dd/mm/yyyy

Nuôi lợn thời rớt giá

Trong dịp cận và sau tết giá lợn (heo) bỗng rớt giá thê thảm. Hồi giữa năm, giá thịt lợn hơi vẫn còn ở mức 60- 70.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 11 vừa rồi, giá lợn hơn xuống còn chỉ hơn 35.000 đồng/kg, đến thời điểm sát Tết Nguyên đán, người chăn nuôi "méo mặt' vì giá 1kg lợn hơi chỉ còn 25 - 27.000 đồng/kg. Hiện tại dù giá lợn đã nhúc nhích tăng nhưng người chăn nuôi vẫn thua lỗ.

Với giá bán hiện nay người nuôi lợn đang lỗ vốn (Ảnh TL)

Chưa biết khi nào tăng
Sau khi đầu tư một trang trại chăn nuôi lợn hiện đại, khép kín, anh Lê Văn Thông (xóm 4, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu) đã mua 1.200 con lợn giống ở miền Nam về nuôi. Lứa lợn này anh Thông đã xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Tuy nhiên, với giá lợn hơi giảm mạnh - chỉ còn 31.000 đồng/kg, anh đã thua lỗ hơn 1 tỷ đồng.

Người chăn nuôi đón một cái Tết buồn do lợn mất giá (Ảnh TL)

Từ cuối năm 2016, thị trường thịt lợn giảm giá do Trung Quốc hạn chế thu mua thịt lợn hơi đã khiến người chăn nuôi lợn "dở khóc, dở cười". Bình quân mỗi con lợn có trọng lượng 100 kg sau khi xuất chuồng, nông dân chịu lỗ gần 1.000.000 đồng.

Trong khi đó, giá lợn hơi rớt thảm nhưng chi phí lợn giống và thức ăn vẫn cao. Vì vậy, sau khi xuất bán lứa lợn giáp Tết, đa số các chủ trang trại chăn nuôi đều thua lỗ, không đủ vốn để tái đàn. Được biết, lợn hơi rớt giá mạnh nhưng thịt lợn bán ở các chợ vẫn giữ giá.

Chị Phan Thu Em ở khu vực 5, phường An Khánh, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) có đàn lợn gần chục con với trọng lượng trên dưới 100kg/con. Chị cho biết, họ ra giá mua có 30.000đ/kg và chị đang thương lượng thêm một giá, thành 31.00đ/kg, nhưng thương lái chưa gật đầu nên lợn vẫn còn nuôi nhốt trong chuồng. “Giá bán như hiện nay, người nuôi lỗ nặng lắm”- chị Thu Em nói.

Chị tính toán, phải bán được 40.000đ/kg mới có chút lãi, còn bán giá 38.000đ/kg cũng chỉ hòa vốn. Chị Thu Em cũng cho biết, mặc dù lỗ nhưng vẫn phải bán lấy tiền để trả nợ và tái đầu tư. “Chuyện sắm Tết chắc chắn phải chờ vào thu nhập của chồng đang làm ăn ở Bình Dương mang về”- chị Thu Em nói.

Anh Lê Văn Tol, ngụ ấp Mỹ Tường, xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, người dân vùng quê mua sắm Tết đều trông chờ vào việc bán lợn, bán gà. “Giá gà vịt tạm ổn, nhưng giá lợn xuống dưới giá thành, chỉ bán được 30.000-31.000đ/kg, giảm so với cuối tháng trước 4.000-5.000đ/kg, nên chẳng ai vui mà lo sắm Tết cả, tình trạng này, sau Tết chẳng ai còn muốn nuôi”- anh Tol lo lắng.

Chị Kiều Thu Hà (Thạch Thất - Hà Nội) chia sẻ: "Nhà tôi có đàn lợn gần 50 con. Đáng lẽ sẽ xuất bán vào đợt tháng 11 vừa rồi. Nhưng thấy giá rẻ quá, muốn chờ Tết đến mới bán, ai ngờ giá càng ngày càng xuống. Mỗi tháng, tôi tốn thêm hàng chục triệu đồng. Cứ đà này thì sạt nghiệp!"

