dd/mm/yyyy

Rợn người khi thăm trang trại nuôi hàng vạn con côn trùng ở Hà Nội

Sở hữu trang trại nuôi hàng vạn con côn trùng là anh Lâm Ngọc Kiên (Thường Tín, Hà Nội). Từng bị gọi là “khùng” bởi ý tưởng kinh doanh không giống ai, đến nay nhiều người đã phải thán phục khi doanh thu lên tới cả tỷ đồng mỗi năm.

Anh Lâm Ngọc Kiên đang sở hữu trang trại nuôi hàng vạn con côn trùng ở Hà Nội

Liều vay tiền thuê nhà lầu nuôi… dế

Lâm Ngọc Kiên sinh năm 1988 (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) được mệnh danh là “vua côn trùng” miền Bắc nhờ sở hữu trang trại rộng lớn với gần chục giống côn trùng các loại từ: cà cuống, bọ cạp, dế, tắc kè, rắn mối đến rết, cào cào… Trung bình mỗi tháng cơ sở anh Kiên xuất ra thị trường khoảng 4 tấn côn trùng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.

 Hàng ngày sau mỗi giờ học, mình lại đạp xe lóc cóc đến các quán nhậu ở Hà Nội chào mời mua hàng. Ban đầu nhiều người từ chối, bảo mình “khùng”. Sau đó, mình phải vào bếp nấu thử, một số người ăn khen ngon miệng mới bắt đầu đặt hàng. Cứ thế, dần dần mình trở thành đầu mối “ruột” cung cấp.
Lâm Ngọc Kiên

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Thanh Hóa, cuộc sống khó khăn nên ngay từ những năm đầu sinh viên, Kiên đã phải bươn trải đủ nghề để kiếm sống. Ý tưởng kinh doanh côn trùng của Kiên đến rất tình cờ. Năm 2010, trong một lần đi ăn với bạn bè, chàng trai 8X bất ngờ khi được nhân viên nhà hàng bê ra món châu châu xào và quảng cáo là đặc sản “có một không hai”.

Kiên sững người bởi đây vốn là loại côn trùng quen thuộc có mặt ở hầu khắp các làng quê Việt, thế mà nay lại trở thành đặc sản với giá cao ngất ngưởng thì kể cũng lạ. Càng lạ hơn khi thịt châu chấu được chế biến đúng điệu nên có hương vị rất đặc trưng, béo ngậy, ngọt đặm và giòn tan đầu lưỡi.

Kiên kể: “Ngay lúc đó em đã tự hỏi, tại sao mình không thử nuôi các loại côn trùng cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn”. Nghĩ là làm, ngay hôm sau chàng trai 8X dành thời gian lên mạng tìm hiểu thông tin. Anh cũng liên hệ đặt mua một hộp trứng dế về nuôi thử nghiệm.


Dế được anh Kiên nuôi bán thương phẩm và làm thức ăn cho bọ cạp, rắn mối

Trong căn phòng trọ rộng khoảng 12m2, Kiên đóng các thùng xốp, hộp gỗ để nuôi côn trùng. Hàng ngày cứ đều đặn, sáng đi học, buổi trưa về Kiên lại dành thời gian cho dế ăn và tìm hiểu thêm các kỹ thuật chăn nuôi loại côn trùng này. Lứa thương phẩm dế đầu tiên, Kiên bán cho các chủ cơ sở nuôi chim cảnh.

Nhận thấy thị trường khá tiềm năng, Kiên đánh liều vay mượn tiền của bạn bè thuê căn nhà 3 tầng rộng khoảng 60m2 làm “trang trại” nuôi côn trùng. Không chỉ nuôi dế, Kiên còn nhân giống và nuôi thành phẩm thêm các loại tắc kè.

Trang trại khủng thu nhập tiền tỷ

Không chỉ tìm đầu ra ở thị trường Hà Nội, Kiên còn lên mạng liên hệ với các đầu mối, quán ăn ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Thời điểm đó, dù đang là sinh viên năm 2 đại học nhưng Kiên đã có thu nhập lên tới 10 triệu đồng/ tháng nhờ mô hình nuôi côn trùng độc đáo này.


