USD/tấn.

Theo nguồn tin từ Ban Gia vị, Ấn Độ đã xuất khẩu 17.600 tấn hạt tiêu các loại, trị giá 1.141,89 triệu Rupi trong năm tài chính 2016/2017, so với 28.100 tấn tiêu các loại có giá trị 1.730,42 triệu Rupi trong năm tài chính 2015/2016 trước đó. Kết quả là xuất khẩu hạt tiêu giảm 37% về khối lượng và giảm 34% về giá trị.

Trong giai đoạn từ tháng 4.2016 đến tháng 2.2017 (11 tháng) riêng tại cảng Kochi đã nhập 15.644 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính toàn Ấn Độ trong giai đoạn này đã nhập khoảng 18.500 tấn.

“Nhiều khách mua tiêu Malabar đã chuyển sang mua tiêu Indonesia và Việt Nam. Vì vậy, chúng ta đã mất nhiều thị trường xuất khẩu của mình và việc các nhà xuất khẩu phải dành lại các thị trường bị mất là một nhiệm vụ rất khó khăn”, ông Kishor Shamji, một nhà xuất khẩu kỳ cựu cho biết.

Ông Kishor Shamji cũng cho rằng giá tiêu Ấn Độ cao là do nhu cầu nội địa mạnh mẽ nhưng sản lượng đã không gia tăng tương ứng.

Giới thương nhân và nông dân trồng tiêu cho biết giá bán đã giảm hơn 21.000 Rupi/tạ trong vòng một năm do nhập khẩu hạt tiêu giá rẻ từ Việt Nam thông qua Sri Lanka dưới hình thức khai man.

Theo ông Homey Cherian, Giám đốc Bộ phận Phát triển Gia vị thuộc Bộ Nông nghiệp, cho biết chính phủ Ấn Độ đang thực thi nhiều biện pháp để ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép hạt tiêu.

Giá cà phê đã giảm nhẹ

Không còn giữ được đà tăng, tại thị trường trong nước, giá cà phê đã giảm nhẹ 100 đồng/kg với giá thu mua cà phê nguyên liệu tại một số huyện ở Tây Nguyên. Giá hiện vẫn duy trì được ngưỡng 45.000 đồng/kg trong hôm nay, so với cuối tuần trước là 46.000 đồng/kg.

Giá cà phê sẽ có những biến động theo chiều hướng giảm. Ảnh minh họa

Khảo sát giá nông sản hôm nay, giá cà phê tại Lâm Đồng hiện giao dịch ở mức 45.000 đến 45.200 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đăk Lăk, Kon Tum giao dịch ở mức 45.800 đến 45.900 đồng/kg.

Tại Gia Lai, Đăk Nông, giá tiêu giảm 100 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 45.800 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta tại TP. HCM hôm nay vẫn duy trì mức 47.900 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay, giá cà phê giảm nhẹ 100 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen

Nhìn vào diễn biến giá cà phê nội địa, các nhà phân tích cho rằng, giá cà phê nội địa vẫn còn khả năng chỉ tăng 500 – 1.000 đồng/tấn vì nhu cầu mua của các nhà nhập khẩu hàng thực không lớn.

Trên thị trường thế giới, sau một tuần tăng giá mạnh, thị trường cà phê bắt đầu vào đợt điều chỉnh mới, đặc biệt là robusta.

 Tổ chức Cà phê Quốc tế vừa đưa ra báo cáo Thương mại tháng Năm cho thấy xuất khẩu cà phê thế giới trong tháng 5.2017 đạt 10,88 triệu bao so với 10 triệu trong tháng 5.2016. Lũy kế xuất khẩu trong 8 tháng đầu niên vụ cà phê 2016/2017 tăng 5% lên 81,32 triệu bao so với chỉ 77,44 triệu bao trong cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó. Trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 5.2017, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 74,49 triệu bao so với 71,49 triệu bao và xuất khẩu Robusta đạt 45,59 triệu bao so với 43,92 triệu bao cùng kỳ trước đó.

Đối với robusta, sau ba phiên tăng liên tiếp vào tuần trước, giá hợp đồng giao tháng 9 bất ngờ giảm nhẹ 3 USD/tấn về 2.146 USD/tấn tại London trong phiên đầu tuần (3/7). Giảm nhẹ nên giá robusta vẫn giữ được ngưỡng quan trọng là 2.100 USD/tấn.

Giới thương nhân xuất khẩu cà phê tại Việt Nam dự đoán lượng hàng xuất khẩu trong 3 tháng còn lại của niên vụ cà phê 2016/2017 sẽ giảm rất đáng kể do nguồn cung bị thắt chặt và tồn kho gối vụ dự kiến sẽ rất thấp.

Dự kiến lượng hàng về sàn đăng ký lấy chứng nhận chất lượng tiếp tục tăng ở cà phê Arabica và giảm ở cà phê Robusta.

Nhận định về thị trường thời gian tới, các nhà phân tích cho rằng: Nguồn cung Robusta tiếp tục căng thẳng do Việt Nam xuất khẩu giảm, trong khi Indonesia dành nhiều hơn cho nhu cầu nội địa và Brasil cũng hạn chế xuất khẩu Conilon do sản lượng vụ mùa này vẫn chưa khắc phục sự thiếu hụt trong nước. Sản lượng của các nhà sản xuất hàng đầu châu Phi như Uganda, Bờ Biển Ngà tuy có tăng nhưng vẫn chưa đủ bù đắp trong ngắn hạn.

Lượng cà phê Robusta Việt Nam trong tay các thương nhân quốc tế nằm tại các kho quanh quẩn ở phía nam khoảng hơn 5 triệu bao. Họ thường dùng lượng tồn kho lớn này để làm giá, ăn chênh lệch trừ lùi so với giá sàn kỳ hạn, tất nhiên không loại trừ số hàng này đã có những hợp đồng giao sau cho bạn hàng rang xay truyền thống.

Và điều gì sẽ xảy ra khi họ tiến hành giao hàng, thậm chí bán cho nhà xuất khẩu địa phương cần giao hàng theo các hợp đồng đã ký để ăn chênh lệch trừ lùi. Đó là điều các nhà quan sát cảnh báo thị trường cần cẩn trọng với mức giá trừ lùi hiện nay.

Bình Nguyên