dd/mm/yyyy

Những bể nuôi bất bại của Cường “tôm”

Kiên trì gắn bó với nghề nuôi tôm hơn chục năm, thế nhưng gần đây, Cường “tôm” ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, Nam Định mới “ăn nên làm ra” nhờ áp dụng cách nuôi tôm trong bể xi măng.

Nuôi tôm trong bể “10 vụ thắng 10”

Nguyễn Văn Cường manh nha thử nghiệm nuôi tôm trên bể xi măng từ năm 2014. Tuy chỉ có 2 bể với tổng diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 40m2  nhưng khi nói về mô hình này Cường rất say sưa và tràn đầy hi vọng.

Bẵng đi vài năm, có dịp về thăm lại mô hình, tôi thực sự ngỡ ngàng với sự đổi thay ở nơi đây. Toàn bộ khu nuôi tôm 1,2ha được Cường nâng cấp, cải tạo hiện đại theo đúng mô hình công nghiệp. Từ 2 bể nuôi ban đầu, đến nay, Cường đã đầu tư xây thêm lên 80 bể nuôi tôm với tổng diện tích hơn 2.000m2 . Mỗi bể nuôi tôm được Cường thiết kế vỏn vẹn chỉ 25m2 , chiều cao hơn 1m. Trong mỗi bể được lắp đặt máy sục khí, hệ thống dẫn và cấp thoát nước riêng biệt.

Đặc biệt, trên các bể nuôi tôm, Cường còn dựng các cột bê tông làm khung dàn mái che hình chóp nón. Cường giải thích: “Nuôi tôm có mái che người nuôi sẽ chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường và dễ dàng xử lý vấn đề về thời tiết. Theo đó, mùa đông chỉ cần phủ nilon lên mái che để đảm bảo ổn định nhiệt độ môi trường nước”.

Không chỉ bể nuôi tôm mà 7 ao nuôi thương phẩm với tổng diện tích 1ha cũng được anh thiết kế gọn gàng, hiện đại. Bờ và đáy ao đều được đổ bê tông sạch sẽ, có máy guồng nước, tạo môi trường nước nhân tạo, điều chỉnh đo đếm lượng thức ăn, thuốc thú y... Cường phân tích: “Cả ao nuôi và bể nuôi đều có những ưu, khuyết điểm riêng. Tính cùng trên 1 đơn vị diện tích thì bể nuôi có chi phí xây dựng tốn hơn ao nuôi. Nhưng ưu điểm nổi bật của mô hình nuôi tôm trong bể xi măng là dễ dàng kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên tôm”.

Đặc biệt, áp dụng cách nuôi này, khi thu hoạch tôm rất nhàn. Khi nhận được điện thoại của thương lái, Cường chỉ cần nhẹ nhàng mở khóa van nước để tháo cạn rồi đặt túi lưới thu về những mẻ tôm bội thu. Hơn 1 tạ tôm tươi, con nào con nấy to và đều nhau, nhảy tanh tách được anh thu hoạch gọn trong vòng… 15 phút.

Vẫn như 4 năm về trước, khi nói chuyện về con tôm, Cường đầy hứng khởi và đam mê. Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị gián đoạn khi chốc chốc điện thoại của Cường lại réo chuông vì thương lái đặt hàng, rồi nông dân các nơi hỏi kỹ thuật nuôi tôm. Không giấu nghề, Cường chia sẻ hết.

Cụ thể, về thiết kế bể nuôi, Cường khuyến cáo diện tích mỗi bể không nên vượt quá 50m2. Về mật độ nuôi, Cường thả khá dày, khoảng 400 con/m2 (gấp 4 lần so với mật độ thả tôm ở ao nuôi). Sau khi thả từ 40-60 ngày (tùy theo thời tiết và mức độ tôm lớn), Cường sẽ san ra, chỉ để 200 con/m2. Sau đó, anh áp dụng cách “thu tỉa” bắt tôm làm 2 lần. Áp dụng cách nuôi này, sau ba tháng nuôi mỗi vụ có thể đạt 120-150 kg tôm/bể.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, Cường còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân nghèo trong xã bằng hình thức bán con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh cho tôm trả chậm không tính lãi. Cường cũng trở thành thầy giáo “cầm tay chỉ việc” cho bà con trong xã học tập và xây dựng mô hình nuôi tôm trên bể như mình. Học theo anh Cường hiện ở xã Hải Đông còn có anh Nguyễn Văn Sơn (xóm Xuân Hà), Nguyễn Văn Hào (xóm Hợp Thành)… cũng thành công từ mô hình nuôi tôm trên bể xi măng.

