dd/mm/yyyy

Về vùng đất thiêng, nơi nuôi gà chín cựa

Gà chín cựa chỉ phát triển tốt ở rừng Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Nơi này rừng già còn ngút ngàn, bà con người Dao đã may mắn được Giàng ban cho giống gà quý tiến Vua năm nào. Đó chính là gà chín cựa, giống gà đã luôn mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi.

Đền Hùng được coi là vùng đất thiêng của nước Việt. Nơi này có 99 dãy núi ở các nơi cùng chầu về núi Nghĩa Lĩnh. Xét về thuật phong thủy đó là địa thế đặt đô muôn đời, là đất đế vương. Trong số 99 dãy núi đó, có 1 dãy núi thiêng thuộc đất Xuân Sơn luôn cao nhất và mang nhiều sinh khí nhất. Thuở xưa, vị thần Sơn Tinh đã cất công đến tận đất Xuân Sơn tìm giống gà 9 cựa để dâng lên Vua Hùng. Lựa chọn của vị Thần đó tựa như đánh dấu cho vùng đất này mãi mãi nuôi được giống gà chín cựa quý hóa.

Gà quý 

Rừng ở vùng đất Xuân Sơn vẫn còn bát ngát. Vườn quốc gia Xuân Sơn cũng nằm trọn trong vùng đất thiêng ấy. Giống gà chín cựa được phát hiện lần đầu tiên tại bản Cỏi – nơi sinh sống của hơn trăm hộ dân người Dao. Theo bà Hà Thị Hiền, cán bộ xã Xuân Sơn: Gà 9 cựa được nuôi ở cả 4 bản của xã. Mặc dù giá gà 9 cựa đắt gấp nhiều lần so với gà ta, nhưng bà con nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng số lượng đàn gà lên. Giống gà này rất khó tính, kén người nuôi, không phải gia đình nào cũng nuôi được. Đến giờ toàn xã cũng chỉ có 2.000 con, trong đó gà có 6-9 cựa rất hiếm. Gia đình nào may mắn lắm mới nuôi được 1 con gà 9 cựa.  

Về vùng đất thiêng nuôi gà chín cựa  - Ảnh 1.

Vườn quốc gia Xuân Sơn là nơi lý tưởng để đám gà chín cựa sinh sôi nảy nở.

Theo lời giới thiệu của bà Hiền, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Văn Phúc, từng nhiều năm liền làm Trưởng bản Cỏi. Tuy là Trưởng bản của cộng đồng người Dao, nhưng quê gốc của ông lại ở Nam Định. Trong những năm loạn lạc, các cụ nhà ông Phúc tha phương cầu thực, và rồi chọn ở lại nơi rừng sâu, núi thẳm Xuân Sơn. Dường như tấm lòng thành của ông Phúc đã được thần rừng ưu ái. Trong những ngày ở nương, đám gà nhà ông đã được một con gà rừng có tiếng gáy rất vang và xa truyền giống. Nhờ đó mà gia đình ông mới có được giống gà quý. 

Mỗi khi nhắc đến giống gà chín cựa, ông Phúc tỏ ra hào hứng: Gà chín cựa là giống gà rừng chính thống. Các hộ người Dao, ai cũng nuôi gà thả. Chẳng mấy ai chăn nuôi theo quy mô lớn như ở dưới xuôi. Gà tự vào rừng kiếm ăn, chứ ít người cho gà ăn. Giống gà nhà được gà rừng phối giống nên tạo ra giống gà quý chín cựa.

Về vùng đất thiêng nuôi gà chín cựa  - Ảnh 2.

Giống gà chín cựa quý hiếm được nuôi tại đất Xuân Sơn.

Cách đây khoảng 30 năm, rất ít người trong bản để ý đến đặc điểm này của đàn gà. Chỉ đến khi, những người ở dưới xuôi lên thăm quan, mua bán, họ mới phát hiện ra giống gà quý này. Những chú gà trống ngũ sắc, đẹp mã và rất hung hăng đó, chân có 8-9 cựa bỗng trở thành hàng hóa đắt giá. Điều này hoàn toàn trùng khớp với truyền thuyết về vị thần núi Tản Viên năm nào. Từ đó, bà con bắt đầu bán được gà và chú trọng hơn trong việc chăm gà.