Bọ cạp vừa được chế biến làm món ăn lại vừa có giá trị trong Đông Y nên rất được ưa chuộng

Không dừng lại ở đó, đến năm thứ 4 Đại học, Lâm Ngọc Kiên quyết định vay lãi 300 triệu đánh liều mở trang trại rộng khoảng 2.000m2 ở Thường Tín, Hà Nội. Ý tưởng kinh doanh này của Kiên được cho là liễu lĩnh, táo bạo thời điểm bấy giờ.

 Với giá bán dao động khoảng 400 nghìn đồng/kg rắn mối; 250 nghìn/kg bọ cạp, 400 nghìn/ kg tắc kè… trừ chi phí chăm sóc, chăn nuôi, mỗi tháng cơ sở anh Kiên cũng cho doanh thu lên tới cả trăm triệu đồng. Không chỉ cung ứng ra các tỉnh thành trong cả nước, chủ trang trại này còn xuất khẩu côn trùng sang Thái Lan và thị trường Nhật Bản.

Quy mô trang trại được Kiên mở rộng và nuôi chuyên nghiệp hơn với khoảng 20.000 con côn trùng các loại. Trong đó, dế vừa được anh nuôi làm thương phẩm bán ra thị trường, vừa là nguồn thức ăn cho các loại: bọ cạp, rắn mối, tắc kè, cà cuống…

Kiên cho biết, những loại côn trùng này đều quen sống ở môi trường tự nhiên nên việc làm chuồng trại khá đơn giản và không tốn quá nhiều công sức, tuy nhiên việc chăm sóc phải đảm bảo đúng kỹ thuật.

“Thức ăn cho dế phải hoàn toàn là rau sạch nếu không rất dễ bị dịch bệnh. Rắn mối thì ưa khí hậu nóng ẩm, nếu trời lạnh phải chú ý đến nhiệt độ chuồng trại, thức ăn…”, chủ trang trại này nói".

Hiện nay, cơ sở nuôi côn trùng của anh Kiên có 6 lao động chính. Ngoài bán côn trùng thành phẩm, anh còn chuyển giao kỹ thuật sau đó đứng ra làm đầu mối thu mua cho bà con trong vùng.

Dẫn chúng tôi vào thăm trang trại nuôi hàng vạn con côn trùng của mình, anh Kiên hào hứng cho biết anh đang thử nghiệm nuôi thêm cà cuống. Dù mới tìm hiểu, nhân giống nhưng kết quả bước đầu khá tốt, dự tính khoảng vài tháng nữa anh sẽ cho mở rộng nuôi đại trà.


Hiện trung bình mỗi tháng cơ sở anh Kiên xuất ra thị trường khoảng 4 tấn côn trùng. Trong đó, có khoảng 2 - 3 tạ bọ cạp

“Loại côn trùng này gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Tuy nhiên đây lại là loại rất có giá trị về Đông y, hoặc trong chế biến các món nước chấm đặc sản…”, anh Kiên nói.

Nói về mô hình chăn nuôi độc đáo của mình, ông chủ 8X trải lòng: “Trông thì đơn giản nhưng thực tế đã có những ngày tháng mình định bỏ cuộc. Rất nhiều lần dịch bệnh, côn trùng chết đồng loạt, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Mỗi lần sau đó, mình lại tự rút kinh nghiệm, học hỏi thêm để lần sau không lặp lại”.


Trang trại của anh Kiên rộng khoảng 2.000m2, nuôi đủ loại côn trùng trong đó nhiều nhất là rắn mối

“Tôi xuất thân trong gia đình nông nghiệp nên luôn có mong mỏi được làm giàu từ chính lĩnh vực này. Đến nay tuy chưa phải là thành công nhưng tôi vui vì cũng đã khẳng định được mình, giúp được nhiều bà con có thu nhập ổn định”, anh Kiên nói.

Sắp tới, ngoài trang trại nuôi hàng vạn con côn trùng, anh Kiên dự tính sẽ đầu tư thêm vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong đó chủ yếu là rau thủy canh cung cấp ra thị trường.

Theo Như Tầm