dd/mm/yyyy

Nuôi giun biến rác thành tiền

Tại nhiều địa phương đang quá tải về rác thải sinh hoạt, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Từ thực trạng này, ông Nguyễn Văn Toan ở xã Gia Minh (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) đã thí điểm mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp nuôi giun đất lấy phân bón cây, được đông đảo nông dân hưởng ứng.

Nuôi giun vừa xử lý cho môi trường không ô nhiễm lại vừa có rau sạch

Ai cũng có thể nuôi giun

Nuôi giun đất khá đơn giản và thuận tiện, không mất nhiều thời gian lại tận dụng được nhân công nhàn rỗi. Ai cũng có thể tranh thủ làm ngay tại gia đình. Công việc nuôi giun đất được nhiều người cho là một hình thức thư giãn tốt sau mỗi ngày làm việc. Ông Toan cho biết, chỉ cần một thùng sơn đã bỏ đi hay một cái chậu hỏng là có thể dùng vào việc nuôi giun, không phải tốn tiền đầu tư, cũng không tốn nhiều diện tích. Có thể đặt thùng nuôi giun tại các điểm như sân, vườn, lối đi, hay khu sân thượng, hoặc bất cứ chỗ nào không ảnh hưởng đến các hoạt động đi lại.

Những thùng nuôi giun này nếu quan sát qua ai cũng nhầm tưởng đó chỉ là thú chơi cây cảnh của mọi nhà. Nhưng để cho hiệu quả và đẹp mắt, người nuôi giun cần chú ý chọn thùng nhựa có màu tối, dung lượng từ 100- 200 lít, vệ sinh sạch sẽ, sau đó đục các lỗ xung quanh thùng, để nơi bóng mát. Số lượng lỗ sẽ phụ thuộc vào thùng nuôi to hay nhỏ, bên dưới thùng đục khoảng 3 lỗ để thoát nước. Trên nắp thùng để khay nhựa tròn có đất trồng để gieo các loại rau ngắn ngày với mục đích để tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào thùng.

Bên trong thùng, chính giữa đặt một giỏ nhựa đựng thức ăn nuôi giun, miệng giỏ nhỏ hơn miệng thùng, xung quanh giỏ được phủ kín đất để giun dễ dàng tiếp cận thức ăn. Thức ăn của giun là tất cả các loại phế phẩm trong bữa cơm hằng ngày như cuộng rau, vẩy cá tôm, cặn cơm, cặn bún, nước gạo… cho đến các loại lá cây rụng đều có thể mang thả vào giỏ làm nguồn dinh dưỡng cho giun.

Tốt cho đất, sạch môi trường

Đất nuôi giun chủ yếu là đất trộn mùn cưa ủ mục, thành phần 50% là đất tơi xốp không chua mặn, 20% trấu, rơm rạ, mùn nấm 10%, bèo tây băm nhỏ 20%, trấu phân gà, phân bò, dê… Thời gian ủ từ 30 - 45 ngày, rồi kiểm tra độ PH khoảng 7.0 đến 7.5 là đạt yêu cầu. Sau đó mang đất ủ đổ vào thùng và trồng cây xung quanh, hàng ngày tưới ẩm để khoảng một tuần thì thả giun vào nuôi. Khi nuôi cần chọn loại giun ngoài tự nhiên, giống khỏe là được.

Làm phân hữu cơ từ việc nuôi giun

Mỗi con giun đất được ví như một nhà máy xử lý rác thải, cần mẫn ngày đêm góp phần làm phân hủy nhanh rác hữu cơ, tạo nguồn phân cung cấp cho nhiều loại cây trồng khác nhau, cho năng xuất và hiệu quả cao hơn bình thường. Sau 2 - 3 tháng, người nuôi đã được thu hoạch giun mang bán cho những người có nhu cầu nuôi gia cầm sạch bằng giun với giá thu mua hiện nay là 100 nghìn/kg.

Thả giun nuôi lần đầu khoảng 0,5 - 1kg/thùng. Sau hai tháng giun đẻ trứng vào đất, lượng giun sinh sản tương đối nhiều thì thu hoạch, lại chia đất từ một thùng sang hai thùng và tiếp tục nuôi. Nếu nuôi quy mô hơn thì người nuôi sẽ khoanh vùng và lập cho giun một ngôi nhà nhỏ từ 2m - 3m2 dưới các bóng cây to trong vườn.

Các cây trồng xung quanh thùng là loại cây ngắn ngày, như rau thơm, hoặc những cây có tán lá rộng. Nếu phía trên thùng có giàn đỡ có thể trồng được cả dưa leo, mướp đắng, cà chua, thiên lý. Những cây trồng xung quanh thùng nhựa rau rất tốt, không cần đến thuốc BVTV.

Nhiều chuyên gia đánh giá cao mô hình nuôi giun của ông Nguyễn Văn Toan ở xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng), vì dễ làm, hữu ích cho sự phát triển cây trồng và phù hợp với nhiều điều kiện của nhiều gia đình. Mô hình nuôi giun này đã và đang thu hút nhiều người đến thăm quan học hỏi và nhân rộng cho gia đình.

T.Thủy-N.Phạm