dd/mm/yyyy

Chủ trương khai thác đất dốc đã cho Sơn La trái ngọt

Trong năm 2018, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tăng từ 43.500 ha lên 57.439 ha với sản lượng gần 257.000 tấn. Trong đó, đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.

Điểm nhấn đầu tiên khi chủ trương về trồng cây ăn quả của Sơn La được ban hành chính là sự quan tâm, lãnh đạo và vào cuộc thực sự của các cấp, ngành từ tỉnh cho đến cơ sở. Tỉnh đã ban hành kịp thời, phù hợp với thực tiễn các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả, lồng ghép được những chương trình mục tiêu quốc gia và huy động nguồn vốn khác cho chính sách phát triển cây ăn quả.

Sản phẩm hồng giòn Mộc Châu, một trong những sản phẩm quả của Sơn La được giá bán, có chất lượng ngon.
Sản phẩm hồng giòn Mộc Châu, một trong những sản phẩm quả của Sơn La được giá bán, có chất lượng ngon.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đồng thời, rà soát, xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cây hằng năm trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Tại các huyện, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực vận động nhân dân phát triển cây ăn quả và vườn ươm. Một số mô hình trồng cây ăn quả gắn với thị trường tiêu thụ có hiệu quả đã làm thay đổi cách thức trồng cây ăn quả tại các cơ sở. Và quan trọng hơn cả là chủ trương phát triển cây ăn quả đã và đang đón nhận được sự  đồng tình ủng hộ của nhân dân và trở thành phong trào sâu rộng trong tỉnh.

Năm 2018, sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La xuất khẩu được 220 tấn sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Australia.
Năm 2018, sản phẩm thanh long ruột đỏ của Sơn La xuất khẩu được 220 tấn sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Australia.

Trong những năm qua, từ nỗ lực trong triển khai thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả, ngoài việc tăng được diện tích trồng cây ăn quả lên 57.439 ha, Sơn La còn nâng được sản lượng quả các loại lên gần 257.000 tấn. Trong đó, một số cây ăn quả có giá trị kinh tế với sản lượng cao, như: Nhãn trên 70.000 tấn; xoài gần 30.000 tấn... Trong đó, sản lượng xuất khẩu gần 18.000 tấn quả các loại, trên 77.000 tấn nông sản chế biến và nông sản khác. Cùng với đó, tỉnh còn triển khai hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng cây ăn quả. Trong đó, các HTX, hộ gia đình trong tỉnh đã đầu tư, mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước cho trên các diện tích cây ăn quả, như: Các hộ trồng cây ăn quả ở huyện Sông Mã, Phù Yên, Bắc Yên và các HTX, doanh nghiệp ở huyện Mộc Châu...

Sản phẩm sơn tra Bắc Yên đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Sản phẩm sơn tra Bắc Yên đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Bà Lương Như Hoa, Bí thư Huyện ủy Phù Yên, khẳng định: Đây là một chủ trương rất phù hợp với thực tiễn. Như địa bàn huyện Phù Yên trước đây có rất ít diện tích trồng cây ăn quả, nhất là cây ăn quả trên đất dốc. Thực hiện chủ trương của tỉnh, đến nay huyện đã phát triển được trên trên 2.000 ha cây ăn quả các loại. Mấy năm qua, có hàng ngàn hộ đã thực hiện cải tạo vườn tạp, ghép xoài, nhãn được hàng trăm ha. Riêng năm 2018, từ các nguồn vốn hỗ trợ, huyện đã trồng mới trên 500 ha cây ăn quả. Đến nay, sản phẩm cam, quýt của một số HTX đã được chứng nhận VietGAP và sản phẩm quả được đánh giá cao trên thị trường. Từ những diện tích trồng cây ăn quả đã giúp cho nhiều hộ nâng cao được thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương...

Cùng với tăng diện tích, nâng sản lượng cây ăn quả, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân, Sơn La còn xây dựng được thương hiệu, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả theo chuỗi, đưa sản phẩm quả của tỉnh góp mặt ra cả thị trường nước ngoài. Đến nay, tỉnh Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho 16 sản phẩm và 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài, như: Xoài Yên Châu, nhãn Sông Mã, Na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, Cam Mường Thải (Phù Yên), sơn tra Bắc Yên...

Hàng ngàn ha đất dốc ở Sơn La từng bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hàng ngàn ha đất dốc ở Sơn La từng bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Trong năm 2018, sản phẩm quả các loại của Sơn La đã xuất khẩu trên 18.000 tấn, trong đó: Xoài xuất khẩu 3.500 tấn, nhãn tươi trên 5.000 tấn, mận hậu 876 tấn, chanh leo 1.700 tấn, thanh long ruột đỏ 220 tấn, Chuối 3.000 tấn sang 12 nước trên thế giới. Tại địa bàn tỉnh Sơn La, đã có 33 cơ sở, xưởng, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng đạt trên 100.000 tấn sản phẩm mỗi năm và có 35 chuỗi quả với tổng diện tích sản xuất đạt 745 ha.

Trong định hướng phát triển cây ăn quả trên đất dốc, Sơn La rà soát, bổ sung quy hoạch đến năm 2020 khoảng 100.000 ha với sản lượng 1.100.000 tấn. Để thực hiện kế hoạch trên, Sơn La sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế chính sách phát triển cây ăn quả, xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả đảm bảo chất lượng theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh; bố trí kinh phí hỗ trợ cho các huyện, thành phố và doanh nghiệp, HTX; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây ăn quả. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố lồng ghép các nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quỹ bảo vệ phát triển rừng, vốn ODA... cho công tác phát triển cây ăn quả.

Quốc Tuấn