dd/mm/yyyy

Găm con đặc sản chờ Tết Nguyên đán

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, song vào thời điểm này nhiều trang trại chăn nuôi đang khẩn trương chăm sóc những con đặc sản có giá trị kinh tế cao để sẵng sàng phục vụ nhu cầu ẩm thực ngày Tết.

Ông Miền đang chăm sóc đàn gà tiến vua tại gia đình ở huyện Yên Mô (Ninh Bình).

Sôi nổi các trại gà “tiến vua”

Những năm trước đây, để có cặp gà Đông Tảo, nhiều người phải về tận xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) để đặt hàng. Nhận thấy nhu cầu này, ông Phan Văn Miền ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã đầu tư trang trại nuôi giống gà quý này để bán cho các “thượng đế” ở trong và ngoài tỉnh.

 Theo bà Duyên, tùy thuộc vào độ lớn của chiếc mào, mỗi con gà cảnh có giá từ 800.000 đồng đến 3 triệu đồng. Gà đẹp thường có 6 cựa trở lên, sắc và nhọn. Những con quý phi 8 cựa thuộc loại hiếm có giá lên tới cả chục triệu đồng.

Để chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất năm nay, ngay từ đầu năm ông Miền đã quyết định mở rộng quy mô đàn lên hàng chục con gà Đông Tảo thuần chủng. Vào những ngày này, ngoài việc chăm con “đặc sản” vịt trời, hiện gia đình ông Miền cũng đang rất khẩn trương chăm sóc đàn gà quý của mình để kịp tiến độ bán cho khách vào dịp Tết tới.

Theo dự đoán của ông Miền, giá gà Đông Tảo năm nay khó tăng, khoảng từ 400.000 đồng đến vài triệu đồng/kg tùy loại, lượng hàng nhiều hơn nhưng vẫn sẽ cháy hàng như mọi năm. Nguyên nhân là đã nhiều người biết đến giá trị của giống gà quý hiếm này nên nguồn cung sẽ không đủ đáp ứng.

Nguyên nhân nữa là do khả năng sinh sản và bảo tồn gien của gà Đông Tảo không được cao nên lượng gà đẹp, chân to, thịt đỏ, dáng chuẩn để làm quà biếu cũng sẽ không có nhiều.

Theo ông Miền, Tết 2017 trang trại của ông có gần 10 con gà trống đủ tiêu chuẩn làm quà biếu nhưng hầu như đã được đặt hàng hết từ tháng 11 âm lịch. Năm nay, trang trại đã tăng gấp ba lần ngoài ra còn đặt hàng sẵn từ các trang trại liên kết, nhưng ông dự đoán vẫn sẽ thiếu hàng.

Lý giải cho việc nhiều người thích mua gà Đông Tảo làm quà biếu, ông Miền cho hay: Gà Đông Tảo có thể gọi là hàng biếu độc đáo trong dịp Tết. Theo quan niệm xưa, nhiều người cho rằng, gia đình nào chọn được gà Đông Tảo để cúng trong đêm giao thừa thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt. Đặc biệt, việc thưởng thức thịt của loài gà tiến vua này cũng thể hiện sự sang trọng, quyền quý của gia chủ nên nhu cầu mua của khách thường tăng chóng mặt vào dịp cuối năm khiến cho các chủ trại không nuôi kịp.

Tiết lộ thêm về bí quyết chăm sóc gà quý vào mùa lạnh dịp cuối năm, ông Miền cho hay: “Những ngày giá lạnh, gia đình tôi thường thả gà muộn, nhốt sớm. Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, nhốt theo nhu cầu sinh lý ngày tuổi, tháng tuổi của gà”.

"Đặc biệt là phải luôn giữ cho chuồng luôn khô sạch, vệ sinh chuồng trại định kỳ bằng các loại đệm lót, thuốc sát trùng có hiệu quả dài ngày (loại thuốc có thành phần I-ot như Han Iodine 10%, khoảng 7-10 ngày phun/lần sau khi dọn chất độn chuồng", ông Miền chia sẻ.

Bà Duyên đổ thức ăn cho đàn gà quý phi ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Kim Duyên ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là người đầu tiên mang giống gà quý phi lên miền Tây Bắc. Bà Duyên cho biết: “Ưu điểm của gà quý phi là sức tăng trưởng nhanh, khả năng kháng bệnh cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu miền Bắc. Tuy nhiên, lúc mới nở, gà con hay bị chết, cần chú ý khẩu phần ăn, giữ ấm, thay đổi nhiệt độ theo mùa”.

