dd/mm/yyyy

Gần 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần: Người tiêu dùng nguy cơ bị đầu độc, trách nhiệm thuộc về ai?

Người tiêu dùng không khỏi "bàng hoàng" khi vụ tiêm thuốc an thần cho gần 5.000 con heo trước khi giết mổ. Điều đáng lo ngại là số heo bị tiêm thuốc an thần của cơ sở này tương đương với khoảng 50% lượng thịt heo cung cấp cho cả thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ

13/20 lò mổ thừa nhận tiêm thuốc

Cở sở bị phát hiện bơm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại khu giết mổ Xuyên Á (xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, TP.HCM).

Theo thượng tá Trần Quốc Xanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tại TP.HCM (C49B), cho biết cơ quan này phát hiện 13 lò mổ tiêm thuốc an thần vào 4.626 con heo tại khu giết mổ gia súc Xuyên Á.

Trước đó, từ đầu tháng 7.2017, C49B đã nắm được thông tin về hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. Theo điều tra, khoảng 14 giờ hằng ngày, heo bắt đầu được tập kết từ các tỉnh, thành về khu giết mổ. Đến 21 giờ hoàn tất việc “nhập” heo (trên dưới 5.000 con/ngày). Sau đó, phần lớn chủ lò giết mổ heo chỉ đạo nhân công tiêm thuốc an thần. Đến 0 giờ hôm sau, heo được “đánh thức” dậy, rồi giết mổ cho đến 5 giờ.

Có 13/20 chủ lò giết mổ tại khu vực trên thừa nhận có tiêm thuốc an thần vào heo

Bước đầu, có 13/20 chủ lò giết mổ tại khu vực trên thừa nhận có tiêm thuốc an thần vào heo. Việc tiêm thuốc an thần này, trước khi giết mổ, được cho là để thịt heo tươi đỏ lâu, dẻo, mềm ngon…

Khu giết mổ Xuyên Á do Nguyễn Thị Tuyết Nhung (40 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) đầu tư xây dựng. Có 20 chủ lò mổ thuê lại để đưa heo vào đây trực tiếp giết mổ. Việc kiểm tra xử lý kéo dài từ lúc 21 giờ 28.9 đến 8 giờ sáng ngày 29.9. Số heo bị giữ lại không đưa vào giết mổ để cung cấp cho thị trường tương đương một nửa số heo tiêu thụ mỗi ngày tại TP.HCM.

Nhiều chợ "cháy" thịt heo

Ngày sau khi vụ tiêm thuốc an thần vào heo bị phanh phui, buổi sáng tại khu vực bán thịt tươi sống ở chợ Bàn Cờ (Q.3) yên ắng khác thường, nhiều quầy sạp đã đóng tự bao giờ, không bóng người. Một số tiểu thương cho biết: Hôm nay chợ không có thịt heo vì không lấy được hàng.

Anh Phong, chủ một đại lý phân phối thịt ở chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết: “Bình thường giá thịt heo ở chợ này dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, tối đa là 40.000 đồng/kg. Tối hôm qua do không có heo ra chợ nên tăng tới “mười mấy giá”, lên mức 56.000 - 58.000 đồng/kg mà không có để bán. Tới khoảng 5 - 5 giờ 30, một số người lấy heo từ chợ đầu mối Bình Điền về phân phối cho khách mối với giá 70.000 đồng/kg. Nhưng heo ở chợ Bình Điền, có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây, lại nhiều mỡ.

Có tiểu thương cho rằng, sáng sớm nay nghe mấy người bán thịt heo nói là ở lò mổ, heo bị làm sao đó nên bị bắt, chợ lẻ tiểu thương không có heo để bán.

Tại chợ Thái Bình (Q.1) cũng chỉ có vài sạp còn một ít thịt heo. Người chủ sạp thịt tên Hồng xác nhận: “Hôm nay thịt heo không ra chợ như mọi ngày dù tôi vẫn đi lấy hàng. Có mấy mối quen ở chợ đầu mối Hóc Môn họ chừa lại cho mình, gom của mỗi người một ít nên mới có thịt để bán. Nhiều sạp không có hàng phải đóng cửa sớm”.

Tuy nhiên, người chồng của chị chủ sạp cho biết: “Vẫn bán giá như bình thường; sườn heo 130.000 đồng/kg, cốt lết 65.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 đồng/kg, đùi 80.000 đồng/kg. Hôm nay bán không có lời, còn lỗ công nhưng không dám tăng giá vì sợ mất mối”.

Nhiều chợ bán lẻ như: Tân Định (Q.1), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Hòa Bình (Q.5)... cũng trong tình trạng khan hàng, không có thịt heo để bán nhưng phần lớn tiểu thương lại khẳng định không tăng giá bán.

