dd/mm/yyyy

Trồng cam Canh, trái treo trĩu cành, lãi 600 triệu đồng/năm

Bà Nguyễn Thị Hoa sinh năm 1969 ở bản Pa Cốp (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) trồng 800 gốc cam Canh trên 2ha đất dốc, sau khi trừ chi phí bà lãi 600 triệu đồng mỗi năm.

Thời gian vừa qua, một số hộ dân sinh sống ở bản Pa Cốp, xã Vân Hồ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nương vườn bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa là hộ nông dân tiêu biểu, tiên phong trồng cam Canh trên 2ha diện tích nương rẫy, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, bà Hoa cho biết: “Tôi trồng cam Canh trên đất dốc từ cuối năm 2014. Tôi mua cây giống cao 1,5m từ các nhà vườn lớn ở Hưng Yên về trồng để rút ngắn thời gian chăm sóc so với trồng cây giống con. Để vườn cam phát triển tốt, tôi đầu tư xây dựng hệ thống ống dẫn nước khắp nương, thuận lợi cho việc tưới tiêu và tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển xanh tốt. Sau 2 năm trồng thì vườn cam của gia đình tôi bắt đầu cho quả bói”.

Bà Hoa vui mừng vì vườn cam Canh cho năng suất cao.
Bà Hoa vui mừng vì vườn cam Canh cho năng suất cao.

Về quy trình trồng và chăm sóc vườn cam Canh, bà Hoa đào hố rộng 30cm, sâu 30cm, hàng cách hàng 3m và bón phân chuồng, phủ một lớp đất mỏng rồi đưa cây giống xuống trồng. Bà Hoa hầu như không dùng thuốc trừ sâu hóa học hay chất bảo quản hóa học, chất kích thích trong trồng cam Canh. Bà dùng phân hữu cơ kết hợp với phân chuồng ủ mục, ủ đậu tương cùng với ngô khoảng 7 tháng trong bể phốt, sau đó lấy nước bón cho vườn cam Canh. Nhờ vậy, 2 ha vườn cam Canh của gia đình bà luôn sinh trưởng, phát triển tốt và cho quả đều hàng năm.

Theo kinh nghiệm của bà Hoa: “Sau một vụ thu hoạch quả, tôi phải cắt tỉa các cành khô, còi cọc, để lại những cành khỏe mạnh để năm tiếp theo cây cho quả tiếp và tiếp tục bón phân thúc phân NPK, phân hữu cơ cho vườn cam Canh. Cách làm này sẽ tạo điều kiện cho cây cam Canh bù đắp đầy đủ chất dinh dưỡng sau một thời gian nuôi quả. Ngoài ra vào thời điểm cây cam Canh ra hoa kết trái, tôi ngâm tỏi ớt, giềng, xả cùng với nước khoảng 1 tuần, sau đó phun vào cây để chống sâu bệnh. Phương pháp này, tôi học hỏi từ người quen ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) nên rất hiệu quả, vườn cam Canh luôn xanh tốt và cho quả ngọt, ít bị nám”.

"Từ khi gia đình tôi trồng cam Canh, kinh tế của gia đình luôn tăng cao và cho thu nhập gấp 8 lần so với trồng ngô, sắn trước đây, đời sống kinh tế đã khấm khá lên hẳn, con cái đều trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định”, bà Hoa cho hay.

“Hiện tại, trong vườn nhà tôi có 800 gốc cam Canh, mỗi năm cho thu khoảng 25 – 27 tấn quả. Bình quân 1kg cam Canh, tôi bán tại vườn với giá 20.000 đồng. Cứ đến vụ thu hoạch cam, có rất nhiều tiểu thương và khách hàng ở Hà Nội, Hòa Bình gọi điện đặt hàng trước nhưng tôi chưa dám nhận lời ai cả, vì tôi sợ không có sản phẩm cung cấp đủ cho họ. Tôi ước tính năm nay vườn cam sẽ cho thu khoảng 30 tấn quat và cho lãi khoảng 600 triệu đồng” – bà Hoa tự tin cho biết.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Hoa còn tạo công ăn việc làm cho 5 người công nhân, mỗi tháng là 5 triệu đồng/người. Ngoài ra, bà còn mở xưởng sấy ngô và thu mua các mặt hàng nông sản tại địa phương để nâng cao thu nhập hơn nữa cho gia đình.

Hà Hoàng