Gà 9 cựa là loài gà quý hiếm, số lượng giống thuần chủng hiện nay còn rất ít. Chính vì vậy mà rất ít người có thể nhìn tận mắt con gà nào có 9 cựa, thường chỉ có thể bắt gặp những con gà 7 hoặc 8 cựa là nhiều nhất. Bởi lẽ đó mà tên gọi "gà nhiều cựa" xuất phát từ đó. Thịt gà 9 cựa có mùi vị đặc biệt, rất thơm ngon và đậm đà như gà rừng. Gà 9 cựa trước đây là sản phẩm để tiến Vua không chỉ bởi thịt gà thơm ngon mà còn bởi vẻ oai nghiêm, hùng dũng của chúng.

"Vua" gà đất Xuân Sơn

Trong khi bà con gặp nhiều khó khăn trong việc nhân giống và chăm sóc gà chín cựa, anh Hà Văn Din ở bản Lạng, xã Xuân Sơn được bà con gọi là "vua" gà chín cựa vì anh Din có đàn gà chín cựa nhiều nhất xã. Anh Din còn nổi tiếng là "bà đỡ" mát tay khi anh liên tục thành công trong việc nhân giống đàn gà. Trang trại lại nằm sâu giữa rừng thuộc xóm Lạng. Anh đã phát triển trang trại được 20 năm.

Về vùng đất thiêng nuôi gà chín cựa  - Ảnh 3.

Đàn gà chín cựa của anh Hà Văn Din.

Muốn đến trang trại của anh Din phải vượt qua con đường mòn xuyên rừng dài hơn cây cố. Xung quanh trang trại của anh Din là cả một miền rừng rậm rạp. Nom thấy bóng người lạ vào, đàn gà chạy toán loạn. Anh Din mới nhẹ nhàng đưa chiếc loa tay lên miệng hú vài tiếng, đàn gà như bị thôi miên. Chúng chạy lại quây lấy anh. Sẵn bao ngô trên vai, anh Din té ra đất vài nắm, đám gà trống lông ngũ sắc, nhanh như cắt kéo đến tranh giành thức ăn. Đám gà con mà sán lại gần là chúng dùng đôi chân khỏe, với những chiếc cựa tua tủa đánh cho thừa sống thiếu chết. Duy chỉ có những ả gà mái tơ, má đỏ, lông mượt mới được chúng dành cho thức ăn. 

"Đám gà này ghê lắm. Anh hùng nhất khoảnh. Mỗi con tự vạch ra cho mình một khoảnh rừng. Con nào xâm phạm là bị đánh cho tơi bời ngay. Do vậy, mỗi "gia đình" gà, tôi phải để cho chúng một lãnh địa riêng", anh Din chia sẻ.

Về vùng đất thiêng nuôi gà chín cựa  - Ảnh 4.

Gà chín cựa luôn bán được giá hơn so với các giống gà khác.

Nhặt hết đám ngô vương vãi trên nền đất, đám gà trống lại được đà đòi ăn, nhưng anh Din bỏ mặc. Sau cả hồi đòi ăn, không được chủ đáp lại, chúng lại nối đuôi nhau vào rừng kiếm ăn. Đến lúc này, anh Din mới nở nụ cười đầy ấn ý: "Giống vật mà cho ăn no phè phỡn là nó quên chủ ngay. Giống gà này tinh ranh và rất khôn ngoan, mình cho nó ăn đói một tý, tối nó mới về. Hơn nữa, muốn chúng ra nhiều cựa, mình phải giảm trọng lượng của chúng xuống. Con nào béo trọng lượng sẽ đè nặng lên đôi chân khiến cựa của nó khó phát triển". Hóa ra, sau nhiều năm sống trong rừng, anh Din đã viết ra được cả cuốn "binh pháp" nhân giống và chăm sóc gà chín cựa.

Về vùng đất thiêng nuôi gà chín cựa  - Ảnh 5.

Giống gà chín cựa được nuôi tại trang trại của anh Hà Văn Din.

