dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay (02.7): Phiên chốt cuối tuần cá phê tiếp đà tăng, giá tiêu bất động

Giá nông sản hôm nay, trong phiên chốt của tuần này, giá cà phê tiếp tục tăng thêm từ 300 đến 700 đồng/kg. Trong khi, giá hồ tiêu vẫn chưa có động lực phục hồi, tiếp tục giữ mức giá cũ.

Giá nông sản hôm nay vẫn là một phiên giao dịch đi ngang của giá hồ tiêu. Ảnh TTXVN

Giá hồ tiêu vẫn ảm đạm

Giá nông sản trong phiên giao dịch chốt của tuần này tiếp tục có phiên giao dịch không như kỳ vọng trên thị trường hồ tiêu. Tại thị trường nội địa, giá thu mua tại các vùng nguyên liệu lớn tiếp tục bám đáy ở mức 76.000 – 78.000 đồng/kg.

Theo đó, giá tiêu hôm nay tại Đăk Lăk, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai vẫn duy trì ở mức giá cũ, giao dịch từ 76.000 đến 78.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Đăk Nông sau khi tăng 1.000 đồng/kg, trong phiên giao dịch này cũng không đổi, hiện giao dịch ở mức 77.000 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay, giá tiêu không thay đổi trong phiên giao dịch chốt của tuần này. Nguồn:tintaynguyen

Thị trường hồ tiêu trong nước tiếp tục biến động giảm trong tháng 6-2017. So với cuối tháng 5-2017, giá tiêu tại Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 79.000 đ/kg.
Giá tiêu tại Đồng Nai giảm 5.000 đồng/kg xuống mức 75.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai giảm 5.000 đồng/kg xuống mức 76.000 đồng/kg.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá hồ tiêu sụt giảm rất mạnh. So với cuối năm 2016, giá tiêu trong nước giảm tới 57.000 – 61.000 đ/kg. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện đã sụt giảm tới 50%. Đây được xem là mức giảm kỷ lục của ngành hồ tiêu trong vòng 5 - 6 năm trở lại đây.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết giá hồ tiêu giảm mạnh so là do tình hình xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản bị chững lại, trong khi đó diện tích hồ tiêu trên cả nước vượt quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu khiến giá hồ tiêu lao dốc.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng tiêu xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 126 nghìn tấn và 714 triệu USD, tăng 18% về khối lượng nhưng giảm 17% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân chỉ đạt 5.876 USD/tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2016.

Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 là Mỹ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ , Pakistan và Đức chiếm 39% thị phần.

Giá cà phê có đợt tăng thứ 4 liên tiếp

Giá nông sản hôm nay, sau khi tăng mạnh trong phiên giao dịch trước, giá cà phê hôm nay vẫn duy trì được đà tăng. Chỉ tính trong 2 phiên gần đây giá cà phê tại các địa phương trong nước đã tăng thêm 1.000 đồng/kg.

Khảo sát giá nông sản hôm nay, giá cà phê tại Lâm Đồng đã vượt trên ngưỡng 45.000 đồng, sau khi tăng từ 200 đến 300 đồng/kg. Hiện giao dịch ở mức 45.000 đến 45.300 đồng/kg.

Giá cà phê tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, đã tiến sát ngưỡng 46.000 đồng/kg, sau khi tăng thêm 200 đồng/kg trong phiên giao dịch hôm nay. Hiện mức giá ở các tỉnh này được giao dịch ở mức 45.900 đến 46.000 đồng/kg.

Giá cà phê tại Kon Tum bất ngờ tăng mạnh thêm 700 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 46.000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta tại TP. HCM hôm nay tiếp tục tăng nhẹ thêm 100 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 47.900 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay, giá cà phê tiếp tục có phiên tăng giá đồng loạt ở các địa phương. Nguồn: tintaynguyen

Một yếu tố hỗ trợ giá arabica là lo ngại về nguồn cung cà phê toàn cầu. Từ đầu niên vụ 2017 - 2018, đã có nhiều dự báo cho rằng thị trường cà phê sẽ tiếp tục thâm hụt nguồn cung trong năm thứ 3 liên tiếp.

Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 43 USD, lên 2.122 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 40 USD, lên 2.032 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo vẫn được duy trì.

Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 2 cent, lên 124,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,95 cent, lên 126,35 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Những dự báo sản lượng cà phê sụt giảm ở Việt Nam và Brazil đã đẩy giá tăng. Ảnh minh họa

Nguyên nhân giá cà phê tăng được giới phân tích nhận định rằng, do thông tin Việt Nam xuất khẩu giảm cùng với việc Brazil có thể đón đợt không khí lạnh mới.

Tiếp đó, theo các nhà quan sát, hiện có khoảng hơn 5 triệu bao cà phê Robusta trong tay các nhà thương mại quốc tế lưu giữ trong kho của họ tại các cảng Việt Nam, trong khi các nhà xuất khẩu trong nước không khai thác được nguồn cung từ nông dân do sự kháng giá, nhất là các nhà xuất khẩu cần thực hiện các hợp đồng đã ký.

Nhiều khả năng lượng hàng này sẽ gây biến động lớn trên thị trường cho tới khi Brasil và Indonesia, hai nhà sản xuất lớn hoàn tất vụ mùa mới hiện đang thu hoạch.

Tuy nhiên, việc ECB và các Ngân hàng Trung ương của những nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi USD vẫn trên đà giảm, mới là động thái chính khiến các nhà đầu tư trên các thị trường mạnh tay chu chuyển dòng vốn, đã giúp giá cả nhiều mặt hàng có sức thu hút đầu cơ bật tăng phiên hôm qua.

Do đó, theo các nhà phân tích kỹ thuật, xu hướng tăng trên các thị trường cà phê hiện nay cchỉ là những biến động ngắn hạn.

Bình Nguyên