dd/mm/yyyy

Phản hồi loạt bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội nói gì?

Sau khi Trang trại Việt điện tử đăng tải loại bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp, ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã lên tiếng cảm ơn phóng viên và Báo đã thông tin kịp thời về các hạn chế trong chuyển đổi số tại các xã nông thôn mới trên địa bàn.

Ngày 30/10, phóng viên Trang trại Việt điện tử đã về khảo sát thực tế tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Đan Phượng (Hà Nội) nhận thấy các địa phương này đã thay mới các bảng mã QR thực hiện dịch vụ công trực tuyến. PV cũng trực tiếp trải nghiệm dùng điện thoạt quét các mã QR tại các bảng mã mới thấy hoạt động bình thường, kết nối mạng và vào hệ thống một của dịch vụ công quốc gia khá nhanh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vào cuộc chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương

Sau khi Trang trại Việt điện tử đăng tải loạt bài: "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp", chiều ngày 27/10, ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã trực tiếp nhắn tin cảm ơn phóng viên Báo đã phản ánh thông tin đúng về các hạn chế trong chuyển đổi đổi số tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.

Trong tin nhắn gửi tới PV, người đứng đầu UBND TP.Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo các huyện, xã chấn chỉnh lại việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp chương trình lớn này ngày càng hiệu quả hơn giúp ích nhiều cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Phản hồi loạt bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Lãnh đạo TP.Hà Nội nói gì? - Ảnh 2.

Các banner, áp phích, băng rôn tuyên truyền về chuyển đổi số, xây dựng thôn thông minh, xã thông minh... được treo tại các điểm công cộng ở xã Song Phượng.

Là đơn vị được UBND huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) giao hướng dẫn, triển khai mô hình “Thôn thông minh” tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng (Hà Nội) Phan Công Tính cho biết, sau khi Báo phản ánh thông tin về các hạn chế, yếu kém trong chuyển đổi số ở xã nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc cho mình.

"Trước đây, khi xây dựng mô hình "Thôn thông minh", trong đó có xây dựng các mã quét QR thủ tục hành chính qua một cửa thành phố chạy song song với một cửa quốc gia thấy có nhiều hạn chế, trục trặc. Mới đây, chúng tôi đã chỉnh sửa và hòa nhập vào hệ thống một cửa quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đồng bộ và hiệu quả hơn", ông Tính nói và cho biết, đến nay, huyện đã chỉ đạo xã Song Phượng thay mới các bảng mã quét QR và tích hợp vào một mã duy nhất giúp người dân thuận tiện hơn khi tra cứu, thực hiện hoàn thiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến.

"Huyện cũng đã có công văn yêu cầu các xã nông thôn mới kiểu mẫu và các xã đang trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện xây dựng, thay mới các bảng mã quét QR gắn tại các nhà văn hóa, điểm công cộng giúp người dân tiếp cận, tra cứu, làm thủ tục hành chính nhanh, thuận tiện và hiệu quả hơn", ông Tính khẳng định.

Phản hồi loạt bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Lãnh đạo TP.Hà Nội nói gì? - Ảnh 3.

Các bảng mã QR hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến đã được xã Song Phượng thay mới và dán tại các điểm công cộng giúp người dân dễ tiếp cận, sử dụng làm thủ tục hành chính hơn.

Cũng theo ông Tính, dự kiến trong tháng 11 tới, huyện sẽ phối hợp với các nhà mạng triển khai xây dựng "Xã thương mại điện tử" tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng. "Rút kinh nghiệm từ cách làm trước đây, sắp tới chúng tôi sẽ chọn làm điểm và tập trung nguồn lực làm mô hình hiệu quả hơn.

Theo đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn các HTX, nông dân sản xuất các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng tham gia các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đối với các mô hình chưa đủ điều kiện tham gia sàn, chúng tôi sẽ hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" giúp bà con giới thiệu, quảng bá, bàn hàng qua các kênh mạng xã hội hiệu quả hơn", ông Tính tiết lộ.

