dd/mm/yyyy

Từ bỏ thuốc phiện, thành nghệ nhân làm khèn của người Mông

Suốt nhiều năm liền anh Tráng A Dếnh (SN 1976) ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) chìm đắm trong cơn nghiện thuốc phiện, ma túy. Vậy mà...

Những phận đời chìm trong thuốc phiện

Hua Tạt cái bản nhỏ của bà con người Mông nằm yên bình bên quốc lộ 6. Sau suốt cả hành trình dài di dân tự do, bà con người Mông mới ổn định ở vùng đất này được nửa thế kỉ. Biết bao phận người đã chìm nổi gắn bó với vùng đất đầy biến động này. Cách đây khoảng ba mươi năm về trước, người Mông trồng hoa anh túc bạt ngàn ở thung lũng. Thuốc phiện của nhà sản xuất được, nên nhiều người coi việc hút thuốc phiện như thanh niên hút thuốc lá bây giờ. Không dừng lại ở đó, khi tệ nạn buôn bán thuốc phiện chưa dẹp được, nhiều thanh niên còn chuyển sang nghiện ma túy, hồng phiến.

Từ bỏ ma túy, trở thành nghệ làm khèn nhân của người Mông - Ảnh 2.

Anh Tráng A Dếnh cai được nghiện và giờ trở thành "nghệ nhân" làm khèn và sáo ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

 Trong số những người đi vào con đường tối đó có anh Tráng A Dếnh. Anh đã từng bán tuổi thanh xuân của mình cho ma túy. Biết bao mùa trăng trôi qua, A Dếnh vật lộn với thuốc phiện và hồng phiến.

Nghệ nhân của người Mông

Ngôi nhà xinh xắn của A Dếnh nằm nép mình bên quả đồi thấp thuộc bản Hua Tạt. Trong sương chiều bảng lảng của miền sơn cước, chúng tôi bỗng nghe tiếng khèn trầm bổng như mời gọi, chào đón du khách đến với bản Mông. Đi cùng tôi còn có anh Tráng A Chu – người gây dựng thành công mô hình homestay ở Vân Hồ. A Chu bảo: "Đó là tiếng khèn của A Dếnh đấy. Lâu lắm rồi mới thấy tiếng khèn trong trẻo và cao vút đến thế. Chỉ khi tâm trạng con người cực kì thỏa mái và hưng phấn mới có thể thổi ra điệu khèn vui tai đến vậy".

Quả như lời A Chu nói, A Dếnh đang xoay tròn chiếc khèn Mông điệu nghệ trong gian bếp cạnh nhà. Dưới sàn nhà là vô số các ống lứa ngắn, dài và dụng cụ làm khèn. A Dếnh trong bộ trang phục truyền thống của người Mông, quần thụng, đầu đội mũ nồi, chân đi dép. Anh đi những nhịp chân xoay chuyển có điệu, có vần nom mềm mại như một diễn viên múa. A Dếnh đang chỉnh khèn. Anh say mê với từng nốt nhạc, đôi mắt nhắm hờ như để cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của điệu khèn Mông. Chỉ đến khi chúng tôi bước vào cửa, A Dếnh mới rời tay chỉnh khèn. "Khèn khách đặt lại giục phải giao sớm. Tôi đang cố làm cho xong, nhưng nghe tiếng khèn chưa được "đã" lắm, nên tôi phải chỉnh cho chuẩn. Trị giá mỗi cái khèn hơn cả tấn ngô đấy", A Dếnh mời chúng tôi vào nhà rồi tranh thủ giới thiệu.

Từ bỏ ma túy, trở thành nghệ làm khèn nhân của người Mông - Ảnh 3.

A Dếnh còn là người chơi khèn rất giỏi. Những chiếc khèn anh làm ra đều được bà con người Mông ở cao nguyên Mộc Châu đón nhận.

