dd/mm/yyyy

Trận tuyến thầm lặng của người chiến sỹ mang sắc phục màu cỏ úa

Đến phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Sơn La, cảm nhận được cường độ làm việc cao, nghiêm túc của đơn vị bảo vệ an ninh kinh tế nơi “hòn ngọc miền Tây Bắc”.

 Hoạt động thầm lặng, ngăn chặn các loại tội phạm kinh tế

Với lực lượng an ninh kinh tế, những chiến công, những thành tích không thể nói thành lời, bởi họ luôn là lực lượng hoạt động thầm lặng, không bao giờ ngơi nghỉ. Đặc biệt với tỉnh Sơn La - điểm sáng về phát triển kinh tế vùng Tây Bắc thì vai trò của lực lượng an ninh kinh tế ngày càng được thể hiện rõ nét. Cán bộ, chiên sĩ nơi đây luôn chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, chống âm mưu và hành động phá hoại kinh tế của các thế lực thù địch và các loại tội phạm kinh tế gây ra. Bảo vệ và thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo quy định.

Trò chuyện với lãnh đạo phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Sơn La, nghe các anh kể về công việc thầm lặng của các trinh sát đang ngày đêm đảm bảo an ninh kinh tế miền sơn cước, tôi thật sự khâm phục những người chiến sỹ mang trên mình sắc phục màu cỏ úa đã luôn cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, thậm chí phải đánh đổi những hạnh phúc cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trận tuyến thầm lặng của người chiến sỹ mang sắc phục màu cỏ úa - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh kinh tế Công an tỉnh Sơn La luôn chủ động đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm kinh tế. Ảnh: Hà Hoàng.

Những năm gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm về kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Mức độ, phạm vi vô cùng nghiêm trọng, liên quan đến nhiều địa phương, các cấp, ngành và nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm, một số cơ quan hành chính sự nghiệp; tỉnh Sơn La không nằm ngoài "vòng quay" đó.

Trước tình hình đó, quán triệt quan điểm "an ninh chủ động", thực hiện nghiêm túc, bám sát chỉ đạo của các Cục nghiệp vụ, Nghị quyết, chương trình công tác của Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh, phòng an ninh kinh tế Công an Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh các chủ trương; giải pháp nắm tình hình an ninh kinh tế tại các dự án kinh tế lớn, trọng điểm của tỉnh. Từ đó, kịp thời phát hiện những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, không để xảy ra "điểm nóng", phức tạp.

 Năm 2021, thực hiện đề án số 3 của Đảng ủy Công an tỉnh về "Công tác Công an góp phần thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Sơn La", Phòng đã chỉ đạo nắm tình hình và tham mưu với Ban giám đốc Công an tỉnh tham gia trên 3.000 ý kiến bằng văn bản với Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các ngành trên các lĩnh vực như: Thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài chính ngân sách…

Trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh tế, tính từ năm 2021 đến nay Phòng đã phát hiện, báo cáo và đề xuất Ban giám đốc Công an tỉnh 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh tế. Chuyển cơ quan điều tra làm rõ, có thể kể đến vụ án đấu tranh với đối tượng Nguyễn Thị Thảo, một thương nhân kinh doanh có hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để cầm cố vay tiền với số lượng lớn.

Trận tuyến thầm lặng của người chiến sỹ mang sắc phục màu cỏ úa - Ảnh 3.

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Thị Thảo. Ảnh: Hà Hoàng.

Theo đó, ngày 18/2/2021 qua quá trình triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh tài nguyên trên địa bàn tỉnh, phòng an ninh kinh tế nhận được thông tin đối tượng Nguyễn Thị Thảo (SN 1965, trú tại tổ 11 phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) là một thương nhân kinh doanh có hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để cầm cố vay tiền với số lượng lớn.

Xác định hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức là hành vi đặc biệt nguy hiểm, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan Nhà nước. Sau khi trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự, xác định giấy tờ đối tượng cầm cố là giấy tờ giả, ngay lập tức phòng an ninh kinh tế đã báo cáo, đề xuất Ban giám đốc chỉ đạo xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các lực lượng chức năng xác minh làm rõ hành vi của đối tượng này.

Chia sẻ về quá trình xác minh đối tượng, một trinh sát dày dặn kinh nghiệm trong vụ án này cho biết: Quá trình xác minh mặc dù đối tượng lẩn trốn, thân nhân đối tượng không phối hợp, ngay cả những người bị đối tượng lừa đảo thời gian đầu cũng không hợp tác do lo sợ đối tượng bị truy tố sẽ không đòi lại được số tiền vay. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban giám đốc, quyết tâm của lãnh đạo và tập thể CBCS được phân công, hành vi của đối tượng Thảo cũng dần bị vạch trần. Qua đó, xác định đối tượng Nguyễn Thị Thảo có hành vi sử dụng 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp, vay tiền của nhiều người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 3,31 tỷ đồng.