Về cách chăm sóc tôm, Cường cho hay, người nuôi nên cho ăn vừa phải và quản lý thức ăn thật tốt. Nếu cho ăn quá nhiều, dư thừa thức ăn rất dễ bị ô nhiễm môi trường nước, gây dịch bệnh cho tôm. Còn nếu cho ăn ít thì tôm chậm lớn. Theo kinh nghiệm của anh Cường, trong 10 ngày đầu thả giống trong bể, lượng thức ăn cho tôm chỉ bằng 50% so với thức ăn của tôm ngoài ao.

Từ con nợ thành tỷ phú

Nguyễn Văn Cường là 1 trong những hộ đầu tiên nuôi tôm thẻ chân trắng và có cuộc sống giàu có từ mô hình này. Sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng, chật vật không kiếm được việc làm, Cường khăn gói về quê và quyết tâm khởi nghiệp. Tuy nhiên, thời ấy vùng quê ven biển vốn có nghề muối truyền thống, anh bảo nếu theo nghề của cha ông làm quần quật ngày đêm cũng không đủ ăn, huống chi mơ mộng làm giàu.

Đầu năm 2007, anh vay mượn tiền đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc đàn tôm nên Cường thua nhiều hơn thắng. Vừa mới khởi nghiệp chưa lâu, Cường “tôm” đã thành con nợ. “Bao vốn liếng đầu tư vào đầm tôm chưa gỡ được đồng nào mà toàn thấy tôm chết, gia đình tôi khuyên không nên mạo hiểm. Nhưng tôi nghĩ đã quyết tâm phải làm đến cùng”- Cường nhớ lại.

Năm 2009, anh quyết định dành tất cả vốn để đầu tư ao nuôi tôm thẻ theo hướng công nghiệp. Anh chia 1.000m2 thành 5 ao, bờ ao đổ bê tông gọn gàng, dưới lót bạt, có guồng quay sục khí tạo ôxy… Làm ăn bài bản nên ngay vụ đầu thử nghiệm anh đã thắng lớn và thu nhập gần 100 triệu đồng từ việc xuất bán hơn 1 tấn tôm thẻ, trừ chi phí lãi 30 triệu đồng. Vụ tiếp theo anh thu lãi thêm 50 triệu đồng. Có đà, anh Cường mở rộng diện tích nuôi tôm lên 1,2ha.

Sau những vụ tôm thành công liên tiếp, từ năm 2013, Cường lại gặp khó khăn do tôm bị dịch bệnh. Theo Cường, nguyên nhân do môi trường và chất lượng con giống, trong đó môi trường ảnh hưởng tới 80%. Trước khó khăn này anh đã nảy ra sáng kiến nuôi tôm trong bể và đem lại thành công không ngờ .
Câu chuyện đưa con tôm nuôi trên bể cũng rất tình cờ. Năm 2013, Cường xây bể khoảng trên 20m2 để nuôi tôm giống nhưng thất bại. Thấy bể bỏ không cũng phí nên anh bơm nước vào thả tôm nuôi thử, không ngờ lại thành công.

Mô hình nuôi tôm trên bể xi măng của anh Nguyễn Văn Cường.
Mô hình nuôi tôm trên bể xi măng của anh Nguyễn Văn Cường.

“Từ năm 2013, liên tiếp những vụ tôm thất-được, được thất, thấy không ổn tôi bay sang tận Thái Lan để học lỏm nghề này, rồi lại vào miền Trung tiếp tục học cách nuôi tôm. Trong thời gian đi xa, công việc nuôi tôm tôi giao hết cho vợ quản lý. Tuy nhiên, vợ tôi vốn là giáo viên, công việc chính của cô ấy là dạy học, không có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm như mình nên khi tôm bệnh không thể xử lý kịp thời. Khi tôi về, dù tôm nuôi ở ao chết la liệt nhưng tôm nuôi trong bể vẫn sinh trưởng tốt”. Theo anh Cường khi quyết định chuyển từ nuôi chơi sang đầu tư nghiêm túc xây bể nuôi tôm với số lượng lớn, bản thân anh đã có đủ sự trải nghiệm thực tế và tích lũy học hỏi. “Ở Thái Lan, tôi nghiên cứu kỹ thuật làm ao đầm, bố trí máy sục khí. Còn ở miền Trung, tôi học cách đặt cánh quạt, kỹ thuật bảo vệ ao đầm bằng tấm cao su. Học mỗi nơi một cách rồi tôi “pha chế” ra cách riêng của mình và áp dụng cho mô hình nuôi tôm trên bể. Nếu như ngày trước tôi nuôi tôm giống trên bể thất bại thì đến thời điểm hiện tại tôi đã tự tin nuôi thành công cả tôm giống và tôm thương phẩm trên bể xi măng”.

Đến nay, Cường đã đầu tư 80 bể, trải qua hơn 10 vụ tôm, nhưng chưa vụ nào gặp rủi ro. Từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm Cường thu lãi 31 triệu đồng/bể. Cường cũng là 1 trong những hộ đầu tiên ở xã Hải Đông tậu được ô tô từ tiền bán tôm.

Thu Hà