Trong ngôi nhà gỗ sạch sẽ, A Dếnh treo rất nhiều khèn. Khèn to, khèn nhỏ cứ xếp đầy vách nhà. Cái nào cũng sáng bóng và được A Dếnh nâng niu như báu vật trong nhà. Có được số khèn đó, A Dếnh cũng mất cả chục năm mới làm nổi. Nhìn chiếc khèn với mấy ống to, nhỏ, dài ngắn khác nhau, nhưng khi ghép chúng lại thành một nhạc cụ hoàn hảo lại phụ thuộc hoàn toàn vào người thợ làm khèn. "Bộ phận răm kèn làm bằng lưỡi đồng ghép vào bộ hơi này cũng rất quan trọng. Mình phải  hiểu được các điệu khèn thì mới làm được khèn. Nghĩa là thợ làm khèn cũng phải là một tay chơi khèn cự phách mới có thể tạo ra những âm thanh khiến người ta mê mẩn quên lối về", A Dếnh cho biết.

Từ bỏ ma túy, trở thành nghệ làm khèn nhân của người Mông - Ảnh 4.

Cùng với người Mông ở bản Hua Tạt, anh Tráng A Dếnh đã vượt lên chính mình để làm lại cuộc đời.

Cây khèn gắn bó với bà con người Mông ở nơi rẻo cao là món quà tinh thần không thể thiếu. Người ta thổi khèn khi nhà có việc vui, khi đón bạn và khi tiễn đưa người thân về bên kia thế giới. Tiếng khèn là tiếng lòng của bà con người Mông. A Dếnh sinh ra và lớn lên ở đất Hua Tạt, trong lòng cộng đồng Mông nên A Dếnh hiểu được điều đó. 

Ấm trà chưa kịp ngấm, A Dếnh đã nâng khèn thổi một làn điệu vui đón khách quý đến chơi nhà. Nhìn anh nâng niu chiếc khèn, điều hơi rồi từng nhịp chân đung đưa theo tiếng nhạc thật điệu nghệ. Trên gương mặt người đàn ông, góp phần tạo ra thứ nhạc cụ mà gia đình người Mông nào cũng cần ngời lên niềm hạnh phúc. Kết thúc điệu khèn A Dếnh bảo: "Làm xong một cái khèn, tôi như khỏe ra. Cây khèn đó là tác phẩm nghệ thuật được bà con người Mông nâng niu như vật báu trong nhà vậy".

Quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời

Ở bản Mông có 2 người luôn được bà con trân trọng đó là thầy cúng và người làm khèn và sáo Mông. Một người lo phần kết nối tổ tiên với người sống và một người tạo ra tiếng lòng của người Mông. A Dếnh cũng được coi như "nghệ nhân" của người Mông vậy. Có được những giây phút vui vẻ và đầy hào sảng như ngày hôm nay, cuộc đời A Dếnh trải qua không ít bĩ cực. A Dếnh sinh ra và lớn lên trong dòng họ Tráng có tiếng ở Vân Hồ. Bao đời người Mông gắn bó với nương rẫy như là một định mệnh. Bản thân A Dếnh cũng từng đi khắp núi này đến núi khác cùng gia đình để kiếm đất sản xuất. Khi bản Hua Tạt định cư cũng là lúc bà con đồng loạt gieo cây hoa anh túc trên nương.

Từ bỏ ma túy, trở thành nghệ làm khèn nhân của người Mông - Ảnh 5.

Anh Tráng A Dếnh đã cai được nghiện và giờ anh chuyên tâm vào việc sản xuất khèn Mông và sáo Mông.

Hoa anh túc giống như một thứ cỏ dại, nó có thể sống tốt, sống khỏe ở bất kì mảnh nương nào. Bà con gieo hạt xuống là chúng sinh sôi, nảy nở. Nương anh túc kéo dài từ núi này đến núi khác. Các cụ nhà A Dếnh khi đó cũng trồng thuốc phiện. Ngày còn nhỏ, A Dếnh còn thường theo các chị, các mẹ ra nương thuốc phiện cạo nhựa. Của nhà làm ra, nên các cụ cao niên người Mông thường hút thuốc phiện. Mỗi khi bản có công to, việc lớn gì, bàn đèn được ngả ra. Họ hút thuốc phiện như là một thú tiêu khiển ở nơi rẻo cao. A Dếnh tiếp xúc nhiều với thuốc phiện, lâu dần cũng mắc nghiện.

