dd/mm/yyyy

Chuyện về nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc

Từ cách trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp, ủ phân từ chất thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng đến việc canh tác lúa nước theo phương pháp cải tiến SRI. Người nông dân tại các tình vùng cao Tây Bắc đã tìm ra nhiều cách để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Clip: Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ngày một nặng nề hơn

Đứng trước những tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm qua. Sản xuất nông nghiệp, một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của BĐKH, ngày càng trở nên bấp bênh, nhiều rủi ro hơn. Chính vì vậy, làm nông như thế nào để có thể ứng phó được với BĐKH là vấn đề không chỉ được Nhà nước đặt ra mà đã được các tổ chức triển khai.

Tại Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam (VOF) Được triển khai trong giai đoạn 2019-2022, Dự án VOF hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ, thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) và do PanNature điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu. Trọng tâm của dự án là mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với BĐKH.

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Người nông dân tại các tình vùng cao Tây Bắc đã tìm ra nhiều cách để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Anh: Nguyễn Vinh

Ông Cầm Văn Minh, phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Triển Khai dự án"Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Bắc, Việt Nam (VOF)". Các hoạt động của dự án đã từng bước tác động làm thay đổi nhận thức của người dân (đặc biệt là các thành viên của nhóm nông dân thích ứng) về ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, chăn nuôi và nắm được các kiến thức về trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp; nuôi bò thịt và bò đực giống; ủ thức ăn cho gia súc; ủ phân từ phân thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp.

Phổ biến được kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, hỗ trợ người dân tiếp thị, đưa các sản phẩm nghiệp Dự án làm tăng cường vai trò của người dân trong xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương (chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày không hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả theo mô hình nông lâm kết hợp; đề xuất lồng ghép vấn đề định hướng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap vào kế hoạch của bản, xã).

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Anh: Nguyễn Vinh

"Nhóm nông dân đã được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật canh tác nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, được tham gia thực hành kỹ thuật canh tác thông qua việc xây dựng các mô hình thí nghiệm thực tế, thay đổi nhận thức canh tác, biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ý kiến phản hồi của người dân tham gia dự án, đánh giá dư luận của nhân dân về dự án: Người dân ủng hộ và mong được tiếp tục tham gia dự án trong thời gian tiếp theo" ông Minh nói.

Anh Khuất Hữu Dương, xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ: "Ngày xưa thì đúng là không hiểu gì về BĐKH, về hiệu ứng nhà kính, cứ nghĩ là chỉ có thành phố mới gây tác hại thôi chứ mình thì không. Làm gì đã biết đốt nương, bón phân, dùng thuốc trừ cỏ là ảnh hưởng đến khí hậu đâu. Vào Nhóm mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với BĐKH, thì mọi người mới biết được, nắm được là bón phân đạm, phân lân nhiều cũng tạo ra BĐKH ấy chứ. Ngày xưa thì kệ, chứ giờ người dân biết bón phân hợp lý rồi. Xưa cứ phát nương là đốt, nhưng giờ người ta không đốt nữa, biết giữ lại làm thảm thực vật rồi. Trước đây cứ làm nương thì hầu như năm nào cũng xảy ra cháy rừng. Nhưng giờ hiện tượng cháy rừng còn mấy nữa đâu.

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Người dân tân dung chất thải từ chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp ủ làm phân bón cho cây trồng. Anh: Nguyễn Vinh

Chị Hà Thị Bông, trưởng nhóm Nông dân ứng phó BĐKH bản Nà Khái (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Trung tâm của mỗi Làng Nông nghiệp ứng phó BĐKH - Dự án VOF là một nhóm nông dân nòng cốt do chính dân làng bầu ra. Với chị Bông và các anh chị em khác trong nhóm, việc tham gia Dự án không chỉ đơn thuần để tự cải thiện kỹ thuật canh tác và chăn nuôi để ứng phó tốt hơn với BĐKH. Họ đã áp dụng các kỹ năng được trang bị để trở thành một lớp "tuyên truyền viên" tích cực và bền bỉ để thúc đẩy cộng đồng xung quanh áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững.

Thông qua các lớp tập huấn cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức, người dân tham gia dự án VOF đã giúp cộng đồng người nông dân hiểu được BĐKH và ô nhiễm môi trường có thể bắt nguồn từ chính tập quán canh tác nông nghiệp mà họ đã và đang duy trì. Từ đó người nông dân có thêm động lực chủ động thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH.