Sau một thời gian dài xác minh, làm rõ, đến ngày 8/10/2021 cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định truy nã đối tượng Thảo về hành vi "sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Ngày 12/10, đối tượng Thảo bị các lực lượng chức năng bắt giữ khi đang làm thủ tục nhập cảnh từ Lào về Việt Nam.

Gần đây nhất vào ngày 29/3/2022, phòng an ninh kinh tế phát hiện, xác minh, làm rõ Nguyễn Việt Cường (SN 1990, trú tại tổ 10, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La) có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Lò Văn Quang thường (trú tại xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu), phòng ANKT đã báo cáo, đề xuất Ban giám đốc Công an tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an huyện Thuận châu tiến hành điều tra theo thẩm quyền.

Vững chắc về nghiệp vụ, quyết liệt trong đấu tranh với các tội phạm kinh tế

Đánh giá về thủ đoạn của tội phạm kinh tế, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Phó phòng an ninh kinh tế, Công an tỉnh Sơn La cho hay: "Tội phạm trên lĩnh vực kinh tế nói chung, thường  không manh động, liều lĩnh, nguy hiểm như tội phạm hình sự hay tội phạm ma túy. Song tội phạm kinh tế, đặc biệt là trên lĩnh vực an ninh kinh tế thường là người có nhân thân đặc biệt, có trình độ học vấn, am hiểu về pháp luật, có quan hệ xã hội rộng và có cả khả năng về kinh tế. Vì vậy, khi đấu tranh với loại tội phạm này đòi hỏi cán bộ, trinh sát lực lượng ANKT phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật, có tinh thần chủ động, quyết liệt trong đấu tranh, làm rõ các dấu hiệu vi phạm của các đối tượng".

Trận tuyến thầm lặng của người chiến sỹ mang sắc phục màu cỏ úa - Ảnh 5.

Các cấp lãnh đạo luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho CBCS phòng an ninh kinh tế Công an tỉnh Sơn La trong tình hình mới. Ảnh: Hà Hoàng.

Trước đó, vào khoảng tháng 2/2021 phòng an ninh kinh tế tỉnh Sơn La đã phát hiện, xác minh, làm rõ việc Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Hợp lực Thanh Hóa; Công ty TNHH TMDV Tây Bắc Xanh không triển khai thực hiện Dự án theo phương án đã lập, gây lãng phí về tài nguyên đất, không nộp thuế đất dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh trong nhiều năm đối với gần 10 ha đất tại bản Nà Ngùa (xã Chiềng Ngần, TP. Sơn La). Trước vấn đề trên, đơn vị đã tham mưu Ban giám đốc Công an tỉnh có văn bản kiến nghị với Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra việc việc quản lý, sử dụng đất, tiến độ triển khai dự án của Công ty Hợp Lực và Công ty Tây bắc Xanh.

Về công tác nắm tình hình, đảm bảo ANTT, an ninh công nhân, lãnh đạo phòng an ninh kinh tế tỉnh Sơn La chia sẻ: Hiện nay trên địa bàn tỉnh, lực lượng an ninh kinh tế Công an tỉnh được giao quản lý 2 khu công nghiệp và 8 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, khu công nghiệp Mai Sơn được xây dựng tại 2 xã Mường Bon và Mường Bằng, huyện Mai Sơn, tổng diện tích xây dựng 150 ha; tổng mức đầu tư là 296,9 tỷ đồng đã đi vào hoạt động sản xuất. Đến nay, khu công nghiệp Mai Sơn đã có 8 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 

Trong tổng số 8 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đã có 5 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 251 lao động tại địa phương. Tổng giá trị sản xuất kinh doanh ước tính trong năm 2021 của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp đạt trên 400 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 11 triệu USD, nộp ngân sách đạt gần 3 tỷ đồng. Với khu công nghiệp Vân Hồ với quy mô 216,64 ha, đặt tại xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Hiện dự án đang ở bước lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Vân Hồ.

Để đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu công nghiệp, phòng an ninh kinh Công an tỉnh Sơn La luôn bám sát sự chỉ đạo của Cục An ninh kinh tế - Bộ công an, của Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh. Chủ động tham mưu, đề xuất với Ban giám đốc Giám đốc Công an tỉnh các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để xảy ra các hoạt động ngừng việc tập thể; đình công trái pháp luật của công nhân tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, không để phát sinh những vấn  đề phức tạp, hình thành "điểm nóng" về an ninh.

Trong thời gian qua, phát huy truyền thống đơn vị qua các thế hệ, phòng an ninh kinh tế Công an tỉnh Sơn La đã không ngừng đổi mới về tổ chức, phương thức lãnh đạo và các biện pháp công tác theo hướng chuyên sâu vào các chuyên đề. Ghi nhận những thành tích và chiến công của CBCS phòng an ninh kinh tế tỉnh, trong 5 năm qua đơn vị đã có 1 lượt được Bộ Công an tặng Cờ thi đua; 17 lượt tập thể, cá nhân được Bộ Công an tặng bằng khen và 98 lượt được Giám đốc Công an tỉnh Sơn La tặng giấy khen trong các đợt thi đua.

Hà Hoàng