Từ bỏ ma túy, trở thành nghệ làm khèn nhân của người Mông - Ảnh 6.

Tiếng khèn của A Dếnh đã góp phần mang lại mùa xuân cho bản Hua Tạt.

A Dếnh kể, nghiện thuốc phiện cũng là cái khổ. Cứ đến một giờ nào đó trong ngày, phải tìm đến nó để thỏa mãn cơn nghiện. Khi Nhà nước vận động bà con nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện và cai nghiện thuốc phiện ở các bản Mông. Biết bao cuộc họp bản, họp xóm, họp dòng họ diễn ra. Nhiều luồng ý kiến được đưa ra, nhằm xóa bỏ cây thuốc phiện cũng như làm sao để những người nghiện đi cai nghiện. Suốt mấy thập kỉ, A Dếnh chứng kiến dân tộc mình phải đấu tranh rồi vật lộn tìm ra con đường sáng để đi. Bản thân A Dếnh cũng vậy, khi tỉnh thuốc ai nói gì cũng đều hiểu. Cơn nghiện nổi lên, mọi lời động viên tốt đẹp đều bị bỏ ngoài tai.

Các cụ cao niên của bản Hua Tạt nhìn thấy hậu họa của cây thuốc phiện, nên họ đều tự nguyện đi cai nghiện để cho bản thân mình bớt khổ, cho con cháu noi theo. A Dếnh cũng đi cai nghiện. Anh đã từng giã từ được nàng tiên nâu. Thế rồi, khi những vạt nương hoa thuốc phiện cuối cùng bị xóa bỏ ở Hua Tạt.  Bà con vui mừng vì đã từ bỏ được những mùa hoa quyến rũ, nhưng nó lại làm cho bao gia đình khổ sở. Bản thân A Dếnh vừa bỏ được thuốc phiện lại bập vào "chơi" hồng phiến và ma túy. "Nghĩ lại ngày tháng bị những thứ đó vật cho lên bờ, xuống ruộng, tôi thấy cuộc đời mình thật tăm tối. Không dừng lại ở đó, tôi còn tham gia buôn bán mấy thứ đó, nên đã từng bị xử 7 năm tù. Tôi đã từng nghĩ, mình không còn cơ hội có ngày trở lại bản", A Dếnh buồn rầu nhớ lại những ngày tháng đau thương của cuộc đời.

Từ bỏ ma túy, trở thành nghệ làm khèn nhân của người Mông - Ảnh 7.

Anh Tráng A Dếnh cũng là một tay chơi khèn có tiếng ở Hua Tạt. Những chiếc khèn anh làm ra đều được bà con người Mông đón nhận.

Ra tù, A Dếnh lại một lần nữa phải vượt lên. Vợ con nheo nhóc. Thân hình anh tiều tụy như cái xác không hồn. Đêm trăng bản mèo,  A Dếnh nằm vật trong gian nhà trống hơ, trống hoắc, bỗng có tiếng khèn Mông vang lên. Tiếng khèn ban đêm nghe thật êm ái, nó như nguồn suối mát lành xoa dịu vết thương lòng A Dếnh suốt nhiều năm liền. Anh sực tỉnh, mình từng có tài thổi khèn và học được nghề làm khèn cũng của một người đàn ông nổi tiếng ở Mộc Châu là ông Giàng A Páo. Cánh cửa cuộc đời lại một lần nữa mở ra với A Dếnh. Anh một lần nữa quyết tâm giã từ hồng phiến và ma túy để làm lại cuộc đời.

"Nếu không có tiếng khèn, tôi không có ngày hôm nay", A Dếnh bảo. Quả là nhờ nghề làm khèn mà A Dếnh đã 2 lần cai nghiện thành công. Giờ đây, anh chuyên tâm vào việc làm khèn. Do lượng khách du lịch đến Vân Hồ ngày một đông, nên hàng anh làm ra bán rất chạy. Hơn nữa, người Mông yêu tiếng khèn của anh, bởi trong tiếng khèn đó có sự đắng chát của cuộc đời và cả nghị lực vươn lên của một chàng trai Mông.

Xuân Tuấn