dd/mm/yyyy

Cần người kiểm tra hóa chất tồn dư rau quả tại siêu thị, chợ

“Hiện nay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá lạm dụng nên tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, trong môi trường đất, nước, không khí rất lớn. Vì vậy, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngay trong cơ thể con người là không thể tránh khỏi”.

Theo Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với 67 người các xã, thị trấn thuộc 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức thì phát hiện 31 người đang có thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong máu, 1 người ở mức rủi ro.

Nhiều người trong nhóm này là nhân viên, cán bộ, ở các xã, thị trấn không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, việc nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật trong máu do ô nhiễm từ môi trường nước, không khí và cả từ ăn uống.

Riêng ô nhiễm từ ăn uống có liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Đây là mối lo lắng lớn nhất của người tiêu dùng. Nguy hiểm nhất là khâu chăm sóc, quá dư thừa thuốc bảo vệ thực vật. Ví dụ quy định trước khi thu hoạch 30 ngày không được phun thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên người sản xuất vẫn phun thuốc, thậm chí trước khi bán chỉ vài ba ngày.

“Do đó trong số những người xét nghiệm máu, có những người không liên quan tới sản xuất nông nghiệp cũng bị nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật. Không chỉ những những đó mà còn nhiều người khác, người tiêu dùng cũng sẽ bị nếu sử dụng rau sản xuất có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Hùng cảnh báo.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, hiện nay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá lạm dụng nên tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, trong môi trường đất, nước, không khí rất lớn. Vì vậy, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngay trong cơ thể con người là không thể tránh khỏi.

“Trên thực tế vẫn còn rau 2 luống, lợn 2 chuồng, vì vậy chúng ta cần làm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn. Không chỉ siết chặt bằng văn bản quản lý mà còn siết chặt trên đồng ruộng để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Để tránh được tình trạng này, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn- Hồ Xuân Hùng cho rằng, người sản xuất phải nghiêm ngặt trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, trên thị trường, tại các chợ, siêu thị, nơi tiêu thụ phải có lực lượng kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả.

“Các nước đều có lực lượng này tại các điểm tiêu thụ, tuy nhiên nước mình có quá nhiều chợ cóc nên không kiểm tra được. Cho nên phải tổ chức lại hệ thống tiêu thụ như chợ, siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, những nơi đó phải có lực lượng kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra độ an toàn của rau quả, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời khuyến cáo những người sản xuất. Ngoài ra còn có khâu giám sát cuối cùng trước khi sản phẩm ra thị trường”, ông Hùng nói.

Diệu Thùy