dd/mm/yyyy

Trồng chuối xuất khẩu ở xã vùng cao Lào Cai

Nậm Chảy là xã vùng biên giới của huyện Mường Khương (Lào Cai), có nhiều diện tích trồng chuối; góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Trồng chuối xuất khẩu ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 1.

Xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hiện có hơn 100 ha chuối. Ảnh: Mùa Xuân.

Cây chuối thành cây mũi nhọn

Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đưa những cây con có giá trị kinh tế cao vào trồng thay thế các cây trồng cho năng suất, sản lượng thấp, trong đó, có cây chuối.

Cây chuối ở Nậm Chảy hiện có diện tích khoảng hơn 100 ha, được trồng tập trung ở 9/11 thôn của xã. Trong đó tập trung chủ yếu ở các thôn Nậm Chảy, Gia Khâu A, Sấn Pản, Lùng Phìn A... 

Năng suất ước đạt khoảng 30 tấn/ha, sản lượng ước đạt 3.000 tấn, giá bán chuối bình quân hiện nay đang dao động từ 4.000đ – 5.000đ/kg. Thời điểm này, nhiều hộ nông dân đang nhộn nhịp bước vào vụ thu hoạch chuối. 

Trồng chuối xuất khẩu ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 2.

Nông dân xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai) bọc những chùm chuối chất lượng tốt này bằng các túi bao trùm màu xanh. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Lù Thị Lan, thôn Lùng Phình A, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 2 ha chuối, năm nay thời tiết thuận lợi nên được mùa, quả to đều, đẹp, trừ chi phí đầu tư mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng, đủ để lo cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học.

Theo chị Lan, do chất đất phù hợp nên cây chuối của gia đình chị phát triển tốt, cây chuối có giá trị kinh tế cao hơn so với cây ngô, cây sắn… Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch quả, chị còn tận dụng thân cây được lấy để làm thức ăn cho chăn nuôi trâu bò, lợn, còn lá khô để bán cho các thương lái.

Trồng chuối xuất khẩu ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 3.

Sản phẩm chuối của người dân xã Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng theo chia sẻ của những người dân trồng chuối lâu năm ở xã Nậm Chảy, cây chuối từ khi bắt đầu trồng cho đến khoảng 1 năm thì sẽ bắt đầu cho thu hoạch quả. Thế nhưng để cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt người nông dân cần có kỹ thuật chăm sóc hiệu quả.

Đặc biệt là thời kỳ cây chuối chuẩn bị ra hoa cần phải làm cỏ thường xuyên, nếu là cây chuối trồng năm đầu thì sẽ chăm sóc khó khăn hơn. Từ năm thứ 2, cây chuối lớn lên cho quả thì cần bón phân đúng thời điểm và khi ra hoa đậu quả phải chú ý bọc túi vào buồng chuối để không bị sâu, bọ chích gây hỏng quả.

Trồng chuối xuất khẩu ở xã vùng cao Lào Cai - Ảnh 4.

Nhờ trồng cây chuối mà đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Tìm tòi những giống chuối hiệu quả để xoá nghèo, làm giàu

Ông Ma Chiến Phúc Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương cho biết: Cây chuối đã được bà con đưa vào xã trồng được hơn 20 năm nay rồi. Nhờ cây chuối đã giúp bà con có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng lên.

Để cây chuối phát triển bền vững, góp phần tạo nguồn thu nhập cho người dân, người trồng chuối Nậm Chảy luôn mong muốn có đầu ra ổn định.

Đặc biệt là hiện cây chuối này đang bị bệnh vàng lá Panama trên diện rộng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến diện tích cây chuối của xã Nậm Chảy bị giảm mạnh, khiến người trồng chuối không còn mặn mà, chuyển sang trồng cây khác.

Do vậy, về giải pháp lâu dài người dân rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai trong việc hỗ trợ lựa chọn các loại giống chuối mới có khả năng chịu bệnh vàng lá Panama tốt để người dân yên tâm gắn bó với loại cây trồng này.

Xã Nậm Chảy hiện có 11 thôn, 618 hộ, với hơn 3.300 nhân khẩu, gồm dân tộc Mông, Dao, Nùng, Pa Dí, Bố Y, Mường... cùng sinh sống. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây chuối đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn hơn 55,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,4 triệu đồng/người/tháng.
Mùa Xuân