dd/mm/yyyy

Rơm vàng trên cánh đồng miền Tây

Sau những vụ lúa chín, rơm khô trên cánh đồng được nông dân thu gom để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt.

Trong thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp nên những hộ nghèo chuyên sống bằng nghề cắt lúa giảm dần theo thời gian. Gần đây, những nông dân đó lại có nghề mới, đó là thu mua rơm trên những cánh đồng lúa sau thu hoạch.

Đồng Tháp là tỉnh có thế mạnh trồng lúa, rau màu, chăn nuôi trâu bò nên lượng rơm khô cần cho chăn nuôi và trồng trọt khá lớn. Anh Phạm Văn Tâm (ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) cho biết: “Sau những vụ lúa chín, chúng tôi lại đi tìm mua rơm của các chủ ruộng bỏ lại để kiếm thêm thu nhập. Rơm khô cũng khá dễ bán vì nông dân trồng rau thì cần nhiều để dự trữ phục vụ sản xuất”.

Rơm khô được thu gom để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt.

Sau khi lúa thu hoạch xong, người làm thuê có nhiệm vụ thu gom rơm, cho vào bao rồi chở đến nơi người mua. “Rơm được mua theo mỗi công ruộng, với giá 50.000 đồng/công, bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/bao rơm (mỗi bao nặng khoảng 7kg), mỗi công thu được 20 - 25 bao rơm khô. Sau khi trừ chi phí nhân công, người làm lãi từ 50.000 - 70.000 đồng/công; bình quân mỗi vụ tôi thu mua hơn 100 công đất, lãi 7.000.000 đồng/vụ” - anh Nguyễn Thành Tuấn (40 tuổi) xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng cho biết.

Ngoài trồng lúa, mấy vụ gần đây chị Nguyễn Thị Xuân (38 tuổi) ngụ xã An Long, huyện Tam Nông còn đi thu mua rơm thuê cho các thương lái. Chỉ cần gom rơm trên ruộng lại thành từng đống lớn, mỗi ngày cũng có thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày. Chị Xuân chia sẻ: “Gia đình nghèo không có cơ sở làm ăn nên đi thu rơm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nghề này tuy cực nhưng cũng cho thu nhập khá ổn định”.

Cùng hoàn cảnh với những người mua rơm khác, chị Nguyễn Thị Hạnh (42 tuổi), ngụ ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cho biết: “Trời khô hạn nên cây cỏ cháy hết. Hơn nữa, đất bây giờ đều được trồng rau màu hay cây ăn trái, nhiều người nuôi bò không biết cho ăn ở đâu. Giờ vụ nào tôi cũng đi thu gom rơm về bán cho họ nên cũng có thêm tiền chi tiêu”.

Tranh thủ những ngày cuối tuần, em Phạm Thị Ngọt, 13 tuổi ở xã Phú Thuận B cùng gia đình ra ruộng để cho rơm vào bao, mỗi bao em được trả 3.000 đồng, tính ra em kiếm được 40.000 - 50.000 đồng/ngày giúp gia đình. Em Ngọt tâm sự: “Nhà nghèo nên em tranh thủ làm thêm, công việc cũng nhẹ nhàng phù hợp với sức của em, cũng để có thêm tiền mua quần áo, tập sách cho năm học mới”.

Công việc thu gom rơm khá vất vả, người làm phải đội nắng trên những cánh đồng mênh mông, song cũng giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn có thêm công ăn việc làm. Với nhiều nông dân, dự trữ rơm sau mùa gặt không chỉ là niềm vui mà còn không lo thiếu rơm phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi.

Nhiều người dân đội những đống rơm về nhà.
Rơm được các xe trâu chuyên chở về nhà, một nét đẹp bình dị ở làng quê.
Rơm được gom thành đống, bó lại thành những đội lớn để mang về nơi dự trữ.
Phương tiện xe chuyên chở những đống rơm vàng.
Nhiều phụ nữ nghèo tranh thủ thu gom rơm kiếm thêm thu nhập.
Rơm khô còn được thu gom, chuyên chở bằng ghe, bán làm thức ăn cho gia súc.
Chí Trung