dd/mm/yyyy

Điện Biên: Bà nông dân hô biến trâu, bò gầy thành béo, thu vài trăm triệu mỗi năm

Thu mua trâu, bò gầy, yếu đem về vỗ béo, 3 đến 4 tháng sau xuất bán, công việc tưởng chừng như đơn giản ấy đã đem lại cho gia đình chị Trần Thị Thắm, đội 4, xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thu nhập mấy trăm triệu đồng mỗi năm.

Như  bao nông dân khác của xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) quanh  năm cày cấy "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" gia đình chị Thắm luôn canh cánh nỗi lo làm gì để thoát được cái đói nghèo đeo bám, làm sao để vươn lên làm giàu từ đôi bàn tay trắng.

Điện Biên: Bà nông dân hô biến trâu, bò gầy thành béo, thu vài trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Từ việc mua trâu, bò gầy về vỗ béo mà gia đình chị Trần Thị Thắm, đội 4, xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thu nhập mấy trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 2015, chị Thắm mạnh dạn vay số tiền 40 triệu đồng từ Nguồn vốn Hỗ trợ Nông dân. Chị bàn với chồng mua 1 con trâu và 2 con bò gầy về nuôi vỗ béo xem sao.

Không phụ công ngày đêm chăm sóc, 5 tháng sau, 3 con trâu bò, chị Thắm vỗ béo bán đi được 54 triệu đồng. Anh chị lãi được 14 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ việc nuôi trâu, bò vỗ béo. Chị Thắm quyết định dùng toàn bộ số tiền của gia đình hiện có, đồng thời vay thêm người thân, vay Ngân hàng để tiếp tục mua thêm trâu, bò gầy, yếu về nuôi vỗ béo.

Điện Biên: Bà nông dân hô biến trâu, bò gầy thành béo, thu vài trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Trâu gầy, yếu chị Thắm mua về vỗ beo sau khoảng 4 tháng đã có thể xuất bán với giá bán thị trường hiện tại khoảng 25-40 triệu/con.

Từ số tiền vỏn vẹn gần 100 triệu đồng, một phần chị Thắm mua thêm 2 con trâu, 3 con bò gầy về tiếp tục nuôi vỗ béo, một phần mở rộng thêm diện tích trồng cỏ, trồng mầu lấy nguồn thức ăn nuôi trâu, bò.

Đến nay, sau 5 năm, quy mô nuôi vỗ béo trâu, bò của gia đình chị Thắm khoảng 40 con mỗi năm, chia làm 3 lứa nuôi gối nhau, mỗi lứa khoảng 12 con.

Chia sẻ với phóng viên, chị Thắm cho biết: "Làm ruộng quanh năm vất vả mà chưa đủ ăn thì không biết bao giờ mới thoát được nghèo, gia đình tôi quyết định chuyển sang hướng chăn nuôi gia súc. Vì vốn ít nên vợ chồng tôi bàn nhau mua trâu, bò gầy yếu về nuôi vỗ béo. Vợ chồng tôi đi khắp các xóm, các xã trong và ngoài huyện tìm mua trâu, bò gầy, yếu về nuôi vỗ béo. Sau 5 năm nuôi trâu, bò vỗ béo, tôi nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại là tương đối cao và ổn định".

Điện Biên: Bà nông dân hô biến trâu, bò gầy thành béo, thu vài trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Mỗi năm chị Thắm thu mua khoảng 40 con trâu, bò gầy, yếu về nuôi vỗ béo, chia làm 3 lứa, mỗi lứa từ 12-14 con.

"Nuôi trâu, bò vỗ béo quan trọng là chuồng trại phải sạch sẽ, nguồn thức ăn đảm bảo và phải phòng chống được dịch bệnh cho đàn gia súc nuôi. Tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi của Hội Nông dân xã, huyện tổ chức để nâng cao kỹ năng chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc. Tôi xây dựng chế độ ăn uống cẩn thận đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho đàn trâu, bò phát triển tốt nhất". Chị Thắm nói thêm.

Chị Thắm chỉ chọn mua những con trâu, bò gầy, yếu độ tuổi từ 1 đến dưới 3 năm, cân nặng từ khoảng 1 đến 2 tạ, thường là giống đực, cao to, vai nở, lưng dài. Mỗi con có giá từ 10 đến 14 triệu. Nhờ công chăm sóc mát tay, cũng như nguồn thức ăn chủ động, đảm bảo vệ sinh và hàm lượng chất dinh dưỡng phù hợp. Vì vậy, mỗi con trâu, bò sau một thời gian qua bàn tay vỗ béo của chị Thắm đều tăng trọng lượng đều và khỏe mạnh. Trung bình mỗi con trâu, bò tăng 30- 40 kg mỗi tháng. Sau 3 hay 4 tháng xuất bán mỗi con thu từ 18 đến 25 triệu đồng.

 "Pha trộn thức ăn là khâu quan trọng nhất, thức ăn bao gồm: cỏ voi, rơm rạ xay nhuyễn, cám, bã... đảm bảo sạch sẽ. Trong đó, cần trộn thêm men tiêu hóa vào thức ăn để trâu, bò hấp thụ chất dinh dưỡng trong thức ăn nhanh hơn, cho trâu, bò ăn 2 lần/ngày. Nguồn nước uống cũng được pha thêm các loại muối khoáng cần thiết, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Ngoài ra tôi cũng chăn thả đàn trâu, bò ra cánh đồng hay bãi cỏ để đàn vật nuôi có thêm nguồn thức ăn tự nhiên" chị Thắm cho biết thêm.

Điện Biên: Bà nông dân hô biến trâu, bò gầy thành béo, thu vài trăm triệu mỗi năm - Ảnh 5.

Trâu, bò gầy được chị Thắm chăn thả ra cánh đồng hay bãi cỏ để có thêm nguồn thức ăn tự nhiên

Nuôi vỗ béo trâu, bò tuy cần nhiều vốn, nhưng thu hồi, quay vòng vốn nhanh, thường thì từ 3 tháng đến 4 tháng là có thể xuất bán. Nhờ chủ động tìm kiếm thị trường, mua bán không qua trung gian cộng với trâu, bò khỏe mạnh, đều đặn 3 tháng, chị Thắm xuất bán 10 đến 12 con trâu, bò cho người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trung bình mỗi con trâu, bò sau khi vỗ béo và xuất bán cho lãi 8 đến 10 triệu đồng/con. Giá bán trung bình 80-100.000 đồng/kg hơi. Nhờ mô hình vỗ béo vật nuôi đem lại cho gia đình chị Thắm thu nhập vài trăm triệu mỗi năm.

Chị Trần Thị Nụ, Chi hội trưởng Chi hội nông dân đội 4, xã Noong Luống cho biết: "Gia đình chị Trần Thị Thắm là một trong những hộ gia đình phát triển kinh tế khá từ mô hình nuôi vỗ béo trâu, bò. Sử dụng nguồn vốn vay Qũy Hỗ trợ nông dân hiệu quả. Với ý chí vươn lên thoát nghèo trở thành gia đình có kinh tế khá của xã. Kết thúc Dự án chị đã trả được nguồn vốn vay và có vốn để tiếp tục phát triển đàn gia súc ở các lứa tiếp theo".

Nhờ sự nhạy bén và mạnh dạn trong suy nghĩ, gia đình chị Thắm đã thoát được nghèo, vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Là tấm gương lao động sản xuất giỏi của xã Noong Luống để nhiều hội viên nông dân học tập, noi theo.

Vinh Duy - Thu Hường