dd/mm/yyyy

Cây, con nào được săn lùng nhiều nhất?

Hằng năm, vào dịp tết đến, xuân về, trang trại chăn nuôi gia cầm đặc sản lại trở thành địa chỉ tấp nập khách đến mua chim, gà, cây, trái. Một con sâm cầm có giá 1 - 2 triệu đồng, một con chim công giá trên dưới 10 triệu đồng, đến cây sung cảnh sai trĩu quả giá từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng/cây… đều được nhiều “đại gia” săn lùng.

Đặc sản "tiến vua" lên ngôi
Trang trại của anh Trần Nhữ Giáp ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) nuôi hàng chục loài chim quý hiếm như sâm cầm, le le, chim công… “Năm nào cũng thế, cứ vào giáp Tết Nguyên đán là khách tìm đến trang trại rất đông, nhiều người đến chúng tôi không tiếp kịp phải bỏ về là chuyện bình thường”, anh Giáp chia sẻ.

Đàn sâm cầm “tiên vua” được được nuôi tại Vườn chim Việt của anh Giáp đã được khách đặt hàng hết.

Hiện, những loài chim đặc sản dùng để “tiến vua” xưa kia như chim sâm cầm, le le… được anh Giáp nhân nuôi khá thành công, nhưng do số lượng ít nên giá bán cao, từ 900.000 đồng đến trên 2 triệu đồng/con, tùy thời điểm. “Tôi đã nhận hàng chục đơn đặt hàng, chủ yếu là các gia đình có điều kiện, số lượng còn lại rất ít nên tôi phải bán cầm chừng”, anh Giáp tiết lộ.
Lý giải về thị hiếu của khách, anh Giáp cho biết, do sâm cầm chế biến được nhiều món ăn ngon như quay, rán, hầm, nướng nên loài chim này được xếp vào hàng cao lương mỹ vị, ngày xưa chỉ dòng dõi quý tộc mới được thưởng thức. Thịt sâm cầm mềm, đỏ tươi, giàu đạm nên được coi là đại bổ và được nhiều thực khách săn đón. Ngoài ra, các loài chim trĩ đỏ, vịt trời… cũng được khách ưa chuộng, một phần do giá khá “mềm”, chỉ trên dưới 300.000 đồng/kg chim trĩ đỏ và gần 200.000 đồng/kg vịt trời.
Ông Nguyễn Hữu Khởi, chủ trang trại nuôi chim công ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, hiện có nhiều khách liên hệ qua điện thoại đặt hàng mua chim công nhưng ông không dám nhận.

Đàn chim công được ông Nguyễn Hữu Khởi nhân nuôi thành công tại Bắc Ninh.

Do năm nay thời tiết bất thuận nên việc nhân đàn công gặp nhiều khó khăn, số lượng có hạn, cả trang trại chỉ có khoảng 10 con được tuổi bán, còn lại là công non và chim bố, mẹ. “Trung bình mỗi cặp công tôi bán trên dưới 20 triệu đồng, nhưng giờ cũng không có mà bán. Khách đặt mua đợt này chủ yếu là khách quen ở Hà Nội mua theo cặp trống, mái trưởng thành. Tiền với họ không thành vấn đề, miễn sao chim có bộ lông đẹp, chắc thịt là họ ưng”, ông Khởi nói.

Cũng theo ông Khởi, chim công không chỉ là loài chim đẹp nhất thế giới mà còn thể hiện sự giàu sang, quyền quý. Theo Đông y, thịt chim công có giá trị dinh dưỡng cao, khả năng giải độc cho cơ thể tốt.
Gà chín cựa săn lùng đến mức cạn kiệt
Nằm trong danh sách đặc sản quý hiếm tiến vua, gà chín cựa cũng được khách săn lùng mua đến mức cạn kiệt. Để biết được độ đắt giá của loài đặc sản này, chúng tôi phải bỏ nhiều ngày tìm lên “thủ phủ” gà chín cựa ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Dù đã đưa ra mức giá cao hơn gấp nhiều lần thị trường nhưng chúng tôi cũng không thể nào mua được một con gà.

Đàn gà chín cựa của anh Hà Văn Din ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, (Phú Thọ).

Bà Hà Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, gà chín cựa được nuôi ở cả 4 xóm trong xã với khoảng 2.000 con. Trong đó, gà trống có từ 6-8 cựa luôn bị các “đại gia” khắp nơi về săn tìm. Đặc biệt vào dịp Tết, gà chín cựa luôn “cháy hàng”.
Theo giới thiệu của bà Hiền, chúng tôi tìm đến trang trại của anh Hà Văn Din – một tỷ phú trẻ miền sơn cước. Anh Din có cả trăm trâu, bò và đàn gà chín cựa lớn nhất xã. Anh Din cho biết, giống gà này rất khôn, vừa nom thấy bóng chủ là chúng sà xuống gần chỗ anh Din đứng. “Mấy chục con trống khách đã đặt hết từ cách đây 3 tháng. Giá bán tại vườn là 350.000 - 400.000 đồng/kg. Chỉ có khách quen tôi mới bán gà, chứ người mới đến cứ phải xếp hàng mà mãi chưa đến lượt”, anh Din tự hào nói.
Anh Din nuôi gà chín cựa đã hơn chục năm và năm nào cũng thu được vài chục triệu đồng. “Giống gà này ưa sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, chứ ở gần nhà dân lại phát triển kém. Mấy năm nay gà chín cựa được giá, một số hộ ở trung tâm xã, quây chuồng, nuôi tập trung, nhưng gà thường chết dịch nên không đem lại hiệu quả kinh tế”, anh Din cho biết.
Đu đủ bonsai đắt khách

“Do là mặt hàng mới, có nhiều ý nghĩa trong năm mới nên đu đủ bonsai được khách hàng trong cả nước đặt mua nhiều. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng từ mặt hàng mới này”. ông Nguyễn Văn Thạnh

Ngoài các con đặc sản, những cây quả cảnh bonsai có hơi hướng tâm linh cũng được người dân tìm mua nhiều như cây ngũ quả, đu đủ bonsai… Là chủ vườn, cũng là chuyên gia có tiếng về cây đu đủ bonsai ở Hưng Yên, gia đình ông Nguyễn Văn Thạnh hàng năm làm trên dưới 50 cây, trong đó có nhiều cây có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng.

“Đây là dòng cây bonsai mới, có nhiều ý nghĩa nên được khách hàng trong cả nước rất thích, đặt mua nhiều. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng từ sản phẩm mới này”, ông Thạnh tiết lộ.

Sản phẩm đu đủ bonsai của ông Thạnh luôn đắt khách vào dịp Tết. Hải Đăng

Cũng trong tình trạng khan hàng như đu đủ bonsai, các nhà vườn kinh doanh sung cảnh cũng luôn tất bật bởi cung không đủ cầu. Anh Nguyễn Văn Long, chủ vườn cây cảnh ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho hay: “Hiện tôi đã bán trên 20 cây sung cảnh sai quả, với giá trung bình từ 5 triệu đồng đến trên 20 triệu đồng/cây. Sở dĩ cây sung cảnh dễ bán là bởi người mua tin rằng có cây sung trong nhà dịp tết sẽ mang lại sự sung túc, thịnh vượng, giàu có…”.

Hải Đăng