Đối với kế hoạch xây dựng "Thôn thông minh", ông Tính cho biết thêm, sắp tới huyện cũng sẽ chọn các đơn vị có năng lực và cách làm hay, độc đáo để dồn nguồn lực làm mạnh, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm giúp các mô hình mới đạt kết quả cao nhất có thể để nhân rộng, lan tỏa ra toàn huyện.

"Chuyển đổi số là chương trình lớn nhưng do nguồn lực có hạn, vừa làm vừa mò mẫm nên huyện sẽ làm từng bước, từng gia đoạn một. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mình hơn để người dân được hưởng lợi nhiều nhất có thể", Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng bộc bạch thêm.

Xã nông thôn mới kiểu mẫu đã chỉnh sửa, thay mới mã quét QR thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Sáng 30/10, PV Báo điện tử Dân Việt đã về khảo sát thực tế tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) để làm bài phản sau loạt bài: "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp". Qua quan sát các điểm công cộng, nhà văn hóa các thôn của xã nông thôn mới kiểu mẫu này, chúng tôi thấy các bảng mã QR hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến đã được thay mới hoàn toàn.

Khi trải nghiệm thực tế quét mã QR làm dịch vụ công trực tuyến tại các bảng mã mới, chúng tôi thấy việc kết nối mạng và hệ thống một của quốc gia khá nhanh, các hướng dẫn khá chi tiết và cụ thể.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Hà, người dân ở thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng cho biết, các bảng mã QR do xã dán thay mới kết nối mạng internet nhanh hơn, các hướng dẫn trên các bảng mã cũng rất chi tiết, cụ thể nên người dân thực hiện các thủ tục hành chính như kết hôn, khai tử, khai sinh... thuận lợi hơn mã cũ trước đây.

Phản hồi loạt bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Lãnh đạo TP.Hà Nội nói gì? - Ảnh 4.

Một bảng mã QR hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mới được dán tại đầu thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng.

Phản hồi với PV Dân Việt, ông Bùi Anh Tùng - Chủ tịch UBND xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng cho hay: Sau khi có thông tin phản ánh từ Báo Dân Việt và nhận được sự chỉ đạo từ cấp trên, Song Phượng đã thay mới các bảng mã QR thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các điểm công cộng, nhà văn hóa 4/4 thôn trên địa bàn xã.

"Đến nay, chúng tôi đã dán lại khoảng 35 bảng mã QR. Nếu như trước người dân phải quét từng mã QR để làm từng thủ tục hành chính thì nay xã đã tích hợp vào một mã duy nhất. Người dân chỉ cần vào mã QR và làm theo hướng dẫn có thể thực hiện thao tác để kết nối dễ dàng với cổng một cửa quốc gia nhanh hơn", ông Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, bên cạnh việc thay mới các mã QR thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Song Phượng còn tích cực hướng dẫn các trưởng thôn,Tổ trưởng Tổ tự quản, các thành viên đại diện của các hộ gia đình trong tổ tự quản, mỗi gia đình cử đại diện 1 người tham gia nhóm sử dụng các nhóm mạng xã hội zalo, facebook.

Phản hồi loạt bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Lãnh đạo TP.Hà Nội nói gì? - Ảnh 5.

Bảng mã quét QR tại nhà văn hóa thôn Tháp Thượng cũng mới được thay mới giúp người dân dễ tiếp cận, sử dụng hơn.

Thông qua các nhóm mạng xã hội để lãnh đạo xã có thể trao đổi, tuyên truyền thông tin về các thôn, mọi hoạt động của xã, thôn đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước.

"Nếu như trước đây, trong các cuộc họp các cán bộ, lãnh đạo xã phải sử dụng, xử lý nhiều giấy tờ, sổ sách thì đến nay các cuộc họp đã gọn nhẹ, hiệu quả hơn nhờ các kết nối thông minh, phần mềm mới", Chủ tịch UBND xã Song Phượng khẳng định.

Ông Tùng cho biết thêm, đến nay tại 4/4 nhà văn hóa thôn của xã đã được trang bị hệ thống internet, Wifi miễn phí; đồng thời VNPT Hà Nội đã hỗ trợ lắp đặt thiết bị mở rộng phủ sóng Wifi khu trung tâm các thôn, hỗ trợ 50 sim 4G cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, để người dân trải nghiệm trong 1 tháng.

