dd/mm/yyyy

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 18/8: Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng trở lại, cao hơn cả gạo Thái

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 18/8: Ngày 18/8, tại thị trường trong nước, giá gạo tiếp tục tăng thêm 500 đồng/kg trong khi giá lúa tăng 300-400 đồng/kg.

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 18/8: Giá lúa tăng 300 - 400 đồng/kg, gạo tăng 500 đồng/kg 

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giá một số mặt hàng lúa tăng. Cụ thể, giá lúa IR 504 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; nếp Long An (tươi) ở mức 7.000 - 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Cùng với đó, mặt hàng gạo cũng điều chỉnh tăng giá với hầu hết các mặt hàng. Giá gạo nguyên liệu điều chỉnh tăng 200 - 400 đồng/kg lên mức 12.400 đồng/kg; gạo thành phẩm tăng 500 đồng/kg lên mức 14.500 - 14.600 đồng/kg.

Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 điều chỉnh tăng 100 đồng/kg lên mức 11.800 đồng/kg; trong khi đó giá cám khô duy trì ổn định ở mức 7.600 đồng/kg.

Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục lịch sử khi Ấn Độ và một số quốc gia cấm xuất khẩu mặt hàng này. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 11/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (20/7), gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử. Chỉ trong vòng 20 ngày, giá gạo xuất khẩu loại 5% và 25% tấm của nước ta lần lượt tăng lần lượt 19,7% và 20,5%.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 17/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 5 USD/tấn với gạo 5% tấm và 25% tấm. Theo đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm tăng 5 USD/tấn lên mức 628 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 5 USD/tấn lên mức 608 USD/tấn.

Trái ngược với đà tăng của gạo Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan lần lượt giảm 5 – 10 USD/tấn. Theo đó, ngày 17/8, giá gạo 5% tấm của quốc gia này ở mức 613 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 7 USD/tấn xuống còn 561 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm 5 USD/tấn xuống còn 473 USD/tấn. Mức giá này của Thái Lan đang thấp hơn từ 15 - 47 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam.

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 18/8: Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng trở lại, cao hơn cả gạo Thái - Ảnh 2.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 18/8/2023: Giá lúa tăng 300 - 400 đồng/kg, gạo tăng 500 đồng/kg

USDA: Xuất khẩu tăng sẽ thúc đẩy thương mại gạo thế giới 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo thương mại gạo toàn cầu trong niên lịch 2024 sẽ đạt 55,8 triệu tấn (quy xay xát), tăng khoảng 0,1 triệu tấn so với dự đoán hồi đầu năm.

Theo đó, Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục là nước xuất khẩu lớn nhất, một lần nữa xuất khẩu kỷ lục 22,5 triệu tấn. Trung Quốc và Philippines được dự đoán sẽ vẫn là những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất vào năm 2024.

Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo sẽ tăng ở Argentina, Australia, Myanmar, Campuchia, Guyana, Pakistan và Mỹ song dự kiến sẽ giảm ở Brazil, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Ấn Độ dự kiến sẽ lại là nước xuất khẩu lớn nhất với 22,5 triệu tấn, không thay đổi so với kỷ lục của năm trước và vượt tổng xuất khẩu của ba nước xuất khẩu lớn nhất tiếp theo là Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn là nước xuất khẩu gạo có giá cạnh tranh nhất toàn cầu vào năm 2024.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2024 được dự báo không đổi so với năm trước, ở mức 22,5 triệu tấn tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn ở mức cao bất chấp thuế xuất khẩu hiện hành và lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm mạnh do các chuyến gạo tấm bị đình trệ, tuy nhiên Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp lớn cho các thị trường ở châu Phi, châu Á và Trung Đông do giá cả cạnh tranh.

Xuất khẩu gạo của Thái Lan được dự báo ở mức 8 triệu tấn trong năm 2024, giảm 500.000 tấn so với năm 2023. Chủ yếu do nhu cầu thấp hơn dự kiến từ Đông Nam Á, đặc biệt là từ Indonesia. Tuy nhiên, nguồn cung lớn có thể sẽ giữ cho giá xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục cạnh tranh.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 6,7 triệu tấn trong năm 2024, giảm 400.000 tấn so với năm 2023, chủ yếu do nhu cầu giảm mạnh từ Indonesia. Trong khi Philippines và Trung Quốc, chiếm tổng cộng 60% xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục mua một lượng lớn vào năm tới. Ngoài ra, nhu cầu từ khu vực châu Phi cận Saharan cũng đang tăng lên.

Xuất khẩu của Pakistan dự kiến tăng 700.000 tấn lên 4,5 triệu tấn trong năm tới nhờ vụ mùa phục hồi. Niên vụ 2022-2023 bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đã hạn chế nguồn cung xuất khẩu của nước này. Sản lượng năm 2023-2024 dự báo sẽ tăng 60%, điều này sẽ dẫn đến giá giảm và xuất khẩu tăng.

Xuất khẩu của Myanmar được dự báo tăng 200.000 tấn lên 2,2 triệu tấn do các thị trường trọng điểm bao gồm EU tiếp tục có nhu cầu gạo Myanmar. Hơn nữa, xuất khẩu dự kiến sẽ hồi phục trong năm 2023/24 sau khi giảm trong năm 2022/23.

Xuất khẩu của Brazil dự báo giảm xuống còn 900.000 tấn do nước này trải qua vụ mùa được dự báo thấp nhất trong hơn 25 năm, sau khi xuất khẩu vượt quá 1 triệu tấn trong 2 năm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, đồng tiền Brazil mất giá sẽ tiếp tục khuyến khích xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ Latinh.

Xuất khẩu gạo của Argentina được dự báo ở mức 400.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với năm bị ảnh hưởng bởi hạn hán trước đó. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Argentina được dự báo sẽ không có sự thay đổi, đặc biệt là Brazil do dự báo sản lượng giảm.

Xuất khẩu gạo của Paraguay dự báo đạt 730.000 tấn nhờ hồi phục sản lượng. Brazil tiếp tục là điểm xuất khẩu chính của nước này, tiếp theo là Chile và Mexico.

Xuất khẩu gạo của Uruguay được dự báo vẫn ổn định ở mức 950.000 tấn. Brazil dự kiến sẽ là điểm xuất khẩu chính gạo lứt và gạo xát của Uruguay để đáp ứng nhu cầu sau một vụ mùa sản lượng giảm. Mexico cũng được dự đoán là một trong những thị trường hàng đầu đối với gạo xát và gạo từ Uruguay.

Xuất khẩu của Mỹ được dự báo sẽ tăng với vụ mùa bội thu và giá giảm. Sản lượng được dự báo sẽ phục hồi đối với gạo hạt dài và đặc biệt là gạo hạt vừa và ngắn, vốn bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở California vào năm ngoái. Với nguồn cung lớn hơn và giảm cạnh tranh từ Brazil, xuất khẩu của Mỹ dự kiến sẽ giành lại một số thị phần ở Tây bán cầu. Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng sang Đông Á do vụ thu hoạch ở California phục hồi.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên cả nước.

Theo đó, tính đến 17/8, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó dẫn đầu là TP.HCM với 47 thương nhân, tiếp đến là Cần Thơ 42 thương nhân, Long An 25 thương nhân, Đồng Tháp 19 thương nhân, An Giang 18 thương nhân, Hà Nội 10 thương nhân, Tiền Giang 8 thương nhân..

Đáng chú ý, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh..

Gạo là điểm sáng xuất khẩu, 7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.


Nguyễn Phương