dd/mm/yyyy

Chàng trai người Tày và tuyệt kỹ trồng cam

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã thoát khỏi cảnh nghèo và vươn lên làm giàu. Một trong những điển hình tiêu biểu có thể nhắc đến là gia đình anh Chu Nguyễn Bảo, một thanh niên dân tộc Tày (ở thôn Khau Pưởng, xã Lục Hồn) với mô hình trồng cây Cam Chỉ, Cam đường canh.

Vào những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình anh Chu Nguyễn Bảo. Sinh năm 1985, chỉ học hết lớp 7, nhưng anh Bảo là điển hình trong việc đưa cây cam về trồng thử nghiệm tại địa phương.

Anh Bảo đang chăm sóc vườn cam trĩu quả sắp cho thu hoạch.
Anh Bảo đang chăm sóc vườn cam trĩu quả sắp cho thu hoạch.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam của gia đình, anh Bảo chia sẻ: “Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng tôi được bố mẹ cho ra ở riêng và chia cho mấy sào ruộng để làm ăn. Làm ruộng được một năm, tôi nhận thấy nếu cứ trông chờ vào mấy bao thóc cũng không đủ ăn và mãi không thể thoát nghèo được, nên tìm cách chuyển hướng cây trồng”.

Điều đáng mừng nhất là đến vụ cam không phải tìm đầu ra, vì các thương lái và khách du lịch thường đến tận vườn để mua. Cây cam đã thực sự giúp tôi làm giàu trên chính mảnh đất ông cha để lại. Từ trồng cam, dự kiến, sang năm gia đình tôi sẽ xây dựng ngôi nhà mới khang trang hơn. Đồng thời, sẽ đầu tư thuê đất để mở rộng diện tích trồng cam”. Anh Chu Nguyễn Bảo

Qua xem sách báo, ti vi, anh Bảo nhận thấy cam là một loại cây ăn quả nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc sẽ cho thu nhập cao. Ngoài ra, điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương lại rất hợp với trồng cam trong khi có ít người dân trên địa bàn huyện trồng loại cây này, chủ yếu nhập từ Trung Quốc về bán. Năm 2013, anh Bảo đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chuyển đổi diện tích đất ruộng và vườn tạp sang trồng cam chỉ.

Năm đầu tiên, hơn 100 cây cam chỉ của gia đình anh Bảo đã cho những trái quả đầu tiên, chất lượng quả tốt. Bước sang năm thứ hai, vườn cam đã cho thu hoạch hơn 1 tấn quả, trừ chi phí cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Năm 2016, anh tiếp tục đầu tư mở rộng vườn cam, với trên 500 cây cam đường canh. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng thêm bưởi diễn và chuối.

Theo anh Bảo, trồng cam khâu chọn giống cũng rất quan trọng. Để có được giống cam tốt, thời gian đầu, anh phải lên tận Hà Nội để mua giống. Ngoài ra, cần đảm bảo quy trình kỹ thuật trồng cam và phải chịu khó quan sát từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây. Đối với cây cam việc chăm sóc không phải cầu kỳ, tuy nhiên, ở cây cam đường canh đòi hỏi phải kỳ công hơn vì cây này rất dễ mắc phải các bệnh vàng lá gân xanh, bạc lá…

Không chỉ thành công trong việc đưa giống cây cam về trồng trên chính mảnh đất quê hương, anh Bảo còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các hộ gia đình khác trên địa bàn thôn. Hiện nay, thôn Khau Pưởng có một số hộ học tập và làm theo gia đình anh, với số lượng trồng từ 100 đến 700 cây.

Được chiêm ngưỡng những cành cam sai trĩu quả đợi ngày thu hoạch, chúng tôi như được hòa chung niềm vui của anh Bảo về một vụ cam bội thu. Có được kết quả này là cả một quá trình tìm hiểu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trên sách báo, ti vi, mạng Internet,…

Với sức trẻ, cộng với nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, chàng thanh niên người Tày mới chỉ học hết lớp 7 đã làm giàu trên mảnh đất quê hương, và là tấm gương đáng được nhân rộng để mọi người học tập.

La Hoàng