Theo quan niệm của nhiều người, việc thưởng thức thịt gà quý phi vào dịp Tết không chỉ thể hiện sự quyền quý mà còn mang lại may mắn, tài lộc cho người ăn nên vì thế mà nhu cầu của khách cũng tăng nhiều vào cuối năm. "Năm nay tôi đã chuẩn bị cho khách trên dưới 100 con, khả năng vẫn sẽ không đủ hàng để cung cấp cho khách", bà Duyên nói.

Bà Duyên cho biết, để có gà đẹp, gia đình bà nuôi nhốt gà riêng, không cho gà đạp mái để giữ nguyên màu lông. “Ngoài ra, giá bán gà thương phẩm từ 300.000 đến 500.000 đồng/con, mỗi năm tôi xuất bán cho các đầu mối lớn trong và ngoài tỉnh cũng lên đến hàng nghìn con, thu về không dưới 100 triệu đồng”, bà Duyên hồ hởi khoe.

Nói thêm về bí quyết chăm gà, bà Duyên cho hay:“Khẩu phần thức ăn của gà chỉ cần 30 - 40% là thóc, còn lại cho ăn cây chuối và rau xanh, vừa giảm chi phí lại tăng độ thơm ngon cho thịt. Như vậy, một con gà xuất chuồng có khối lượng từ 1,3 - 1,5 kg với giá 250.000 đồng/kg, người chăn nuôi sẽ có lãi”.

Đa dạng con đặc sản sẽ thắng

Theo anh Trần Nhật Giáp, một chủ trang trại nuôi con “đặc sản” có tiếng ở Việt Nam, chăn nuôi con đặc sản là một nghề khá đặc thù nên người nuôi cũng phải có kinh nghiệm. Đặc biệt là vào các dịp cuối năm, nhu cầu của thị trường cũng như khách hàng rất cao nên nếu các trang trại chủ động được càng nhiều con “đặc sản” để bán thì sẽ thắng lớn.

 Công nhân đang kiểm tra sức khỏe cho đàn ngỗng trời (một đặc sản được nhiều khách đặt) tại trang trại của anh Giáp ở Hà Nội.

Nói về việc nắm bắt thị trường cũng như thị hiếu khách hàng, nhiều người vẫn coi anh Giáp như một bậc thầy trong lĩnh vực này. Các con vật mà anh chọn nuôi đều là các con “đặc sản” nổi tiếng ở trong và ngoài nước như ngỗng trời, thiên nga, le le... Đặc biệt là sâm cầm, hiện đang được trang trại của anh nhân nuôi rất thành công.

Phần lớn đàn gà rừng tại trang trại của anh Giáp ở Hà Nội đã có khách đặt hàng.

Hiện, trang trại của anh Giáp đang nuôi trên dưới 200 cá thể sâm cầm để phục vụ cho các “thượng đế” thưởng thức vào dịp Tết sắp tới. "Nhu cầu của khách rất nhiều nhưng việc nhân giống cũng như chăm sóc loài đặc sản quý này rất khó nên chúng tôi chỉ có thể dừng ở số lượng đàn như thế", anh Giáp chia sẻ.

Anh Giáp cho biết, thịt chim sâm cầm mềm, màu đỏ tươi, được chế biến rất cầu kỳ thành những món ăn ngon đặc sắc như quay, rán, hầm, nướng quả. Đặc biệt là rượu sâm cầm dùng làm thuốc mạnh gân xương, chân tay cứng cáp, bớt đau mỏi, lao động khỏe và dai sức, rất tốt cho những người cao tuổi nên được khách hàng rất ưa chuộng.

Đàn gà quý phi (một đặc sản được nhiều khách đặt) tại trang trại của anh Giáp ở Hà Nội.

Chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc loài chim quý này, anh Giáp cho biết: Nguồn dinh dưỡng chủ yếu của chim sâm cầm là thực vật dưới đáy ao hồ. Ngoài ra bạn còn phải cho chúng ăn các loại cây mầm như lúa, ngô, khoai, cỏ... Trong thời kỳ chúng đạt tỷ lệ vài lạng, chúng ta nên cho ăn thêm thức ăn công nghiệp.

"Đặc biệt nếu có điều kiện các chủ trại cũng nên tẩm bổ cho sâm cầm ăn sâm để thịt được thơm ngon đặc trưng, cũng là để tăng sức đề kháng cho chim. Nếu không có điều kiện mua sâm, có thể cho chim ăn rễ cây đinh lăng cũng khá tốt", anh Giáp tiết lộ.

"Khi xưa, chim sâm cầm là một trong những cống phẩm hàng đầu để tiến vua. Vì là một món ăn thượng hạng nên loại chim di cư từ phương Bắc này có giá không hề mềm. Hiện, một con sâm cầm được nuôi trong các trang trại nặng khoảng 0,5kg có giá khoảng 900.000 đồng", anh Giáp tiết lộ.
Hải Đăng