Phản hồi loạt bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Lãnh đạo TP.Hà Nội nói gì? - Ảnh 6.

Một cán bộ làm việc tại phòng một của ở trụ sở UBND xã Song Phượng.

Trung bình mỗi thôn số hộ dân có sử dụng mạng internet, wifi là 94%; Số hộ dân sử dụng mạng 4G là 97,3 %; Số hộ dân có sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng là 98 %; Số hộ dân có thành viên dùng mạng xã hội facebook là 92,3%; Số hộ dân có thành viên sử dụng mạng xã hội zalo là 97,5%; Số hộ dân có sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng (đèn LED) là 100%; trung bình mỗi thôn lên 93,7%, số hộ có sử dụng hình thức thanh toán điện tử là 92,3%. Phối hợp với VietTel Đan Phượng lập tài khoản VettelMoney và điểm thanh toán trực tuyến cho các cửa hàng, điểm kinh doanh, nâng số điểm thanh toán trực tuyến lên 21 cửa hàng trên địa bàn các thôn...

Khảo sát thêm các nhóm mạng xã hội, trong đó có nhóm "Nông sản sạch Song Phượng" do Chủ tịch Hội Nông dân và Giám đốc HTX làm người đại diện, chúng tôi đã thấy các nhóm này hoạt động tích cực hơn, cập nhật thông tin mới, cũng như giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp.

Phản hồi loạt bài "Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Lãnh đạo TP.Hà Nội nói gì? - Ảnh 7.

Một bảng hướng dẫn quét mã QR thủ tục hành chính tại UBND xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Ông Ngô Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết thêm, mới đây xã đã rà soát lại và hướng dẫn các hộ, HTX sản xuất nông nghiệp chụp ảnh, đưa thông tin sản phẩm lên các nhóm mạng xã hội để giới thiệu và bán nhanh hơn.

"Song Phượng có diện tích đất nông nghiệp hạn chế chỉ khoảng trên 100ha nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời xã cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của xã trở thành các sản phẩm OCOP của thành phố để bà con tiêu thụ thuận lợi và tăng thu nhập bền vững hơn", ông Ngô Thế Anh khẳng định.

Mở rộng khảo sát thông tin tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện mô hình "Thôn thông minh" ở Đan Phượng, chúng tôi trải nghiệm quét mã QR thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến tại các bảng mã dán, treo ở trụ sở các thôn, xã nông thôn mới kiểu mẫu như ở xã Đan Phượng, xã Thọ Xuân... thấy vẫn hoạt động bình thường, các kết nối vào hệ thống một của quốc gia khá nhanh và thuận lợi.

Đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền. Tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.Hà Nội ngày 5/7, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố với mức thu 0 đồng.

Cũng trong chiều 5/7, trả lời chất vấn của các cử tri và nhân dân Thủ đô tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin, từ năm 2021 trở lại đây, công tác chuyển đổi số đã được thành phố quan tâm triển khai. Tuy nhiên kết quả triển khai chưa đạt được tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của thành phố, công tác chuyển đổi số của thành phố trong 2 năm qua còn triển khai chậm, xếp hạng của thành phố nằm ở nhóm địa phương cuối bảng xếp hạng.

Nhận thức được những hạn chế này, từ năm 2022, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, đã thực sự tạo sự chuyển biến bước đầu từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị của Thành phố.

Đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền. Tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.Hà Nội ngày 5/7, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố với mức thu 0 đồng.

Cũng trong chiều 5/7, trả lời chất vấn của các cử tri và nhân dân Thủ đô tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin, từ năm 2021 trở lại đây, công tác chuyển đổi số đã được thành phố quan tâm triển khai. Tuy nhiên kết quả triển khai chưa đạt được tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của thành phố, công tác chuyển đổi số của thành phố trong 2 năm qua còn triển khai chậm, xếp hạng của thành phố nằm ở nhóm địa phương cuối bảng xếp hạng.

Nhận thức được những hạn chế này, từ năm 2022, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, đã thực sự tạo sự chuyển biến bước đầu từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị của Thành phố.

Trần Quang