"Khi họp nhóm thì mình đều yêu cầu các thành viên cũng phải tuyên truyền đến các hộ trong bản. Cũng như qua các đợt sinh hoạt bản, sinh hoạt đoàn thể, hay cả khi ngồi ngoài chợ, nếu người ta hỏi thăm về hoạt động và mô hình của mình thì các thành viên cũng rất là nhiệt tình để trao đổi", chị Bông nói.

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Tham gia dự án VOF người nông dân có thêm động lực chủ động thay đổi phương thức sản xuất, hướng tới nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH. Anh: Nguyễn Vinh

Anh Quàng Văn Thảo, bản Phé A, xã Tông Cọ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) là một trong số các thành viên của Nhóm nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu được Dự án VOF thành lập tại bản Phé A. Ở vùng đất nơi gia đình anh sinh sống, việc chăn nuôi gia súc ngay dưới gầm sàn hoặc sát cạnh nhà đã trở thành tập tục qua nhiều thế hệ. Điều này khiến cho phân trâu bò thải ra không được thu gom và xử lý triệt để, không chỉ gây ô nhiễm tới không gian sinh hoạt mà còn là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính, làm trầm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.những ngày sinh hoạt cùng Nhóm nông dân thích ứng đã mang đến cho Thảo nhiều kiến thức mới.

Thay vì để đó không xử lý, anh đã biết thu gom và ủ phân bò để bón cho cây. Anh cũng được tập huấn kỹ thuật trồng xen cỏ với cây trồng để vừa giúp giữ đất giữ nước khi có thiên tai, bão lũ, vừa cung cấp lại thức ăn cho trâu, bò.

"Truyền thống trước đây thường là nhốt trâu bò ở dưới gầm sàn, làm ảnh hưởng rất không tốt tới môi trường sống. Bây giờ có Dự án hướng dẫn, mình đã đưa chuồng trại ra xa khỏi nhà. Môi trường sống đã sạch hơn, chuồng trại thông thoáng và bò cũng phát triển hơn"  anh Thảo nói.

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 6.

Tham gia dự án, những người nông dân biết cách chăn nuôi gia súc hiệu quả, biết cách ủ thức ăn cho gia súc; ủ phân từ phân thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp. Anh: Nguyễn Vinh

Ông Lò Văn Bình, thành viên nhóm NDƯP bản Nà Si (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Ngày xưa thì xói mòn, lở đất nhiều lắm. Truyền thống thì dùng cuốc cày đất, nên mùa mưa nước nó chảy xuống chỗ trũng, nó cuốn hết đi. Từ khi có mô hình nông lâm kết hợp thì mình làm đường băng trên đất đồi trồng xoài nhãn để chống xói mòn. Việc chăm sóc, làm cỏ, thu hái cũng dễ dàng hơn. Xong rồi mình trồng xen cỏ vào đường băng để nuôi bò dê tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Bò dê ăn xong sẽ thải ra phân, mình sẽ ủ phân hữu cơ để bón trả lại cho cây ăn quả" BĐKH ngày càng trở nên khắc nghiệt, nhất là ở những địa bàn có nhiều đồi núi, sông suối như khu vực Tây Bắc, đã ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp và người nông dân. Việc kịp thời chuyển đổi phương pháp canh tác, chăn nuôi theo hướng bền vững không chỉ giúp người dân đảm bảo năng suất, thu nhập mà còn giúp họ thích ứng tốt hơn với BĐKH và đóng góp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 7.

Ông Lò Văn Bình, thành viên nhóm NDƯP bản Nà Si (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Anh: Nguyễn Vinh

Với người với các thành viên nhóm Nông dân ứng phó BĐKH tại bản Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) lúa nếp tan là loại cây có nhiều tiềm năng về thị trường do đây là một trong những đặc sản nông nghiệp của vùng. Song phương pháp canh tác truyền thống tại đây chưa thực sự tối ưu, lại phải chịu ảnh hưởng từ các hiện tượng khí hậu cực đoan và cũng đồng thời gây ra phát thải khí nhà kính.

