dd/mm/yyyy

Người dân Lai Châu ấm no nhờ dịch vụ môi trường rừng

“Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh miền núi, biên giới Lai Châu” – đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Lịch – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu.

Nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lai Châu có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu, tỉnh Lai Châu giữ vai trò điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thủy điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng châu thổ sông Hồng.

Những cánh rừng ở Lai Châu ngày càng xanh tốt.

Với vị trí quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm tới công tác giữ rừng, phát triển rừng trên địa bàn. Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Lai Châu là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Xác định rừng là mạch sống, nó không chỉ giữ cho môi trường trong lành, hạn chế mưa lũ, sạt lở mà còn mang lại nguồn thu không nhỏ cho tỉnh. Theo đó, Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú, góp phần nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ rừng của người dân. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ tới từng cộng đồng thôn, bản, người dân. Với hơn 430 nghìn ha rừng, mỗi năm, tỉnh Lai Châu thu cả trăm tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này, phần lớn được chi trả cho các hộ dân trực tiếp tham gia khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng.

Nói đến công tác giữ rừng tốt ở Lai Châu không thể không nhắc đến Mường Tè. Đây là huyện xa nhất, khó khăn nhất, nhưng lại là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu, với tỷ lệ độ che phủ lên đến hơn 62%. Công tác gữ rừng, phát triển rừng đã và đang lan tỏa thành phong trào rộng khắp các xã, bản của huyện Mường Tè. Từ khi có chính sách chi trả DVMTR thì phong trào giữ rừng, phát triển rừng ở Mường Tè đã nâng lên tầm cao mới. Điển hình là Mù Cả - xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Tè. Diện tích rừng trên địa bàn xã lên đến hơn 38.000 ha. Toàn xã có hơn 400 hộ dân. Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần giúp bà con dân tộc Hà Nhì nơi đây xóa đói, giảm nghèo. Mỗi năm, bình quân mỗi hộ dân trong xã được nhận hơn 25 triệu đồng tiền DVMTR.

Chính sách chi trả DVMTR góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Lai Châu.

Ông Lý Hà Xá - Trưởng bản Gia Tè, xã Mù Cả, cho biết: Trước đây, bản mình nghèo lắm, năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt. Mấy năm trở lại đây, được nhà nước trả tiền giữ rừng, bảo vệ rừng, đời sống của bà con dân bản đã được nâng lên rất nhiều. Sử dụng hiệu quả tiền DVMTR vào phát triển sản xuất, nhiều gia đình trong bản đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Không còn lo cái ăn vào mỗi mùa giáp hạt, bà con dân bản yên tâm lao động sản xuất, giữ rừng ngày càng xanh tốt.

Ông Lý Khai Hòa - Chủ tịch UBND xã Mù Cả phấn khởi nói: Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khoảng 5%. Kết quả ấn tượng đó có một phần đóng góp không nhỏ từ chính sách chi trả DVMTR. Chính sách chi trả DVMTR của Chính phủ đã và đang giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của xã Mù Cả nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung có thêm nguồn thu ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Cũng giống như xã Mù Cả, người dân xã Pú Đao (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cũng được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ. Số tiền DVMTR mà các hộ dân nhận được hàng năm tuy không lớn, song cũng phần nào giúp bà con nơi đây ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó lâu dài với rừng.

Theo ông Nguyễn Trọng Lịch - Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu, sau hơn 6 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số vụ cháy rừng, vi phạm về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở tỉnh Lai Châu, giảm rõ rệt. Tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh trong năm 2014 mới chỉ đạt 41%, đến nay đã tăng lên gần 50%. Nếu không có chính sách chi trả DVMTR, chắc chắn Lai Châu sẽ không đạt được độ che phủ rừng ấn tượng đến vậy.

“Hằng năm, chúng tôi tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích tích rừng trong toàn tỉnh, sau đó tham mưu cho tỉnh xây dựng phương án chi trả tiền DVMTR, đảm bảo đúng đủ diện tích, người thụ hưởng. Đời sống, thu nhập của người dân trong tỉnh được cải thiện đáng kể nhờ chính sách chi trả DVMTR. Chính sách chi trả DVMTR không chỉ là “đòn bẩy” cho những cánh rừng ở Lai Châu thêm xanh, mà còn tạo ra “cú huých” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh” – ông Lịch nhấn mạnh.

Văn Chiến