dd/mm/yyyy

Điểm đến hút khách vùng Tây Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ

Mường La (Sơn La) có điều kiện thiên nhiên phong phú, với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc. Đặc biệt, nơi đây nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối liền các điểm, khu du lịch của các tỉnh Tây Bắc, là điều kiện thuận lợi để huyện kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch.

Clip: Điểm đến thu hút khách vùng Tây Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ

Du lịch Mường La khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc

Bức tranh du lịch Mường La ngày càng sinh động. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, Ngọc Chiến từ một vùng quê nghèo khó đã thay đổi rõ rệt, trở thành vùng quê đáng sống, một điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè, du khách thập phương.

Ngoài một vùng quê đẹp, yên bình với những nét đẹp văn hóa, ẩm thực của đồng bào nơi đây, để hút khách du lịch đến với Ngọc Chiến, hằng năm địa phương này đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội… nhằm quảng bá, hút khách du lịch đến với địa phương nhiều hơn.

Điểm đến hút khách vùng Tây Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ- Ảnh 1.

Mường La (Sơn La) có điều kiện thiên nhiên phong phú với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc. Ảnh: Văn Ngọc

Cứ đến tháng 3 hằng năm, Ngọc Chiến lại tất bật tổ chức Lễ hội hoa sơn tra. Đến với Lễ hội, du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi dân gian, hát dân ca dân vũ, thi đấu thể thao dân gian, thi ẩm thực cộng đồng, ngắm hoa sơn tra và giao lưu văn hóa đặc sắc dân tộc Mông. Ngày hội là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Mường La; quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch của Mường La.

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến chia sẻ: Xã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch di tích lịch sử - văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ. Chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Trung bình mỗi năm Ngọc Chiến đón khoảng 50.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 20 tỷ đồng.

Điểm đến hút khách vùng Tây Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ- Ảnh 2.

Lễ hội mừng cơm mới xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Với nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc cùng với tinh hoa ẩm thực mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, huyện Mường La đã khôi phục, tổ chức một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội Mừng cơm mới tại xã Ngọc Chiến; Lễ hội Nàng Han xã Mường Trai… Qua đó, lan tỏa những nét văn hóa độc đáo, hình ảnh đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tới đông đảo nhân dân và du khách gần xa; thu hút các nhà đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ sinh thái, tắm suối khoáng nóng, du lịch cộng đồng.

Những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương đang được huyện Mường La quan tâm phát triển. Hiện nay, huyện đang xây dựng 3 sản phẩm du lịch, đó là: Du lịch cộng đồng bản Lướt, du lịch cộng đồng bản Nà Tâu tại xã Ngọc Chiến, điểm du lịch Nhà máy thủy điện Sơn La. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khai thác các sản phẩm du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La khu vực Ít Ong, Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao. Khai thác tour du lịch trải nghiệm leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù đi qua rừng chè cổ thụ bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến có độ cao 2.979m so với mực nước biển; tour chụp ảnh cùng hoa Sơn Tra tại bản Nậm Nghẹp…

Điểm đến hút khách vùng Tây Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ- Ảnh 3.

Cây Du sam núi đất ở bản Nà Tâu được người dân trong vùng gọi là “Cây thần”, “Sa mu đại thụ” hay “Co mạy pé”, đây là cây gỗ lớn cao trên 35m, đường kính trên 100 cm, có hàng nghìn năm tuổi. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Mường La, thông tin: Việc tăng cường hợp tác với các huyện lân cận là cơ hội để tăng cường mở rộng kết nối giao lưu cộng đồng doanh nghiệp trong việc liên kết, khai thác du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc của 5 huyện trong vùng liên kết, đặc biệt là tạo động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng trưởng nhanh.

Với những giải pháp, lộ trình phát triển cụ thể, du lịch của Mường La đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm có tiềm năng du lịch, từng bước đưa hình ảnh du lịch Mường La đến xa hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.

Điểm đến hút khách vùng Tây Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ- Ảnh 4.

Mường La còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc. Ảnh: Văn Ngọc

Mường La kết nối vùng hút khách du lịch 

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La thông tin: Đưa du lịch phát triển xứng với tiềm năng, huyện Mường La đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện Mường La giai đoạn 2020-2025, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đã hình thành các tour, tuyến du lịch, phát triển các cơ sở lưu trú phục vụ khách; một số giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đã được khai thác vụ du khách; các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện thu hút số lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Một số doanh nghiệp đã chú ý nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư vào du lịch Mường La; từ du lịch đã tạo ra một số việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhân dân trong vùng.

Điểm đến hút khách vùng Tây Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ- Ảnh 5.

Mô hình du lịch cộng đồng Homestay - một loại hình du lịch mới xuất hiện trên địa bàn xã Ngọc Chiến nhưng ngày càng khẳng định được sức hút đối với du khách thập phương. Ảnh: Văn Ngọc

Đến nay, trên địa bàn có 3 khách sạn, 10 nhà nghỉ, 15 homestay, 2 điểm du lịch cộng đồng, tất cả đều đang hoạt động nề nếp, phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đón khoảng 137.700 lượt khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 50 tỷ đồng.

Huyện đang khuyến khích thu hút đầu tư vào phát triển du lịch lòng hồ sông Đà, du lịch cộng đồng ở xã Ngọc Chiến để trở thành điểm nhấn, tạo tiền đề mở rộng phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với đó, xây dựng quy hoạch các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện, như: Mường Trai, Tạ Bú, Chiềng Lao; hình thành và phát triển vùng tam giác kinh tế du lịch, dịch vụ bao gồm thị trấn Ít Ong - xã Ngọc Chiến - xã Chiềng Lao, mỗi vùng du lịch sẽ có những nét độc đáo riêng, hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Điểm đến hút khách vùng Tây Bắc, với vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ- Ảnh 6.

Mùa hoa Sơn tra nở tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Từng bước phát triển du lịch bền vững, huyện Mường La tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo liên kết vùng cho 5 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La – Yên Bái, gồm: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái) và Mường La, Bắc Yên (Sơn La), tạo cơ hội và môi trường thuận lợi để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, tiềm năng du lịch của 5 huyện trong vùng Tây Bắc.

Văn Ngọc