Giá thịt lợn xuống thấp đến mức đáng ngờ. Nếu tính theo giá thị trường, thậm chí giá lợn hơi còn thấp hơn cả giá rau củ. Một kg khoai mật Đà Lạt có giá từ 30 - 35.000đ. Một quả bưởi Diễn nặng chưa đến 1kg cũng có giá 50 - 70.000đ. Một quả bưởi có giá bằng 2- 3kg thịt - một nghịch lý chưa từng xảy ra ở thị trường.

Người chăn nuôi đang băn khoăn không biết phương án chăn nuôi năm nay thế nào (Ảnh TL)

Bà Vũ Thị Nhiệm, chủ trang trại chăn nuôi heo tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (Cần Thơ) cho biết, hiện tại trong chuồng còn khoảng 100 con lợn thịt đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng vì giá xuống quá thấp nên chưa muốn bán. “Nếu bán thời điểm này sẽ lỗ nặng, nhưng không bán thì chi phí nuôi tăng lên, trong khi không biết khi nào giá heo hơi mới tăng trở lại” - bà Nhiệm băn khoăn.

Theo các nhà thu mua, chế biến, nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi giảm mạnh là đối với thị trường nội địa cung đã vượt quá cầu, trong khi thị trường xuất khẩu (chủ yếu Trung Quốc qua đường tiểu ngạch) đã ngưng giao dịch từ mấy tháng nay.

Ông Lý Thanh Tùng- Giám đốc XN Chế biến thực phẩm I kiêm Giám đốc lò giết mổ gia súc tập trung, thuộc Công ty thương nghiệp Tổng hợp TP Cần Thơ (CTC), cho biết, nhu cầu thịt lợn năm 2016 của thành phố Cần Thơ so với năm 2015 không tăng. Hiện tại, mỗi ngày hệ thống lò giết mổ ở thành phố cung cấp 450 con, tương ứng 45 tấn lợn hơi phục vụ tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Lo vỡ trận

Nuôi lợn thua lỗ, người nuôi bỏ chuồng hoặc chuyển đổi sang vật nuôi khác, ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ "vỡ trận". Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 11205/BNN-CN gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi lợn.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo các địa phương chỉ đạo không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá mà cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường thịt lợn của Việt Nam.

Nhiều hộ bỏ chuống nuôi ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ "vỡ trận" (Ảnh TL)

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay giá lợn hơi đang xuống rất thấp, có nơi xuống dưới 30.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại, gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và thức ăn chăn nuôi hoàn toàn từ bên ngoài.

Theo Bộ NN&PTNT, việc phát triển chăn nuôi lợn ''quá nóng'' trong thời gian gần đây đang tạo nên sự mất cân đối cung cầu, đồng thời sẽ gây nên hệ lụy không nhỏ đối với lĩnh vực chăn nuôi.

Nhằm giảm thiểu áp lực, khó khăn cho người chăn nuôi lợn, Bộ NN&PTNT đề nghị các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Việc mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái. Cần khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro.

Đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ, thế mạnh của loại hình chăn nuôi nông hộ nước ta.

Cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi để phát triển bền vững (Ảnh TL)

Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội, hiệp hội với các hộ chăn nuôi. Chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho tiêu dùng nội địa và yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Theo Bộ NNPTNT, thịt lợn hiện nay về cơ bản là tiêu thụ nội địa, thay thế hàng nhập khẩu và từng bước mở rộng xuất khẩu sang các nước, chứ không phụ thuộc một quốc gia nào. Bộ NNPTNT cũng nhấn mạnh cần thông tin kịp thời, đầy đủ về giá lợn hơi và giá thịt lợn của thị trường để người chăn nuôi không bị thương lái ép giá.

Tổng hợp