dd/mm/yyyy

Người “vẽ” bức tranh đẹp cho du lịch nông nghiệp Sin Suối Hồ

Bản vùng cao Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã và đang là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa. Người có công mở hướng cho du lịch nông nghiệp ở bản vùng cao Sin Suối Hồ chính là anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ.

Sin Suối Hồ giờ đã khác xưa

Vượt hơn 30km từ TP.Lai Châu, chúng tôi đến thăm bản Sin Suối Hồ vào những ngày trung tuần tháng 1. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến nơi này chính là vẻ mộc mạc, chân chất, thân thiện của đồng bào Mông.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Vàng A Chỉnh phấn khởi cho biết: Bản Sin Suối Hồ có 123 hộ đồng bào dân tộc Mông. Bản nằm ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển. Kể từ khi làm du lịch, đời sống, thu nhập của bà con trong bản nâng lên rất nhiều so với trước đây. Bà con dân bản ai cũng vui bởi du khách đến thăm quan ngày một đông hơn.

Trưởng bản nói ít, làm nhiều

“Trước đây, người dân trong bản chưa hiểu và cũng chưa biết làm du lịch như bây giờ. Bản thân tôi lúc đầu cũng không nghĩ đến làm du lịch, mà chỉ nghĩ đơn giản là làm cho nhà mình sạch, bản mình đẹp thôi. Sin Suối Hồ giờ đã khác xưa. Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch, tiếp đón du khách đến thăm bằng cả tấm lòng của mình...” – anh Chỉnh vui vẻ nói.

du lịch nông nghiệp, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Bản Sin Suối Hồ là điểm đến không thể bỏ quên của du khách khi đến Lai Châu. Đến đây, ngoài trải nghiệm các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, du khách còn được trực tiếp giã bánh dày.

 

Theo anh Chỉnh, từ năm 2013 trở về trước, đời sống của người dân bản Sin Suối Hồ gặp nhiều khó khăn bởi chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa, thảo quả bán sang Trung Quốc, giá cả không ổn định.
Trong một lần vào rừng hái thảo quả, anh Chỉnh trông thấy cây địa lan nở hoa, khoe sắc, tỏa hương thơm ngát. Thấy đẹp, anh đem về trồng trong chậu, đặt ở trước hiên nhà. Sau đó, cứ mỗi lần lên rừng thấy địa lan hay phong lan rừng, anh đều hái mang về trồng, rồi học cách nhân giống. Khi có khách hỏi mua, bán được giá, anh Chỉnh mới tính đến chuyện vận động người dân trong bản trồng địa lan.

“Địa lan giờ trở thành điểm nhấn, nét đặc trưng riêng chỉ có ở Sin Suối Hồ. Nhà nhà trồng địa lan, người người trồng địa lan. Nhà ít thì vài chục chậu, còn nhà nhiều lên đến hàng trăm chậu địa lan. Sin Suối Hồ đẹp nhất là vào mùa xuân bởi đây chính là thời điểm những chậu địa lan nở hoa, khoe sắc” – anh Chỉnh cho hay.

Từ trồng địa lan cho đến chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh sân, vườn, anh Chỉnh đều đi tiên phong, sau đó vận động người dân làm theo.

“Mình là cán bộ bản thì mình phải gương mẫu, đi đầu, nói ít, làm nhiều để bà con thấy mà học tập, làm theo” - anh Chỉnh tiết lộ cách vận động bà con bản Sin Suối Hồ làm du lịch.

Ông Chẻo Quẩy Hòa –Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ, cho biết: Năm 2014, tỉnh Lai Châu công nhận bản Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng, mở hướng làm du lịch cho người dân nơi đây. Trưởng bản Vàng A Chỉnh là người đầu tiên trong bản làm du lịch và vận động người dân trong bản làm theo. Giờ bà con dân bản đã quen với việc tiếp đón du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón hàng chục nghìn lượt khách đến thăm quan.

Đến bản Sin Suối Hồ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ mộc mạc, đơn sơ của những ngôi nhà trệt thưng gỗ mà còn được “mục sở thị” những cánh rừng nguyên sinh tươi tốt, những chậu địa lan đẹp đến ngỡ ngàng. Đường đi, lối lại trong bản sạch đẹp. Cảnh sắc núi non hùng vĩ, nên thơ. Không hết, khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm giã bánh giầy, xay gạo và thưởng thức những món ăn đặc sắc của đồng bào Mông thân thiện, mến khách ở nơi đây.

PV