dd/mm/yyyy

"Thủ phạm" nào gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn?

Hà Nội hiện có tới 7 triệu phương tiện giao thông, trong đó riêng xe máy là 5 triệu chiếc. Ngoài ra còn có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác đến lưu thông trên địa bàn. Số lượng phương tiện quá lớn đã gây sức ép lên hạ tầng đô thị và là "thủ phạm" chính gây ô nhiễm không khí.

o nhiem moi trương tu giao thong

Nghiên cứu cho thấy các khí gây ô nhiễm chính từ việc phát thải của các phương tiện giao thông bao gồm khí cacbon, nito… Các loại khí này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người.

Anh Đào Phi Cường, Việt kiều Pháp cho biết: Hầu như ngày nào tôi cũng thấy thông báo Hà Nội hôm nay không khí không tốt. Gần như 365 ngày trong năm, chỉ có vài ngày "bình yên".

Trong khi đó Paris (Pháp) cũng là nơi có dân số đông, ngày nào họ cũng có thông báo các chỉ số ô nhiễm môi trường mà một trong những nguyên nhân chính là từ giao thông vận tải, một số nhà máy đóng đô trong trung tâm, trong đó chủ yếu là do lượng lớn ô tô, xe máy…

Ông Yann Maublanc, chuyên gia về giao thông cho biết, sự khác nhau giữa 2 thành phố Hà Nội và Paris là người dân Paris sử dụng nhiều phương tiện công cộng và chúng tôi có quy chuẩn chặt chẽ cho các phương tiện tham gia giao thông. Qua đó có thể giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.

Theo ông Yann Maublanc, Việt Nam có nhiều phương án để hạn chế phương tiện tham gia giao thông, nhưng sẽ triển khai trong trung và dài hạn. Thế nhưng một phương thức có thể giảm ô nhiễm môi trường ngay, đó là sử dụng xe điện, xe đạp, xe trợ lực điện…

PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách ưu tiên cho việc phát triển, sản xuất các linh kiện, phương tiện xe điện. Đây là những phương tiện có nhiều tiềm năng trong quá trình chúng ta chuyển đổi từ phương tiện cơ giới sử dụng động cơ đốt trong sang sử dụng động cơ điện.

Trong khi chờ đợi giải pháp từ các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy phát triển giao thông công cộng và có một chính sách riêng cho xe điện tại Việt Nam, thì gần đây một nhóm các bạn trẻ đã sử dụng xe đạp, xe đạp trợ lực điện làm phương tiện di chuyển hàng ngày.

Ca sĩ Nguyễn Việt Lâm (Hà Nội) cho biết: Ban đầu tôi không quá quan tâm tới việc đi xe đạp để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của tôi khi đi xe đạp là rèn luyện sức khoẻ, cảm giác thoải mái khi đạp xe đi làm. Tuy nhiên sau đó, tôi nhận thấy hành động của mình có ý nghĩa hơn khi góp phần lan toả điều tốt đẹp này đến những người xung quanh.

"Nếu một mình tôi đi xe đạp thì không đủ làm nên điều gì, song nếu những người xung quanh, bạn bè của tôi, rồi bạn bè của bạn bè cùng đi xe đạp thì chắc chắn sẽ góp phần giảm phát thải ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hiện nay" – anh Lâm nói.

Theo anh Cường, điều quan trọng là làm thế nào để tạo ra thói quen người Hà Nội sử dụng xe đạp trong công việc, đi lại hàng ngày dù đi chặng ngắn hay chặng dài. Nếu có những loại xe đạp giúp người dân di chuyển dễ dàng từ 5-10km thì chắc chắn sẽ rất tốt.

Để giúp người dân tham gia giao thông bằng xe đạp dễ dàng hơn, một nhóm các bạn trẻ đã nghiên cứu, phát triển dòng xe đạp trợ lực điện "Made in Vietnam". Theo đó, những chiếc xe đạp bình thường sau khi lắp thêm bộ trợ lực là pin Lithium có thể tái chế, đã biến thành xe đạp điện.

Những chiếc xe đạp này giúp người sử dụng di chuyển dễ dàng, với quãng đường có thể lên tới 60km cho 1 lần sạc pin.  

Nhóm P.V