dd/mm/yyyy

Cảnh báo thời tiết xấu dễ gây dịch bệnh trên tôm

Vào những ngày thời tiết xấu, trời âm u, ít nắng nên tảo không quang hợp được, nước trong ao thiếu oxy, mầm bệnh dễ xâm nhập, gây nên hiện tượng tôm chết hàng loạt.

Dù đã là cuối tháng 5, song thời tiết xấu với những biến động bất thường, có ngày nhiệt độ giảm xuống còn 22-23oC nhưng cũng có những ngày nhiệt độ lên tới 36-37oC. Cùng với đó là những cơn mưa lớn đầu mùa đã làm con tôm bị suy giảm sức đề kháng, chậm lớn và nhiễm bệnh. Tại huyện Kim Sơn đã ghi nhận một số hộ nuôi tôm bị thiệt hại.

Nông dân xã Kim Trung, huyện Kim Sơn kiểm tra tôm nuôi.
Nông dân xã Kim Trung, huyện Kim Sơn kiểm tra tôm nuôi.

Chị Nguyễn Thị Nhung (xóm 5, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn) cho biết: “Đầu vụ nuôi vừa rồi, tôi thả hơn 9 vạn con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2 mẫu mặt nước của 2 ao nuôi quảng canh. Mặc dù đầu tư hơn 10 triệu đồng mua con giống sạch nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng, tôm ở cả 2 ao đều bị chết. Đến giờ, gia đình vẫn chưa dám thả lại do thấy thời tiết còn phức tạp, có thể tôm sẽ chết tiếp”.
Theo thông tin từ chính quyền xã KimTrung, đến thời điểm này, bà con nuôi tôm trên địa bàn xã đã xuống giống được khoảng 1.623 vạn con tôm sú và 1.339 vạn con tôm thẻ trên tổng diện tích nuôi thả gần 242ha.

Song ngay trong đợt nắng đầu tháng 5, nguồn nước độ mặn cao, nhiệt độ ngày thay đổi đột ngột, kết hợp với môi trường đáy ao bị ô nhiễm nên một số diện tích ao nuôi tôm thả trà sớm đã bị chết và tăng nhanh đến khoảng giữa tháng 5.

Qua báo cáo của các đội trưởng đội sản xuất, đơn vị, HTX nông nghiệp thủy sản thì toàn xã đã có 32 hộ có tôm bị chết với diện tích 12,6ha, lượng giống thiệt hại ước khoảng 150 vạn con, trong đó chủ yếu là tôm thẻ.

Giải thích về hiện tượng này, một số chuyên gia về thủy sản cho rằng: Hiện nay đã là cuối tháng 5, giữa mùa nắng nóng, nhưng vẫn có những ngày nhiệt độ giảm xuống 21-23oC, thêm nữa là chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn; bên cạnh đó lại xuất hiện những cơn mưa lớn đầu mùa.

Do đó, môi trường ao nuôi bị biến động, ảnh hưởng đến việc nuôi tôm, nhất là các mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, vì các mô hình này thường có công trình ao nuôi và điều kiện quản lý hạn chế, dễ bị tác động của thời tiết.

Một nguyên nhân khác là do năm nay ít nắng, nhiều ngày thời tiết âm u, cường độ chiếu sáng kém nên ban ngày tảo không quang hợp được, gây ra hiện tượng thiếu oxy trong ao.

Chính sự biến động của các yếu tố thời tiết, môi trường như vậy sẽ làm cho tôm bị sốc và giảm sức đề kháng, mầm bệnh sẽ có điều kiện xâm nhập và lây lan, gây ra hiện tượng chết hàng loạt.

Theo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT, lịch thời vụ của vụ tôm 2017 trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ tháng 4. Sau gần 2 tháng, đến nay, nông dân các xã ven biển đã thả nuôi được gần 90 triệu con tôm giống, trong đó tôm thẻ là trên 48 triệu con, tôm sú khoảng 40 triệu con.

Nhìn chung tình hình sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi vụ 1 cơ bản tốt. Tuy nhiên, đến nay cũng đã ghi nhận một số trường hợp tôm nuôi của các hộ bị thiệt hại. Hiện Chi cục đã lấy một số mẫu tôm để đưa đi phân tích nguyên nhân và đang chờ có kết quả.

Trạm Thủy sản Kim Sơn, Yên Khánh, Chi cục Thủy sản cũng tiến hành lấy mẫu nước kênh mương, nước ao nuôi tôm mỗi tuần một lần để phân tích các chỉ tiêu môi trường, mầm bệnh, cảnh báo, khuyến cáo các hộ nuôi tôm áp dụng đồng bộ các biện pháp, hạn chế bệnh và dịch bệnh trên tôm nuôi.

Các yếu tố độ mặn, nhiệt độ, độ pH, độ kiềm …đều được phân tích kỹ để xác định đúng yếu tố nguy hại có thể tấn công tôm nuôi, giúp nông hộ chủ động sản xuất.

Thời tiết xấu dễ gây dịch bệnh cho tôm nuôi.
Cảnh báo thời tiết xấu dễ gây nên dịch bệnh trên tôm nuôi.

Kỹ sư Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn, Yên Khánh lưu ý: Thời điểm này, các hộ nuôi cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi, đặc biệt là 2 chỉ số pH và ôxy tại thời điểm ban đêm và sáng sớm. pH thích hợp cho thời điểm nắng nóng này là khoảng 8,0- 8,3. pH cao bà con sử dụng gỉ đường từ 3-4 kg/1.000 m3, tạt lên mặt ao vào lúc 8-10 giờ sáng, trường hợp pH thấp bà con sử dụng vôi với liều lượng 4-5 kg/1.000 m3, vãi vào lúc 5-6 giờ chiều.

Từ đầu vụ tôm 2017 đến nay, nhiệt độ nhìn chung thấp hơn so với các vụ tôm năm trước, tôm ăn ít, chậm lớn do vậy bà con cũng nên theo dõi hoạt động của con tôm, lượng thức ăn tiêu thụ để điều chỉnh cho phù hợp, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Bên cạnh đó, vào những thời điểm giao mùa hoặc có hiện tượng mưa nắng thất thường, kéo dài bà con cần sử dụng phế phẩm sinh học để duy trì môi trường ao nuôi; sử dụng vitamin C, men vi sinh trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Thực hiện quản lý an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi. Đối với trường hợp những ao tôm bị nhiễm bệnh người dân phải thực hiện các biện pháp cách ly ngay. Xử lý nước, diệt khuẩn đợi khi thật ổn định mới tiếp tục xuống giống.

Nên chọn mua giống ở những cơ sở có uy tín, có xét nghiệm và có giấy kiểm dịch, tránh mua tôm giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Những hộ nào không có ao ương thì nên mua giống ở các cơ sở đã ương vèo, chọn tôm kích cỡ đồng đều, khoẻ mạnh, màu sắc đẹp.

Hà Phương