Trong khi đó, anh Hậu chủ một cơ sở sản xuất giò chả ở Q.Tân Bình (TP.HCM), khẳng định lượng thịt heo thiếu hụt đến 80% so với ngày thường, giá tại chợ đầu mối tăng khoảng 20%. Không chỉ tăng giá, thịt cũng không đảm bảo chất lượng. Chủ nhiều quán ăn khi ra đến chợ lấy hàng như mọi khi cũng “chết đứng”.

Liệu có sự tiếp tay của cán bộ thú y?

Theo đại diện lò mổ Xuyên Á cho biết, họ chỉ cho thuê mặt bằng, không có chức năng giám sát, lấy mẫu chất cấm hay thuốc an thần.

Theo vị này, quy trình giết mổ heo tại lò được quy định rất chặt chẽ, heo phải đeo vòng mới được nhập về lò giết mổ. Tại lò cũng luôn có cán bộ thú y túc trực kiểm tra heo, đạt yêu cầu mới được giết mổ.

Hiện trường ngổn ngang dụng cụ tiêm thuốc an thần vào heo

"Chúng tôi cũng đang rất đau đầu khi thương lái và người mổ heo cứ đổ qua đổ lại cho nhau. Thương lái khẳng định không tiêm thuốc an thần, nhân viên lò mổ thì nói là thương lái đưa thuốc cho tiêm" - vị này nói.

Không thể chấp nhận được câu chuyện thương lái vào tận cơ sở giết mổ tập trung để tiêm thuốc an thần cho heo, đồng thời đề nghị làm rõ ai đã tiếp tay. Qua vụ việc này cho thấy công tác quản lý thú y của chúng ta còn buông lỏng, việc quản lý giết mổ tập trung cần thực hiện nghiêm túc hơn. Mỗi bên đều phải làm tốt trách nhiệm của mình. Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện từ gốc đến ngọn và các ngành cần phối hợp chặt chẽ cùng quản lý.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM

Trong khi đó, một lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM không phủ nhận trách nhiệm của ngành thú y và cho biết sẽ kiểm tra lại từng khâu và quy trách nhiệm xử lý nghiêm. Tại sao khi kiểm tra cán bộ thú y không phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần, có phải cán bộ thú y vô trách nhiệm?

"Đầu nhập vào được thú y kiểm tra lâm sàng đầy đủ, khi vào trong từng ô chuồng anh em không có mặt nên không thể khẳng định rằng anh em thú y vô trách nhiệm. Chúng tôi đang làm rõ ràng từng khâu, xem có thiếu sót lỗ hổng để kịp thời chấn chỉnh" - vị này nói.

Liên quan đến việc làm rõ trách nhiệm giám sát của cán bộ thú y tại lò mổ, trung tá Võ Văn Khứ cho biết lãnh đạo Chi cục Thú y đã thừa nhận kiểm soát không chặt chẽ và cam kết sẽ kiểm tra, chấn chỉnh trách nhiệm của cán bộ thú y.

Trả lời câu hỏi về nghi vấn có sự tiếp tay của cán bộ thú y trong việc tiêm thuốc an thần cho heo, trung tá Khứ nói: "Tôi không khẳng định, nhưng có thể nói cán bộ thú y đã lơ là chức trách, để chủ lò qua mặt và không cương quyết xử lý bởi hầu hết các lô heo đều tiêm thuốc vứt chai lọ, kim tiêm công khai".

Bị phạt 35 triệu đồng

Trưa ngày 30.9, Cục thú y chính thức công bố xử phạt 13 thương lái đã thực hiện hành vi tiêm thuốc an thần cho hàng ngàn con heo gây rúng động dư luận.

Lãnh đạo Chi cục Thú y thừa nhận, vụ bắt quả tang hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) không phải lần đầu tiên. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 7 vụ tiêm thuốc an thần vào heo bị phát hiện xử lý.

Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM thừa nhận, số lượng heo giết mổ hằng đêm ở cơ sở Xuyên Á khoảng hơn 5.000 con, chiếm 50% lượng tiêu thụ của TPHCM.

Đặc biệt, các đối tượng chuyển đổi từ hình thức tiêm chích, thời gian cho đến thay đổi loại thuốc sử dụng để tiêm chích cho heo khiến cơ quan chức năng “khó mà lần” theo được.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản hành chính, ra quyết định xử phạt từ 30-35 triệu đồng, trong đó, có hai hộ khai báo không thành khẩn chịu mức phạt 35 triệu đồng. Chiều nay, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu để kiểm tra lại, nếu hết tồn dư thuốc an thần sẽ cho giết mổ. Hiện đã có một số heo bị chết hoặc lừ đừ, mệt mỏi.

Bình Châu