dd/mm/yyyy

Trồng rau sạch trong nhà lưới tiết kiệm nước, hạn chế sâu bệnh

Sản phẩm rau sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, có bao bì nhãn hiệu sẽ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hơn nữa, đây còn là mô hình lợi thế cao, tiết kiệm nước, hạn chế sâu bệnh.

Cùng với sự phát triển chung của toàn xã hội, nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm an toàn ngày càng trở nên cấp thiết với người tiêu dùng. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ cao trong nông nghiệp như nhà lưới, hệ thống tưới phun vào việc sản xuất rau an toàn tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng là hướng đi đúng đắn.

Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, năng suất và giảm chi phí nhân công.
Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, năng suất và giảm chi phí nhân công.

Đặc biệt, mô hình này mang đến nhiều ưu điểm so với việc trồng rau truyền thống, như: Giảm côn trùng gây hại, giảm tác động ảnh hưởng bởi thời tiết, chủ động hơn trong mùa vụ, tăng năng suất, chất lượng nông sản, lợi nhuận cao hơn, tạo ra sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Còn (59 tuổi, ngụ khóm 5, Phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: Trước đây gia đình trồng nhiều rau màu như: Cải xanh, cải xà lách, cải ngọt, cải khìa... theo cách trồng truyền thống, nhưng không đạt hiệu quả, có nhiều năm còn bị thua lỗ do thời tiết diễn biến thất thường. Nhưng từ khi được chính quyền chuyển giao công nghệ trồng rau sạch mô hình nhà lưới thì việc canh tác thuận lợi hơn, kinh tế gia đình tôi cũng khá hơn so với trước đây.

Công nghệ tưới tiết kiệm nước cho mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước mà còn giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công. Đặc biệt là cho ra thị trường sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, quy trình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới còn cải thiện được sức khỏe của chính nông dân và hạn chế sự ô nhiễm môi trường do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

Theo ông Còn, thời gian đầu ông xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới với diện tích 300m2, với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, Phòng kinh tế thị xã Ngã Năm hỗ trợ đầu tư 40 triệu đồng, còn lại khoảng 60 triệu gia đình ông tự ra. Từ mô hình này, ông trồng cải xà lách, ngay lập tức đã mang lại hiệu quả, chỉ sau 30 ngày ông đã thu hoạch về đợt rau đầu tiên. Với khoảng 300m2 trồng, trừ các khoản chi phí ông lãi khoảng 6 triệu đồng/tháng.

“Nếu không có gì thay đổi tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thêm 700m2 để xây dựng nhà lưới, và trồng thêm một số loại cải khác như: Cải xanh, cải khìa, cải ngọt như trước đây”, ông Còn cho hay.

Cũng theo ông Còn, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, thích ứng với tình trạng thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn.

Theo Thạc sĩ Trần Ngọc Hiếu, cán bộ Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm cho biết, dự án từ mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới thành công sẽ là mô hình để bà con nông dân tham quan, học tập và là cơ sở khoa học để tiến hành triển khai rộng rãi ra các địa phương khác trong thị xã Ngã Năm cũng như tỉnh Sóc Trăng.

Mô hình này giúp bà con nông dân sản xuất rau đạt chất lượng an toàn với lợi ích kinh tế cao; nâng cao ý thức của nông dân trong việc sử dụng tiết kiệm nước trong sản xuất trước nguy cơ khô hạn, xâm nhập mặn.

Ngọc Quyên