dd/mm/yyyy

Đắng cay nghề nuôi lợn: 3 năm nuôi 7 lứa, lỗ đậm 5 lứa

Đầu năm 2017 đến cuối năm 2019, nhà nông bị lỗ nặng 7 lứa chăn nuôi lợn. Từ cuối năm 2019 đến nay lợn mới lên giá được 2 lứa, vẫn lỗ đậm 5 lứa.

Đầu năm 2017 đến cuối năm 2019, nhà nông bị lỗ nặng 7 lứa chăn nuôi lợn. Từ cuối năm 2019 đến nay lợn mới lên giá được 2 lứa, vẫn lỗ đậm 5 lứa.

Đắng cay nghề nuôi lợn: 3 năm nuôi 7 lứa, lỗ đậm 5 lứa - Ảnh 1.

Một trang trại lợn ở Hưng Yên sau bão dịch.

Do vậy có thể nói, nhà nông nuôi lợn lời ít lỗ nhiều. Hí hửng vì được một người dân ở xã Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên cho hay: “Gần đây có trang trại chăn nuôi lợn rất hiệu quả!”, tôi liền lao ngay đến thăm hỏi, tìm hiểu bí quyết. Bất ngờ đã bị chủ trang trại này, phang cho một câu xanh rờn: “Nuôi lợn hả! Lời ít nợ nhiều”.

Thấy tôi vẫn còn ngờ ngợ nhìn vào ngôi nhà 3 tầng khang trang bề thế của ông, ông lại phang tiếp: “Phồn hoa giả tạo đấy! Bán cả cơ ngơi đi cũng chưa đủ trả nợ chăn nuôi lợn mấy năm vừa qua”.

Sau khi biết tôi bị người ta “nỡm”, ông Trực liền vội vã mời khách vào chơi, rồi ôn tốn lý giải: "Chẳng giấu gì bác, căn nhà này làm được là nhờ ngót chục năm tích cóp nuôi lợn. Tưởng rằng cứ đà ấy, rồi cũng có ngày em được “vênh vác” với xóm giềng. Đùng một cái, lợn rớt giá thê thảm. Thời gian đầu còn lỗ công nuôi dưỡng, nên cố chăm nom chờ lên giá. Nhưng rồi càng nuôi càng lỗ đậm. Nuôi ít lỗ ít. Nuôi nhiều lỗ nhiều.

Có thời điểm bán hơn 100kg lợn hơi mới đủ tiền mua 1 heo giống nuôi đầu vào (1,2 - 1,7 triệu đồng). Vẫn không dừng lại ở đó. Dịch tả lợn Châu Phi lại như từ trên trời rơi xuống, bao trùm khắp các trang trại chăn nuôi trong toàn quốc. 

Trại nào may không bị tiêu hủy (chưa dính dịch), thì cũng phải lo bán chạy thật nhanh. Thế là lợn lại rẻ như cho. Coi như gặp thảm họa kép liên tục từ đầu năm 2017 đến cuối 2019, tương đương nuôi 7 lứa lợn thịt.

Đắng cay nghề nuôi lợn: 3 năm nuôi 7 lứa, lỗ đậm 5 lứa - Ảnh 2.

Nuôi lợn an toàn sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Có thể làm phép tính khái lược thế này: Để tăng trọng được 100kg lợn hơi, phải đầu tư 250kg cám công nghiệp các loại, với giá cám quân bình 12.000 đồng/kg, thì nuôi từ 1 heo giống tới xuất chuồng sẽ hết 3 triệu đồng chi phí thức ăn. Theo đó, cứ nuôi 100 con lợn/lứa (giai đoạn 2017-2019 nói trên), nhà nông sẽ bị lỗ khoảng 300 triệu đồng. Em cũng nuôi 7 lứa 700 con, lỗ vốn 2,1 tỷ đồng. Qua đó có thể nói, đến nay gần như hộ nào chăn nuôi lợn cũng đang nợ đầm đìa.

Giá lợn mới lên cao được từ cuối năm 2019, nhưng người chăn nuôi vẫn rất khó tái đàn (cơ bản do vốn liếng đã kiệt quệ, sổ đỏ đã thế chấp ngân hàng). Thế mà người tiêu dùng vẫn kêu giá lợn quá cao. Đúng là giá lợn cao chót vót, nhưng cũng mới chỉ được gần 2 lứa chăn nuôi và cũng chưa ai có nhiều lợn để bán, nên chưa thể cắt được lỗ vốn của 7 lứa chăn nuôi trước đó.

Do vậy các nhà nông chúng em mới có câu: Nuôi lợn lời ít lỗ nhiều. Qua đây em cũng xin kiến nghị: Nhà nước cho khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ vốn vay ngân hàng để vực dậy ngành hàng lợn. Chỉ cần hạ lãi suất vay xuống còn 0,4-0,5%/năm đã rất tốt. Chứ hiện nay người dân đang phải vay lãi 1%/năm từ các HTX tín dụng, rất khó cho phục hồi phát triển sản xuất nói chung”, ông Tường Văn Trực chia sẻ.

Đắng cay nghề nuôi lợn: 3 năm nuôi 7 lứa, lỗ đậm 5 lứa - Ảnh 3.

Người chăn nuôi rất mong Nhà nước có chính sách giảm lãi suất ngân hàng để khôi phục sản xuất.

Đến thăm trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Nhật ở Đình Cao, huyện Phù Cừ (cùng tỉnh Hưng Yên), chúng tôi còn gặp cảnh ngộ bi đát hơn. Anh Nhật vốn có chí làm ăn lớn, vào thời kỳ cao điểm anh nuôi tới hơn 1.000 con lợn các loại, để rồi khi gặp thảm họa kép, lỗ chồng lên lỗ tới cả chục tỷ đồng, chưa biết làm gì ra để trả nợ, bòn mót mãi mới tái đàn được vài chục con...

“Tôi rất đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng NN-PTNT tại diễn đàn Quốc hội mới đây: Đại ý, người tiêu dùng nên thay thịt lợn bằng vịt, gà, cá… Bởi là tư lệnh ngành, ông rất thấu hiểu những khó khăn mà người nuôi lợn đang gặp phải. Ông muốn cho các trang trại có thêm cơ hội lấp dần lỗ vốn chăn nuôi, để sớm lấy lại đà tăng trưởng trong lĩnh vực này. Đồng thời cũng nhằm kích cầu tiêu dùng các loại thực phẩm khác", anh Nguyễn Công Năng, đại diện một số hộ nuôi lợn ở xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội tâm sự.

Nguyễn Hải Tiến