dd/mm/yyyy

Nhiều cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù cho NTM

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, các chính sách tín dụng đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của ngành ngân hàng gần 10 năm qua đã đóng góp rất lớn vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Trong đó, phải kể đến chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Hay các chương trình cho vay nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn… của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Nông dân Hóc Môn khám khá nhờ trồng lan monkara cắt cành.
Nông dân Hóc Môn khám khá nhờ trồng lan monkara cắt cành.

Một nhà băng khác cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng cho tiến trình xây dựng NTM là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Đây là ngân hàng chuyên thực hiện cho vay chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn…

Ngoài ra, đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai một số cơ chế chính sách ưu đãi đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay nông nghiệp, nông thôn như: Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD cho vay trong lĩnh vực này; Tái cấp vốn cho TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, các khoản vay này được ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay so với các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, NHNN điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng như: Xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất của các khoản vay cũ; không thu lãi quá hạn; miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của TCTD; Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn tại chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD.

Luỹ tiến từ 2011 đến tháng 6/2019, TP.HCM đã phê duyệt cho hơn 23.000 lượt hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

“Có thể nói, nhờ các cơ chế, chính sách đặc thù cho lĩnh vực NTM mà các ngân hàng như Agribank, ngân hàng CSXH, VDB, cùng nhiều NHTM cổ phần khác, đã tích cực tham gia vào các chương trình xây dựng NTM ở TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước” - ông Minh chia sẻ.

Bài, ảnh: Quốc Hải