dd/mm/yyyy

Nuôi tôm càng xanh nông dân đất Cảng lãi trên 100 triệu đồng

Ở thôn Úc Gián, xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) ông Nguyễn Văn Hởi là người được nhiều bà con trong xã biết đến. Ông là người cần cù, chịu khó làm giàu và nổi tiếng với nghề nuôi tôm càng xanh, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Hởi gắn bó với nghiệp nuôi tôm càng xanh hơn 10 năm nay

Mạnh dạn bỏ lúa nuôi tôm

Năm 2005, khi thấy việc canh tác lúa tại khu vực đất ruộng nhà mình không được hiệu quả, ông Hởi đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh tế để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Sau khi tìm hiểu các mô hình kinh tế tại một số địa phương khác, ông Hởi thấy được mô hình nuôi tôm càng xanh khá mới mẻ.

Khu nuôi tôm càng xanh của ông Hởi cho năng suất cao.

“Khu vực đất ruộng nhà tôi là đất trũng, cấy lúa không cho năng suất cao. Đồng thời thấy được, khu vực này nằm ngay cạnh con sông Đa Độ chuyên cung cấp nước sạch cho toàn thành phố Hải Phòng nên tôi đã quyết định thử nuôi giống tôm càng xanh bởi nguồn nước ở đây sạch rất thích hợp cho sự phát triển của giống tôm nước ngọt này. Ban đầu tôi chỉ dám nuôi thử nghiệm trên diện tích hơn 1000m2 ao đầm”, ông Hởi cho biết.

Khi mới nuôi giống tôm này, ông Hởi gặp không ít khó khăn khi chi phí đầu tư quá lớn mà tỷ lệ sống của tôm lại thấp chỉ đạt khoảng 20%. Không nản chí, ông tiếp tục tìm tòi, tham khảo qua sách báo về kỹ thuật nuôi tôm càng xanh; lặn lội đến các mô hình nuôi tôm thành công ở nhiều địa phương khác để tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Tôm càng xanh lãi trăm triệu

 Nhiều hộ gia đình khi nuôi tôm thì sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn, nhưng gia đình tôi thì khác. Tôi tự chế biến thức ăn cho tôm khi tôm bước vào giai đoạn trưởng thành. Việc tự chế biến thức ăn vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có.
Ông Nguyễn Văn Hởi 

Theo ông Hởi, thức ăn cho tôm được chia làm 2 giai đoạn. Khi tôm còn bé thì cho tôm ăn cám, khi tôm bước vào giai đoạn phát triển thì thức ăn của tôm lại là cám trộn với cá dùng cho chăn nuôi.

Ông Hởi cho rằng, môi trường sống của tôm rất quan trọng nên nguồn nước phải sạch. Vì vậy, lượng thức ăn cho tôm phải vừa đủ, khi cho tôm ăn cần phải té đều khắp ao và cần kiểm tra lượng thức ăn thường xuyên tránh trình trạng thức ăn thừa, gây ô nhiểm môi trường sống của tôm. Đồng thời, sau mỗi đợt thu hoạch tôm cần phải vệ sinh ao đầm bằng cách phơi khô ao đầm trong vòng 1 tháng trước khi nuôi lứa mới để đảm bảo cho lứa tôm đợt sau không bị bệnh và đạt năng suất cao. Ngoài ra, ông cũng đầu tư thêm máy sục khí làm sạch nước và tăng ôxi trong ao nuôi.

Giống tôm càng xanh sống chủ yếu ở tầng đáy, nếu nhiệt độ môi trường nuôi dưới 10oC tôm sẽ chết, nhiệt độ môi trường nuôi thích hợp để cho tôm phát triển giao động từ 26 – 31oC. Việc thả tôm giống phải tuân theo quy luật của thời tiết Sau thanh minh khoảng một tuần, ông bắt đầu thả tôm giống, sau 5 tháng có thể cho thu hoạch. Ông cho biết thêm.

Tôm khi thu hoạch nặng trung bình mỗi con đạt  từ 2,5 - 3 lạng

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật nuôi tôm càng xanh đạt năng suất khá cao. Tôm sau khi thu hoạch có trọng lượng từ 2,5 – 3 lạng/con và được bán ra thị trường với giá 550 nghìn đồng/kg đối với tôm loại to, 300 nghìn đồng/kg đối với tôm loại nhỏ. Mỗi năm gia đình ông Hởi thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Ngân Phạm