dd/mm/yyyy

Thương vụ Việt Nam tại Philippines: 4 lợi thế của gạo Việt tại thị trường Philippines

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, nhận định: "Trong bối cảnh gạo Việt Nam có nhiều cơ hội để chiếm lĩnh các thị trường trên thế giới, Philippines được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á".

Việt Nam vượt Thái Lan giữ vị trí số 1 về cung cấp gạo cho Philippines

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, kể từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo quan trọng và luôn giữ vị thế số 1 về xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines. 

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022, chiếm gần 87% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. 

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, nhận định: "Trong bối cảnh gạo Việt Nam có nhiều cơ hội để chiếm lĩnh các thị trường trên thế giới, Philippines được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á".

Gạo Việt Nam hiện đang có 4 lợi thế lớn tại thị trường Philippines, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp gạo của Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines.

Điển hình, tại Hội nghị thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế, do Hiệp hội các doanh nghiệp thương mại gạo tổ chức từ ngày 27/11 đến 1/12/2023 tại đảo Cebu, Philippines, đoàn các doanh nghiệp gạo của Việt Nam đã tham gia, trong đó có ba doanh nghiệp, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Thái Bình gửi mẫu gạo tham gia và đã đạt giải thưởng gạo ngon nhất.

Thứ hai, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh.

Thứ ba, nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Khoảng cách địa lý gần nên chi phí thấp và thuận tiện trong chuyên chở.

Thứ tư, Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP),... trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.

Thương vụ Việt Nam tại Philippines: 4 lợi thế của gạo Việt tại thị trường Philippines- Ảnh 1.

Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines trong 2 tháng năm 2024, chiếm 46,5% trong tổng lượng và chiếm 45,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Cơ hội cho gạo Việt Nam ở thị trường này đang vô cùng lớn. Philippines có sản xuất lúa gạo, tuy nhiên trong nhiều năm qua sản xuất lúa gạo trong nước của Philippines luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Tùy thuộc vào điều kiện canh tác và thời tiết, sản xuất nội địa trong những năm gần đây của Philippines đạt khoảng từ 19 đến 20 triệu tấn thóc, tương đương khoảng trên 12 triệu đến 13 triệu tấn gạo.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Gạo và của Bộ Nông nghiệp Philippines, sản xuất lúa nội địa của Philippines năm 2022 đạt khoảng 19,75 triệu tấn, tương đương với khoảng 12,74 triệu tấn gạo. Năm 2023, Philippines lần đầu sản xuất lúa nội địa cán mốc trên 20 triệu tấn (cụ thể là 20,06 triệu tấn).

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước của Philippines hàng năm từ khoảng 14,5 triệu đến 15 triệu tấn. Nhu cầu dự trữ tối thiểu đảm bảo đủ lương thực cho 30 ngày để đảm bảo an ninh lương thực trong nước của Philippines khoảng trên 1,2 triệu tấn. Vì vậy, tổng nhu cầu gạo hàng năm của Philippines khoảng trên 15,5 đến 17 triệu tấn.

Sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên hàng năm Philippines phải nhập khẩu từ khoảng trên 3 triệu đến 4 triệu tấn gạo. Trong đó, nhập khẩu gạo từ Việt Nam chiếm khoảng 85%; từ Thái Lan khoảng 10%; phần còn lại được nhập khẩu từ Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Đặc biệt, kể từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi Luật số 11203 cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu gạo thì Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.

Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines lần đầu tiên đạt trên 2,1 triệu tấn; năm 2020 đạt trên 2,2 triệu tấn; năm 2021 đạt trên 2,45 triệu tấn. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022.

Cơ hội cho gạo Việt gia tăng xuất khẩu, có được giá tốt 

Năm 2024 nguồn cung gạo trên thị trường thương mại toàn cầu dự báo vẫn giảm, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng tăng… tạo cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu…cũng như có được giá xuất khẩu tốt

Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024, Philippines có thể nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, thay vì con số dự báo trước đó là 3,9 triệu tấn.

Với dự báo mới này, mức nhập khẩu của Philippines trong năm nay cao hơn đến 600.000 tấn gạo so với lượng gạo nhập khẩu năm 2023 là 3,5 triệu tấn. Nếu Philippines nhập khẩu gạo đúng như dự báo thì đây sẽ là con số kỷ lục của nước này (Năm 2022 nhập khẩu gạo nước này khoảng 3,826 triệu tấn).

Lý giải nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng, USDA cho hay, nước này tăng nhập vì tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo nội địa.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 9,9% về lượng và tăng 3,1% kim ngạch so với tháng 1/2024 nhưng giá giảm 6,2%, đạt 562.943 tấn, tương đương 373,37 triệu USD, giá trung bình 663,3 USD/tấn. 

Tính chung cả 2 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 20,4% về lượng, tăng 55,7% về kim ngạch và tăng 29,4% về giá so với 2 tháng năm 2023, đạt gần 1,08 triệu tấn, tương đương trên 735,58 triệu USD, giá trung bình 684,2 USD/tấn. Đây là dấu hiệu rất tích cực trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo toàn cầu đang bị thắt chặt.

Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines trong 2 tháng năm 2024, chiếm 46,5% trong tổng lượng và chiếm 45,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 500.195 tấn, tương đương 337,05 triệu USD, giá 673,8 USD/tấn, tăng 24,4% về lượng, tăng 64,7% về kim ngạch và tăng 32,3% về giá so với 2 tháng năm 2023; riêng tháng 2/2024 xuất khẩu đạt 219.251 tấn, tương đương 142,76 triệu USD, giá 651 USD/tấn, giảm 22% về lượng, giảm 26,5% kim ngạch và giảm 5,8% về giá so với tháng 1/2024.

Được biết, ngoài Philippines, gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia,…

Thương vụ Việt Nam tại Philippines: 4 lợi thế của gạo Việt tại thị trường Philippines- Ảnh 2.

Giá lúa gạo hôm nay (ngày 20/3) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ với một số loại lúa và gạo.

Diễn biến mới nhất, giá lúa gạo hôm nay (ngày 20/3) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ với một số loại lúa và gạo.

Trên thị trường lúa, bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng ở mức 7.800 - 8.200 đồng/kg. Ghi nhận tại các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay, giá lúa có xu hướng giảm tại một số khu vực. Thời điểm này, nhiều địa phương đã qua rộ vụ, lượng lúa về ít dần.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa IR 50404 tăng 100 đồng/kg, lên 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 380 duy trì ở mốc 7.700 đồng/kg; Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.100 đồng/kg. Riêng giá lúa Đài thơm 8 giảm 50 đồng/kg xuống còn 8.000 - 8.150 đồng/kg.

Trên thị trường gạo, giá hôm nay biến động nhẹ so với hôm qua. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 hôm nay giảm 50 đồng/kg, xuống còn 10.800 - 10.850 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giảm 150 đồng/kg, xuống còn 13.350 - 13.450 đồng/kg. Giá tấm IR 504 ở mức 10.600 - 10.700 đồng/kg; cám khô duy trì quanh mức 5.200 - 5.300 đồng/kg. 

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay (20/3) duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 597 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 568 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 481 USD/tấn.

Nguyễn Phương