Nông dân chung tay ứng phó biến đổi khí hậu

Chỉ sau hơn một năm học tập để chuyển đổi sang kỹ thuật SRI, từ 5 ha đầu tiên, các nông dân trong Nhóm không chỉ thu về năng suất cao, chất lượng hạt tốt mà còn làm giảm đáng kể các tác động tiêu cực tới môi trường. Kết quả khả quan từ mô hình của Nhóm đã thu hút nhiều nông dân khác trong bản cùng tham gia, nâng tổng diện tích lúa nếp tan áp dụng phương pháp mới lên 30 ha và số lượng thành viên Nhóm lên 38 hộ gia đình từ năm 2021. Nhóm cũng thành công ký kết hợp tác cùng Công ty TNHH MTV Giống Vật tư Nông nghiệp Tây Bắc để thúc đẩy sản phẩm tiếp cận thị trường.

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 8.

Nhờ chuyển đổi cấy theo phương pháp SRI nhưng ruộng lúa tại xã Bản Lang bông to, hạt to và năng suất hơn. Anh: Nguyễn Vinh

Ông Vàng Văn Chẻo, trưởng nhóm Nông dân ứng phó BĐKH tại bản Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) chia sẻ: Mấy năm trước, một sào hết hẳn 5 cân giống mà thu hoạch về không được nhiều, nó lại tốn công cấy. Giờ cấy theo phương pháp mới, chỉ mất 3 cân giống là được một sào (1,000m2). Thế là vừa ít mất giống, lại ít mất công.

Chủ yếu là cấy được nhanh hơn. Như ruộng nhà tôi trước đây, 29, 30 người cấy một ngày ko xong. Ba năm nay cấy theo phương pháp SRI này là tôi chỉ cần 10 người cấy trong một buổi. Mình cấy thưa thì làm cỏ cũng dễ, cây lúa cũng đẹp, bông to, hạt to và năng suất hơn. Nói chung là từ khi tham gia mô hình, bà con được nhiều cái lợi. Ruộng lúa phát triển, bà con cũng đủ ăn, hàng năm ko phải đói nữa, và lại lợi cho cả bản vì không ô nhiễm môi trường.

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 9.

5. Ông Vàng Văn Chẻo, trưởng nhóm Nông dân ứng phó BĐKH bản Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Anh: Nguyễn Vinh

Để nông sản chất lượng do người dân tạo ra có thể tiếp cận tới khách hàng tiềm năng, Dự án VOF đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy mối liên kết giữa Nhóm nông dân tại mỗi thôn bản và các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Bằng việc cam kết hợp tác cùng hợp tác xã, người nông dân trồng xoài như chị Giang có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngay từ khi cây trồng còn chưa ra sản phẩm. Nhờ những tín hiệu thị trường do hợp tác xã hoặc doanh nghiệp lắng nghe và phản hồi lại, chị và người dân quanh mình có thể chủ động về số lượng, chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu thị trường mà không phải sản xuất tràn lan hoặc manh mún, nhỏ lẻ, thiếu định hướng như trước.

Chị Quàng Thị Giang, Thành viên Nhóm Nông dân ứng phó BĐKH bản Nà Khái (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ. Quả xoài nó không được đẹp, không được như ý thì bán không được giá. Từ khi vào hợp tác xã, mình biết quy trình chăm sóc thì nó khác hẳn. Quả đẹp, họ lại bao tiêu sản phẩm cho mình mà giá cả không bấp bênh, được giá hơn".

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 10.

Câu chuyện của những người nông dân làm nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 11.

Người nông dân liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhờ vậy thị trường tiêu thụ được mở rộng. Anh: Nguyễn Vinh

Trở thành thành viên của các Nhóm Nông dân ứng phó BĐKH, người nông dân tại Lai Châu và Sơn La không chỉ học tập các kiến thức để sản xuất nông nghiệp có thể thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH. Họ còn tham gia nhiều hoạt động nâng cao năng lực khác như tập huấn tiếp cận thị trường, tập huấn truyền thông,... Nhờ trau dồi các kỹ năng như thuyết trình, sử dụng internet, mạng xã hội, chụp ảnh, quay phim bằng điện thoại thông minh,… người nông dân đã trở nên tự tin hơn để mang sản phẩm của mình quảng bá tới mọi miền tổ quốc.


Mè Thu Thuỷ