Theo anh Din, gà 9 cựa là giống có nguồn gốc hoang dã. Nó không ưa bị kìm kẹp hoặc nuôi nhốt chuồng. Chúng có thể tự kiếm ăn. Để bắt được một con gà như thế, anh Din phải quan sát từ chiều xem nó ngủ chỗ nào, đêm thì vào bắt. Làm như vậy sẽ rất tốn công. Một điều vô cùng quan trọng nữa là nếu để nó sống hoang dã, số lượng gà tăng rất chậm. "Muốn chúng ở gần người, quen người, mình cũng phải thường xuyên tiếp xúc với chúng. Đám gà mái đạt 8-9 tháng tuổi là bắt đầu sinh sản được. Khi chúng đẻ ngoài bụi cây, tôi đã lấy trứng của chúng về đề vào ổ gần nhà. Sáng, trưa, chiều tối, tôi đều cho chúng ăn ngô, ăn thóc. "Ăn ngon nhớ lâu", vì thế mà đám gà mái cứ quẩn quanh trang trại, chứ không đi sâu vào rừng như trước", anh Din chia sẻ.

Từ ổ trứng mà anh Din định sẵn, gà mái cứ theo nếp mà vào đó đẻ. Đến thời kì ấp trứng, giống gà mái này cũng hung dữ và hiếu chiến chẳng kém gì gà trống. Đó là bản tính sinh tồn của con cái bảo vệ đàn con của mình. Sau nhiều năm quan sát và rút kinh nghiệm, anh Din tìm ra "binh pháp", muốn vật gần mình, mình phải gần chúng nhiều hơn. Khi con mái nhảy ổ vào ấp là anh Din đến sờ vào từng quả trứng một. Sau nhiều lần như thế, đám gà mái đã dần quen hơi người. Chúng không phản kháng dữ dội như trước nữa. Khi đàn gà nở ra, anh Din cất công vào rừng tìm các tổ mối, tổ kiến đào về cho gà ăn. Đám gà con ăn ngon, sướng miệng, cứ nhìn thấy ông chủ là chạy ùa lại. Lâu dần, đám gà này được cho ăn đã thành phản xạ. "Chúng thích thức ăn tươi, khi lớn lên chúng khắc vào rừng kiếm được nguồn thức ăn sẵn có. Mình chỉ cần cho ăn, thêm ngô, thêm thóc là chúng trở về nhà vào mỗi chiều", anh Din chia sẻ bí quyết nuôi gà.

Về vùng đất thiêng nuôi gà chín cựa  - Ảnh 6.

Bà con người Dao ở xã Xuân Sơn nuôi được giống gà chín cựa.

Khi đã khuất phục được đám gà trống, gà mái ở một địa điểm cố định, chúng sẽ thích ghi tốt hơn. Từ đó số trứng "đủ" trống đã tăng cao hơn hẳn. Một lứa gà cho ra đời hàng chục chú gà con. Giống gà chín cựa này cũng rất ít bệnh, sống trong môi trường hoang dã, nay được bổ sung thêm thức ăn, chúng đã phát triển nhanh hơn. Hơn nữa, anh Din cũng triệt để áp dụng các "chiêu" gần vật thì vật trả ơn. Do vậy, sau mỗi năm, số lượng gà trong đàn tăng lên nhanh chóng. Có những năm, anh Din bán được cả 50 chú gà trống 8-9 cựa. 

Nhiều người cứ hỏi tôi bí quyết nào nuôi gà chín cựa thành công đến thế, tôi chỉ cười và bảo: "Bí quyết là mình nên lười chăm gà". Quả như lời anh Din nói, mấy năm trước, nhiều đại gia ở dưới xuôi, cất công vượt rừng lên Xuân Sơn đưa gà chín cựa về trang trại nuôi. Họ hy vọng hốt bạc từ giống gà chín cựa. Tuy nhiên giống gà này được chăm sóc quá kĩ lưỡng, nên chúng phát triển kém. Điều kiện quan trọng nhất khi nuôi gà chín cựa là cần tạo ra môi trường hoang dã để phát triển.

Thuần Việt