dd/mm/yyyy

“Vàng trắng" nảy mầm, dân Sơn La vui như Tết

Những dòng mủ trắng xuất hiện mỗi năm một nhiều như “liều thuốc an thần” cho người dân góp đất trồng cao su ở Sơn La. Những nghi ngờ, lo lắng của không ít người dân về loại “vàng trắng” này đang dần được thay bằng niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, bởi diện tích cao su đưa vào khai thác năm sau cao hơn năm trước.

Cao su được đưa vào trồng trên đồng đất Sơn La bắt đầu từ năm 2007 và phát triển nở rộ “như hoa mùa xuân” cho đến năm 2010. Chủ trương trồng cao su của Sơn La thời điểm đó sớm đi vào lòng dân, được nhân dân ủng hộ, nhất trí cao, tạo nên phong trào người người góp đất, nhà nhà góp đất trồng cao su.

Năm 2018, Công ty Cổ phần Cao su Sơn La đưa thêm gần 1.700 ha cao su vào khai thác.
Năm 2018, Công ty Cổ phần Cao su Sơn La đưa thêm gần 1.700 ha cao su vào khai thác.

Nói như ông Võ Nhật Duy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, nếu không có sự đồng thuận của đại đa số người dân thì khó có thể trồng được diện tích cao su lớn như vậy. Trước khi đưa cao su vào trồng ở Sơn La, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Nhận thấy địa hình, đất đai ở Sơn La hoàn toàn phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cao su nên Tập đoàn Cao su Việt Nam mới mạnh dạn đầu tư trồng với diện tích lên đến 6.000ha cao su như hiện nay.

“Năm 2016, Công ty Cổ phần Cao su Sơn La đã đưa gần 150ha cao su vào khai thác mủ, đánh dấu bước phát triển mới của cao su Sơn La; đồng thời xóa đi nỗi nghi ngờ, lo lắng của một số cán bộ, người dân về khả năng cho mủ của cây được xem là “vàng trắng” này” - ông Duy cho hay.

Anh Lò Văn Thông, công nhân Nông trường Châu Quỳnh thuộc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, vui vẻ cho biết: “Đến giờ tôi vẫn nhớ như in nét mặt vui mừng, phấn khởi của anh em công nhân tại thời điểm những dòng mủ trắng đầu tiên tuôn chảy. Gia đình tôi có hơn 1ha đất trồng ngô, sắn, thu nhập vừa thấp, vừa không ổn định; được cán bộ vận động, tôi mạnh dạn góp đất trồng cao su. Tháng 8.2016, tôi và nhiều công nhân khác trong nông trường được giao phần cây cao su để cạo mủ. Tôi như vỡ òa niềm vui khi tự tay cạo và chứng kiến những bát mủ trắng đầy ắp”.

Ông Võ Nhật Duy cho biết thêm: Nếu như năm 2016, diện tích cao su đưa vào khai thác mủ mới đạt gần 150ha, thì sang năm 2017, diện tích cao su cho mủ đã tăng lên hơn 900 ha. Để nâng cao hiệu quả khai thác, Công ty tiến hành chia phần cây, ban hành quy chế giao nhận khoán phần cây, đặc biệt ưu tiên cho những hộ đã có đất góp và đưa vào khai thác.

“Từ khi đưa vào khai thác mủ đến nay, năm nào Công ty cũng vượt chỉ tiêu về sản lượng mủ Tập đoàn Cao su Việt Nam giao. Năm 2017, Công ty thu hơn 470 tấn mủ quy khô. Năm 2018, Công ty sẽ đưa thêm gần 1.700 ha cao su vào khai thác, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm công nhân” - ông Duy thông tin.

“Năm 2017, thu nhập bình quân của công nhân cạo mủ Công ty Cổ phần Cao su Sơn La đạt hơn 2,3 triệu đồng/người/tháng. Khi toàn bộ diện tích cao su đưa vào khai thác, chắc chắn thu nhập của công nhân và người dân góp đất trồng cao su sẽ nâng lên. Đặc biệt, khi nhà máy chế biến công suất 9.000 tấn mủ cao su/năm của Công ty đang được xây dựng tại huyện Thuận Châu đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương” - ông Duy khẳng định.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Chiến